Tạo vùng an toàn cho bóng đá

14/07/2021 07:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Với hơn 2.000 ca mắc trong ngày hôm qua, dịch Covid-19 tại nước ta tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi những hành động phòng chống cần quyết tâm hơn.

HLV Park Hang Seo thở phào với chấn thương của Ngọc Hải

HLV Park Hang Seo thở phào với chấn thương của Ngọc Hải

HLV Park Hang Seo nhận tin vui khi chấn thương trung vệ của đội tuyển Việt Nam và CLB Viettel Quế Ngọc Hải không quá nghiêm trọng.

Hà Nội đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, trước đó một tuần, TP.HCM khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, theo Chỉ thị 16. Cuộc chiến với dịch họa xem ra sẽ còn kéo dài, với những diễn biến phức tạp từ trong nước tới khu vực Đông Nam Á.

SEA Games 2021 đã chính thức bị hoãn lại và ngay cả AFF Suzuki Cup 2020 cũng dời đến tháng 4/2022, theo thông báo mới nhất. Bóng đá Việt Nam các cấp độ ĐTQG sẽ còn ít nhất 2 sân chơi quan trọng, đó là Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 và Vòng loại U23 châu Á 2022, khi chúng ta cũng đã xác định được các đối thủ.

Về lý thuyết, Vòng loại cuối cùng FIFA World Cup 2022 sẽ giữ nguyên thể thức thi đấu sân nhà, sân đối phương, bắt đầu từ tháng 9/2021 đến 4/2022. Nhưng với tình hình này, nhiều khả năng AFC sẽ chọn phương án thi đấu tập trung ở cả 2 bảng. Nhật Bản và UAE đã tổ chức rất tốt các trận đấu của một số bảng đấu ở Vòng loại thứ 2, nên có thể được chọn.

Đội tuyển Việt Nam đương nhiên sẵn sàng với mọi phương án, dù mỗi lần cất quân đi nước ngoài, là một thiệt thòi rất lớn với thầy trò HLV Park Hang Seo và với cả người hâm mộ, cũng như Liên đoàn. Nhưng, liệu có lựa chọn nào khác an toàn hơn?

Nhiều ngày qua, hệ thống các giải bóng đá quốc nội nói chung và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng, đã đóng băng. Dự định vào tháng 8, bóng sẽ lăn trở lại, với ít nhất tại các giải bóng đá chuyên nghiệp theo phương thức tổ chức thi đấu tập trung ở một số cụm sân, cùng việc thực hiện "bong bóng an toàn", hay "vùng an toàn" cho giải đấu diễn ra.

Chỉ là giải pháp tình thế, nhưng ngay cả giải pháp này, cũng khó thực hiện. Đặt giả thuyết, giải sẽ hoãn và dời đến ít nhất sang năm, cho các trận đấu còn lại, thì ai phải chịu thiệt nhiều nhất?!

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, bong da, tin bong da, V-League, dtvn, vòng loại World Cup, lịch thi đấu vòng loại thứ ba World Cup, Olympic Tokyo, Olympic 2020
Chúng ta mong chờ ngày cộng đồng an toàn để bóng đá trở lại. Ảnh: Trần Tuấn

Các CLB sẽ phải chịu thiệt lớn nhất, khi con số ước tính phải bỏ ra để nuôi 14 đội bóng/mùa giải V-League không dưới 1.000 tỷ đồng. Tức là trung bình, một CLB sẽ phải chi từ 70-80 tỷ đồng nuôi quân, quỹ chuyển nhượng và các khoản chi khác. Hạng Nhất thấp hơn, cũng phải 1/3, với 13 CLB. Các con số này so với chi phí tổ chức mà VPF dự chi, lớn hơn gấp bội. Nên, nếu giải hoãn, VFF và VPF gần như không thiệt gì mấy, ngoài chuyện trả lương cho nhân viên.

Vấn đề còn lại với BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là thương lượng lại hợp đồng với các nhà tài trợ, trong đó có Tập đoàn thiết bị điện LS của Hàn Quốc.

Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, thị phần tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung của LS thực sự rất lớn. Vài chục, hay vài trăm tỷ đồng bỏ ra để tài trợ các giải bóng đá, chỉ như chăm sóc an sinh xã hội. Nó thật không đáng là bao so với doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn. Nhưng, cái nào ra cái nấy.

Trong phần lớn các hợp đồng tài trợ, liên quan đến kim tiền, luôn có mục phòng hờ xác xuất rủi ro. Ví như thiên tai hay dịch họa, mà khó thể thực hiện đủ các điều khoản từ bên B. Đây chính là mấu chốt vấn đề để VPF đàm phán vào lúc này.

Bóng đá phát tích như một trò chơi, một môn thể thao tiêu khiển, rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất. Ngay cả khi bóng đá trở thành một môn thể thao vị thành tích, thì việc hoãn, hủy hay thôi tổ chức ở một số giải đấu, các quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng không phải là chuyện hiếm. Nó liên quan đến các vấn đề nội tại của quốc gia hay khu vực ấy, như chiến tranh, thiên tai và dịch họa.

Bóng đá chuyên nghiệp lúc này đã trở thành ngành công nghiệp không khói khổng lồ, hái ra tiền. Không chỉ nói riêng ở châu Âu, mà còn toàn thế giới, với hệ thống giải đấu quốc gia, châu lục, liên châu lục và cao nhất là VCK FIFA World Cup. Miếng bánh béo bở từ bản quyền truyền hình hối thúc các tổ chức đứng đầu, đẻ ra rất nhiều các hệ thống giải đấu.

Nhưng ở Việt Nam, bóng đá chuyên nghiệp vẫn vừa chạy vừa xếp hàng, với rất nhiều tồn tại và bóng đá vẫn bị xem là ăn bám, tằm ăn rỗi, chưa thể nuôi sống chính cơ thể mình. Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam chỉ làm lợi cho một nhóm người, nên nếu không thể tổ chức trong một khoảng thời gian - giai đoạn, cũng chẳng sao.

Bóng đá là đám đông, thế nên nó phải an toàn cho cộng đồng và phải thoải mái, vui vẻ mới chơi được. Nếu không thể tạo vùng an toàn, đặng bóng đá nội có thể lăn trở lại, tính thiệt hơn lúc này thật là việc không nên.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm