Ứng phó với thảm họa

21/03/2020 06:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2011, Nhật Bản từng phải chịu thảm hoạ kép động đất và sóng thần. Trận động đất và sóng thần ấy dẫn đến 2 vụ nổ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 và Fukushima 2, thiệt hại về người và của không biết bao nhiêu mà kể... Cũng trong năm 2011, đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản “biến đau thương thành hành động”, lần đầu tiên đoạt danh hiệu vô địch FIFA World Cup. Trước và sau năm 2011, chúng ta đã từng đọc và học nhiều các bài học về tinh thần vượt khó của người Nhật.

TOP 5 trung vệ đáng xem nhất V League 2020

TOP 5 trung vệ đáng xem nhất V League 2020

V.League 2020 đã tạm hoãn do dịch bệnh Covid-19. Dù mới chỉ diễn ra 2 vòng đấu nhưng đã có những điểm nhấn đáng chú ý. Trong thời gian chờ V.League trở lại, Next Sports đưa ra danh sách những trung vệ hứa hẹn sẽ tỏa sáng ở mùa giải năm nay.

Mọi so sánh dĩ nhiên đều khập khiễng. Song, với tình trạng xâm nhập mặn ngày một nặng ở các tỉnh có đường bờ biển khu vực Tây Nam bộ, cũng có thể xem là một loại thiên tai. Cùng với dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, khó lường, cũng chẳng gì thảm họa kép là mấy, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng chung tay vào cuộc.

Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cũng không thể đứng ngoài "cuộc chiến" này. Cũng như thế giới, bóng đá Việt Nam đã đóng băng toàn bộ các hệ thống giải đấu, từ phủi đến chuyên, trong nhiều ngày qua. Bởi bóng đá là đám đông và tụ tập đông người lúc này là rất nguy ngại, khi mầm lây lan rất dễ xảy ra. Và, đây chính thời điểm thích hợp để bóng đá Việt Nam một lần nữa đi cùng tiên phong trong các hoạt động quyên góp, ủng hộ khắc phục thiên tai và dịch bệnh!

Trong những ngày qua, HLV đội tuyển bóng đá nam quốc gia, ông Park Hang Seo cùng những học trò của mình trở thành tâm điểm với "cuộc thi" rửa tay theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm phòng chống dịch. Hành động tưởng chừng như đơn giản hàng ngày nhưng đang là biện pháp hữu hiệu để mỗi người tự bảo vệ chính mình thời dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Bóng đá cũng cần phải thể hiện trách nhiệm xã hội trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Ảnh: Hoàng Linh

Rồi những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng... xuất hiện trên truyền thông kêu gọi người hâm mộ cả nước cùng tích cực tham gia phòng dịch trên mọi phương diện, từ việc thực hiện các biện pháp y tế, tới phản bác, chống lại tin giả, vững tâm trong cuộc chiến "chống dịch, như chống giặc" bằng những thông điệp ý nghĩa: “Việt Nam cố lên”; “Việt Nam chiến thắng đại dịch”!

Và ngay sau khi Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động chiến dịch toàn dân ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hàng loạt tuyển thủ Việt Nam đã rất hào hứng tham gia. Trong số này, Văn Toàn và Công Phượng là những người đi đầu trong việc kêu gọi mọi người quyên góp tiền ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại trang cá nhân. Trong khi đó, Công Phượng cũng chia sẻ lại hoạt động này của người đồng đội tại trang cá nhân và nhắn nhủ: "Together we make it" (tạm dịch: Chúng ta cùng nhau thực hiện).

Liên quan đến thiên tai, cách đây mấy ngày, vợ chồng cựu danh thủ Công Vinh - Thuỷ Tiên đã đi thăm một số điểm ngập mặn ở miền Tây, đặng có những hỗ trợ cần thiết. Thuỷ Tiên quê ở Kiên Giang, một tỉnh có đường bờ biển dài bậc nhất Tây Nam bộ, hẳn là cô hiểu mối lo, khốn khó của bà con nơi đây. Cặp vợ chồng từng được ví như Becks - Vic Việt Nam này cũng rất tích cực tham gia các hoạt động - chương trình thiện nguyện của riêng họ. Đó là hành động tất đáng khen.

Bóng đá Việt Nam có thể chưa "tròn chữ chuyên", song đời sống bóng đá đã được nâng lên mức khá cao nếu nhìn vào mặt bằng xã hội. Rõ ràng, trong lúc khó khăn này, chính những người sống trong môi trường bóng đá cũng cần phải thể hiện được trách nhiệm xã hội.

Hãy hành động, vì một tương lai tốt đẹp hơn bởi bóng đá chính là ngôn ngữ toàn cầu. Và hãy biến chính những khó khăn hiện tại trở thành động lực để bóng đá Việt chinh phục những đỉnh cao mới, như cách mà người Nhật đã làm!

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm