Tiến Linh: Trái bóng nhựa đầu đời và cuộc trùng phùng mẹ

30/06/2022 07:52 GMT+7 | Bóng đá Việt

Năm 9 tuổi, Tiến Linh mới gặp mẹ lần đầu tiên sau 7 năm xa cách. Trong khi cơ duyên đến với bóng đá là một buổi gặp tình cờ mấy bạn cùng trường đang quần thảo quả bóng nhựa ở sân bóng rổ. Sự nhập cuộc tuyệt vời lần đầu ấy đã giúp ngọn lửa bóng đá trong tâm hồn Linh được nhen lên.

Tiền đạo Tiến Linh: Tuổi thơ thèm tiếng gọi 'bố mẹ ơi!'

Tiền đạo Tiến Linh: Tuổi thơ thèm tiếng gọi 'bố mẹ ơi!'

Thể thao & Văn hóa khởi đăng tuyến bài dài kỳ của nhà văn Lý Thu Thủy (Thủy Anna) về tiền đạo Tiến Linh, từ thời thơ ấu đến khi trở thành một tiền đạo cắm, một ngôi sao ghi bàn của ĐTQG mà ông Park Hang Seo tin tưởng...

 

Vào Bình Dương sống với bố trong cảnh gà trống nuôi con ấy, Tiến Linh rời khỏi vòng tay chăm bẵm yêu chiều của ông bà nội, cùng những cuộc ngao du bất tận chốn đồng quê. Cậu bé Tiến Linh bắt đầu làm quen với cuộc sống tự lập từ ở trường học đến khi trở về nhà. Mỗi buổi sáng, bố đưa đi học lúc 6h40 rồi quay về công việc bán cà phê. Buổi chiều, bố nhờ người thân đón về cùng người cậu bằng tuổi ở gần nhà.

Bố Quyền - Gà trống nuôi con

Bố Nguyễn Tiến Quyền của Linh còn khá trẻ, sinh năm 1976. Những năm tháng xa vợ đằng đẵng ấy, bố Linh làm nghề bán cà phê thuê cho người ông họ hàng bên nhà ngoại.

Mỗi buổi chiều trở về nhà, Linh cũng dần làm quen với việc trông quán cà phê hoặc phụ bố những việc lặt vặt ngoài việc học. Trong căn nhà lợp mái tôn mà người thân cho ở nhờ ấy, chẳng có gì đáng giá. Cuộc mưu sinh của bố đẻ Linh hoàn toàn dựa vào đồng lương đi bán cà phê để nuôi con ăn học.

Một đêm, hai cha con đang ngủ, có chiếc đèn cầy là thứ ánh sáng leo lét đặt ở chỗ để giày dép, không may bị đổ và bốc cháy. Dù không thiệt hại đáng kể nhưng nửa đêm hai cha con bị một phen hết hồn.

Ban đầu, dù sống bên cạnh bố đẻ nhưng Linh cũng không tránh khỏi cảm giác chênh vênh. Vì thực ra sau khi mẹ đi Hàn Quốc lao động thì bố cũng vô Bình Dương bán cà phê, từ khi Linh còn chưa biết gọi bố ơi, mẹ ơi!. Thế nên, bố Quyền cũng còn khá xa lạ. Nhiều đêm, cậu bé đáng thương nhìn lên trần nhà nước mắt hoen mi vì nhớ ông bà nội, nhớ miền ký ức êm đềm nơi thôn trang vô cùng đẹp đẽ đã xa tận cuối chân trời.

Trở lại kỳ duyên bóng đá. Một buổi chiều, Tiến Linh thơ thẩn ngồi chơi ở sân bóng rổ gần trường, vô tình gặp một đội bóng lớp khác đang đá bóng nhựa và được cho vào sân. Từ giây phút đó, Linh đổ nghiện trái bóng. Thay vì đi học lúc 6h40, Linh xin bố đưa đi học lúc 6h sáng để được đá bóng nhiều hơn. Và ngay khi tiếng trống giờ ra chơi vang lên, cậu học sinh lớp 3 lại ào ngay ra sân bóng rổ để chơi bóng. Lớp học của Tiến Linh, chỉ có mỗi Tiến Linh đá bóng nhưng do Linh học khá đều các môn nên việc cậu học sinh ham mê thể thao chưa bao giờ bị thầy cô khiển trách.

Tiến Linh, Nguyễn Tiến Linh, Bình Dương, Becamex Bình Dương, ĐT Việt Nam, đội tuyển Việt Nam, Park Hang Seo, AFF Cup, V-League, SEA Games, ĐTVN, Tiến Linh và gia đình
Tiến Linh và em trai bên bố mẹ. Ảnh: NVCC

 

Ngày mẹ trở về, tập mãi hai tiếng “mẹ ơi!”

Cuộc sống gà trống nuôi con của bố con Tiến Linh cứ êm đềm trôi đi, với những kỳ nghỉ hè rong ruổi trên chiếc xe container kinh dị trở về Hải Dương thăm ông bà nội như một món quà kỳ diệu nhất cho cậu con trai sau một năm học hành. Cuộc sống tưởng chừng cứ như dòng nước chảy, ngày nào cũng giống nhau. Cho đến một hôm, Tiến Linh được bố thông báo: “Ở nhà trông quán cà phê cho bố, để bố ra sân bay đón mẹ”.

Tiến Linh bừng lên một cảm giác rất lạ, không thể diễn tả nổi: “Lúc mẹ trở về từ Hàn Quốc, căn nhà vẫn lợp mái tôn nóng bức, tài sản trong nhà vẫn không có gì đáng giá ngoài sự nóng bức hầm hập. Đang ngồi trong nhà, Linh thấy bố lặng lẽ vào nhà trước mà không nói gì. Một lúc sau thấy một người phụ nữ đi vào nhà, Linh ngơ ngác nhìn không hiểu ai lại đi vào nhà của mình như vậy? Linh hỏi: Ơ! Cô là ai thế?”.

Ngay khi biết đó là mẹ đẻ của mình, Tiến Linh cũng không có cảm xúc bất ngờ, hay xúc động gì. Nhưng những ngày sau đó, làm quen với việc có mẹ thật gian nan vì phải tập gọi mẹ, tập quen nhà có mẹ rồi. Có bận, Linh chui vào nhà tắm, vặn vòi nước thật to, tập nói qua lỗ hổng nhỏ xíu: Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi! … Nói từ nhỏ, đến nói to những câu gọi về tình mẫu tử thiêng liêng, lần đầu tiên trở về trong trái tim cậu bé cả một thời thơ ấu xa mẹ, đến một bức hình về mẹ cũng nhỏ xíu, thật chẳng có nhiều hình dung …

Kỳ III: Một năm mới quen hơi mẹ và đường đến U13 Bình Dương

Lý Thu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm