U19 Việt Nam có những áp lực vô hình

10/09/2014 11:53 GMT+7 | Các ĐTQG

 (Thethaovanhoa.vn) - Những phút cuối trận, thời điểm mà U19 Việt Nam vừa có bàn thắng rút ngắn tỷ số xuống còn 2-3, trung vệ Lục Xuân Hưng phải nhận thẻ vàng sau pha phạm lỗi không bóng với đối thủ. Ngay sau tình huống này, Xuân Trường cũng bị nhắc nhở với pha vào bóng gầm giầy ở khu vực giữa sân. Trước đó nữa, tiền vệ vào sân thay người Minh Vương “tắc” bóng từ phía sau...

Chúng tôi phải nhắc lại các tình huống này, bởi các cầu thủ trẻ đã phạm lỗi một cách không cần thiết, còn trong những lúc cần phạm lỗi hay ít nhất ngăn cản đối thủ bằng sự quyết liệt, họ lại quá “ngoan hiền”. Trong suốt trận đấu và cụ thể là 3 pha bóng dẫn đến bàn thua, học trò ông Guillaume Graechen tuân thủ một cách quá cứng nhắc tiêu chí về thứ bóng đá đẹp được người lớn cấy vào đầu.

Các pha tổ chức bóng dẫn đến bàn thắng, từ nỗ lực cá nhân đến phối hợp đồng đội, bên phía U19 Nhật Bản đều bắt đầu từ khá xa khung gỗ. Song, chính vì sự thiếu quyết đoán, các học trò của ông Graechen đã không ngăn cản họ. Đó thực sự là một sai lầm trong vận hành chiến thuật, khi bóng đá đôi khi đơn giản là thành tích. Người Nhật xác định, một trận đấu với họ là một cuộc chiến, còn chúng ta dường như không!

Tất nhiên là không ai cổ vũ thứ bóng đá bạo lực cả, “những đứa trẻ của bầu Đức” lại càng không. Nhưng rõ ràng, khác biệt lớn nhất trận đấu này không phải là việc U19 Nhật Bản tận dụng tốt hơn U19 Việt Nam các cơ hội ăn bàn được tạo ra, cũng không hẳn các sai lầm lặp lại như lời HLV Guillaume Graechen khẳng định sau trận đấu, mà đơn giản, chúng ta đã “im lặng” khi đáng ra cần phải “hành động”.

Một lần nữa HLV Guillaume Graechen không thừa nhận sai lầm về phía mình, ví như khả năng đọc trận đấu, thay người và điều chỉnh chiến thuật khi tạo được lợi dẫn, cũng như khi bị đối phương dẫn ngược cách biệt tối thiểu.

Người trẻ vốn giàu khát vọng cống hiến và khát khao thể hiện. Song cảm giác như, lứa U19 Việt Nam lần này không được khơi gợi sự sáng tạo, ngược lại, họ đang chịu một áp lực hữu hình.

Về cơ bản, chúng ta đã có một trận đấu tốt và có thêm nhiều bài học bổ ích. Nhưng sẽ tốt hơn (ít nhất về kết quả), nếu thầy trò HLV Graechen khôn ngoan hơn trong điều tiết trận đấu. Thái độ tiếp nhận thất bại hay thành công là rất quan trọng để chúng ta bước tiếp!

HLV trưởng U19 Nhật Bản Suzuki Masakazu: “Mỗi trận đấu là một trận chiến”

“Đội hình chúng tôi đem đến giải bóng đá U19 Đông Nam Á mở rộng lần này được làm mới gần như hoàn toàn, so với U19 Nhật Bản ở giải quốc tế TP.HCM hồi đầu năm. Mặc dù vậy, chúng tôi luôn xác định rõ tiêu chí cho các trận đấu, giải đấu. U19 Nhật Bản sẽ giải quyết từng trận đấu một và dù đối thủ là ai thì đó cũng sẽ là 1 trận chiến.

Các bạn có 1 đội tuyển tốt và tiến bộ từng ngày. Trận đấu chiều nay, U19 Việt Nam đã gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi, nhưng khác biệt lớn nhất nằm ở khâu dứt điểm. Chiến thắng, nhưng tôi chưa hài lòng lắm với màn trình diễn của U19 Nhật Bản. Đáng lẽ ra, chúng tôi còn có thể làm được tốt hơn thế”.

HLV trưởng U19 Việt Nam Guillaume Graechen: “U19 Việt Nam không gặp may”

“Văn Toàn đã lấy lại sự tự tin cần thiết, sau khoảng thời gian đủ dài ít được vào sân. Điều này thực sự quan trọng, bởi Toàn mới chỉ 18 tuổi, thiếu cân nặng, nhưng vẫn còn đủ thời gian để phấn đấu.

Chúng tôi đã không đảm bảo được lợi dẫn, bởi một số các sai lầm cá nhân lặp lại. Điều khác biệt lớn nhất so với lần thua 0-7, thì lần này chúng tôi thua 2-3 và điều đó cho thấy sự tiến bộ nhất định.

Đối diện với chúng ta là một đội tuyển rất mạnh, nhưng chúng ta lại phung phí các cơ hội, trong khi U19 Nhật Bản đã tận dụng đủ 3 cơ hội trong hiệp 2 để có 3 bàn thắng. Sau khi tôi chuyển qua sơ đồ 4-4-2 để chơi với 2 tiền đạo, thì Nhật Bản cũng có điều chỉnh.

Trong trận đấu, sai lầm cá nhân là có thể nhìn thấy ở trên sân. Nhưng ý tôi muốn nói là, đôi khi sự mạo hiểm có thể thành công, nhưng cũng có thể thất bại. Và hôm nay, may mắn đã không mỉm cười với U19 Việt Nam”.

Tùy  Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm