Từ U19 đến… O19

12/09/2014 19:57 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Không có cầu thủ nào dưới (Under) 19 tuổi hiện đang đứng trong hàng ngũ đội tuyển quốc gia (ĐTQG) chạy đà cho chiến dịch AFF Suzuki Cup 2014 – giải đấu quan trọng nhất trong năm của nền bóng đá, nên chúng ta tạm thống nhất với nhau rằng, ĐTQG là O19 (tức trên đội tuyển trên 19 tuổi - Over). Có quá nhiều khác biệt giữa 2 thế hệ cầu thủ, mà người trong cuộc hẳn phải cảm nhận chính xác nhất điều này.

“Tôi nghĩ rằng, U19 Việt Nam là lứa cầu thủ hay nhất mà chúng ta từng có. Từ kỹ năng chơi bóng, đến cơ chế vận hành, từ thời U20 của chúng tôi, thậm chí ĐTQG lúc này, khó thể làm được như họ”, tiền vệ tuyển quốc gia và câu lạc bộ (CLB) Hà Nội.T&T, Phạm Thành Lương, chia sẻ với Thể thao & Văn hoá Cuối tuần.

Hãy sống trọn cho hôm nay…

Trong rất nhiều những bài giảng, thuyết trình gia, học giả Dale Carnegie - người nổi tiếng với cuốn sách Đắc Nhân Tâm đã “an ủi” rằng, đừng quá tiếc nuối về quá khứ vì nó qua rồi, cũng tạm không cần quá lo lắng đến tương lai vì tương lai chưa tới, mà hãy sống trọn cho ngày hôm nay. Với bóng đá Việt Nam, hôm nay là ĐTQG cùng cuộc chạy đua tới AFF Suzuki Cup 2014, nhưng hôm nay cũng có thể là một U19 quốc gia đang tạo cơn sốt chưa từng có trong lịch sử bóng đá xứ sở. Nhưng…

VFFcũng như những nhà tổ chức đã rất nỗ lực đưa ĐTQG gần hơn với người hâm mộ “vùng xa” bằng việc tổ chức (có bán vé) trận giao hữu với Hong Kong (Trung Quốc) tại Lạch Tray, Hải Phòng mới đây. Tuy nhiên, sự hờ hững đáng ngạc nhiên của người hâm mộ thành phố từng được xem là “kinh đô bóng đá”, khiến không ít người hụt hẫng, khi chỉ có khoảng một đôi ngàn người đến sân xem trận đấu này.

Trong khi đó, bầu không khí lễ hội đã và vẫn tiếp tục diễn ra tại Mỹ Đình, sân bóng có sức chứa hơn 40 ngàn chỗ ngồi, trong các trận đấu của đội tuyển U19 Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á mở rộng, vốn chỉ là bản "đề mô" cho VCK U19 châu Á (diễn ra tại Myanmar vào tháng 10 tới). Khoan nói về chuyện lối chơi hay chất lượng các đội tuyển, bởi ở góc độ nào đó, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng sự quan tâm, cổ vũ nơi người hâm mộ là khác biệt quá lớn, buộc người ta phải… nghĩ.

HLV trưởng Toshiya Miura có lẽ đã có chút "chột dạ", sau câu chất vấn “lạc tông” nhưng lại khá nóng, của một biên tập viên truyền hình, rằng ông nghĩ gì khi đội tuyển U19 Việt Nam nhận được quá nhiều sự quan tâm của người hâm mộ còn ĐTQG thì quá đìu hiu. Thuyền trưởng người Nhật Bản đã thừa nhận: “Tôi đã chứng kiến điều đó hôm ở Mỹ Đình và tôi nghĩ, chúng tôi cần phải làm việc cật lực hơn nữa để kéo lại niềm tin. Hy vọng trong thời gian tới, ĐTQG sẽ nhận được sự cổ vũ nhiều hơn”.

Suy cho cùng thì, bản chất của bóng đá cũng chỉ là một trò chơi và người xem có quyền lựa chọn "món ăn" mà họ thích. ĐTQG, kể từ sau lần nâng cao chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 ở Mỹ Đình, đã có thêm rất nhiều cuộc bể dâu. Đội tuyển thất bại và gây thất vọng nhiều hơn, thay vì đáng ra phải mang tới niềm vui. Đội tuyển U19 hẳn là sự bù đắp, khi đem đến cho người hâm mộ thứ mà thiếu (hoặc đã mất) suốt một thời gian dài.

Bất luận thế nào, ĐTQG vẫn phải tồn tại, bởi đây chính là đầu ra, là đỉnh cao – mũi nhọn của nền bóng đá. Thế giới túc cầu cũng chỉ quan tâm đến các ĐTQG, sau chất lượng của giải vô địch quốc gia, chứ không phải một đội tuyển trẻ như U19. Và ai biết được, ĐTQG sẽ lại làm nên chuyện ở kỳ AFF Suzuki Cup sắp tới?!

Nhưng tương lai có quyền kỳ vọng

Đội tuyển U19 Việt Nam đã nhận vô số lời khen, từ các chuyên gia bóng đá hàng đầu, đến giới truyền thông, người hâm mộ, các đối thủ và cả sự thừa nhận của các đồng nghiệp đàn anh trên tuyển quốc gia, như phát biểu của Phạm Thành Lương. Đơn giản, bởi họ đá hay, đá đẹp và tương đối hiệu quả. Dĩ nhiên, cũng có những cảnh báo, song về cơ bản, những lời khen chê đều bao hàm rất nhiều sự kỳ vọng.

Quả thật, chúng ta có quyền kỳ vọng vào chất lượng của một đội tuyển trẻ, với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Những pha đan lát, đập nhả như thêu hoa dệt gấm, những cú tiếp bóng động tác một mở hướng phát triển, những pha solo ghi bàn (như của Công Phượng trong trận thắng Australia ở giải Đông Nam Á mới đây)…, khiến tất cả ngất ngây. Chúng ta buộc đối thủ khuất phục trong các cuộc chơi vị thành tích. Đó là điều quan trọng!

“Nhìn Tuấn Anh hay Công Phược chơi bóng, tôi nghĩ họ ở một đẳng cấp rất khác, so với chất lượng cầu thủ Việt Nam”, vẫn lời tán thưởng của cầu thủ từng 2 lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam, Phạm Thành Lương. Theo tiền vệ thuộc biên chế Hà Nội.T&T và ĐTQG, trái bóng luôn luôn “động” trong cách chơi của đội tuyển U19 Việt Nam, điều đó gây sự thích thú nơi người xem. “Ngay cả ĐTQG lúc này, cũng không thể duy trì điều đó một cách liên tục”, Lương khẳng định.

Ở vị trí tiền vệ tổ chức, Tuấn Anh có những pha chạm bóng rất tinh tế và bất cứ lúc nào, anh cũng có thể dễ dàng qua 1 - 2 cầu thủ đối phương dễ như “lấy đồ trong túi”. Tuấn Anh cùng Xuân Trường kết hợp với nhau, tạo thành lá phổi ở hàng tiền vệ, khiến người ta quên đi vai trò đánh chặn, vị trí vốn cực kỳ quan trọng trong hầu hết các cơ chế vận hành bóng đá, một cách… tự nhiên. U19 Việt Nam gần như không cần đánh chặn, bởi họ luôn sở hữu bóng và biết đoạt lại bóng một cách nhanh nhất.

Cánh cửa U19 đã mở ra thay vì đóng khung với chủ yếu là lứa đầu tiên của Học viện HA.GL Arsenal JMG, sau các giải đấu mang tính bản lề như VCK U19 Đông Nam Á 2013 hay vòng loại U19 châu Á 2014, tạo cơ hội cho tất cả. Đội bóng trở nên đa dạng hơn, không chỉ về mặt con người, và cũng giàu tính sát thương hơn. HLV Guillaume Graechen có thêm những sự lựa chọn để phục vụ triết lý bóng đá sở trường: Kiểm soát bóng và kiểm soát luôn cả trận đấu. Điều này khiến đối thủ phải tôn trọng.

Dù phải tôn trọng, phải thừa nhận, nhưng vẫn có hơi hướng xã giao, trong một số các phát biểu của HLV Australia, Thái Lan hay Nhật Bản và chúng ta phải cẩn thận với những lời khen như thế. Tất cả đều biết  VCK U19 châu Á hay xa hơn là VCK U20 thế giới, hoặc nữa, ĐTQG được nâng cấp với nòng cốt là lứa U19 này nếu duy trì được đáng kể đội hình, mới là điều đáng để quan tâm.

U19 Việt Nam không phải lúa trời, mà để có ngày hôm nay và cả tương lai, phải mất bao công chăm bón, với bầu Đức được xem là người có công đầu.

Khi thành quả đến, hãy cứ thong thả đón nhận và tận hưởng, nhưng đừng quên rằng, tương lai nền bóng đá, chắc chắn không tính bằng chỉ một lứa cầu thủ. Nếu lại có thêm một cuộc cách mạng nữa của bóng đá Việt Nam, thì U19 giống như quân tiên phong mà thôi.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm