Quang Thanh phơi bày góc khuất cầu thủ Việt

22/04/2020 08:26 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi đi chơi, sắm đồ, tối đi bar này nọ. Mọi thứ gần như không có sự suy nghĩ nhiều về chuyện tiêu tiền. Nếu tính ra thì tôi từng tiêu xài phải tầm cỡ 200 triệu một ngày”, cựu hậu vệ ĐTQG Huỳnh Quang Thanh vừa tiết lộ với giới truyền thông nhằm nhắn nhủ thế hệ đàn em về thói quen tiêu xài, mà cũng phần nào phơi bày một góc rất xa hoa của giới cầu thủ Việt.

Bóng đá Việt Nam trở lại ngày 15/5 là hợp lý

Bóng đá Việt Nam trở lại ngày 15/5 là hợp lý

VPF đã đưa ra cột mốc 15/5 để đời sống bóng đá nước nhà có thể hoạt động trở lại, đầu tiên là những trận đấu ở Cúp quốc gia Bamboo Airways 2020, tiếp sau sẽ đến lượt LS V-League 2020.

Không chỉ có Quang Thanh, một cựu trợ lý HLV ĐTQG trò chuyện cùng phóng viên đã cho biết những tiết lộ của cựu hậu vệ ĐTLA và B.Bình Dương như thế là bình thường. Trong giai đoạn bùng phát làn sóng chuyển nhượng cầu thủ những năm 2002-2012, Quang Thanh với lý lịch tuyển thủ quốc gia nhận hơn 20 tỷ thì nhiều đồng nghiệp khác, chơi ở vị trí tấn công thậm chí còn có giá trị gấp đôi, gấp ba.

Những đồng đội của Quang Thanh khi đó như Đoàn Việt Cường khi chuyển từ Đồng Tháp tới HAGL hay N.Sài Gòn, XMXT Sài Gòn cũng không thấp hơn giá trị của cựu hậu vệ B.Bình Dương. Hay Như Thành, cầu thủ nổi tiếng với nhiều vụ “áp phe” từ B.Bình Dương tới V.Ninh Bình…, cũng thậm chí có giá trị cao hơn hai người đồng nghiệp.

Một hậu vệ đắt giá khác là Lê Phước Tứ dù kín tiếng nhưng khi HLV Trần Tiến Đại bật mí về khoản tiền “tươi” hơn chục tỷ đồng để thuyết phục cầu thủ Quảng Nam về Sài Gòn thi đấu sau AFF Cup 2008 cũng khiến dư luận dậy sóng.

Đó là đối với các hậu vệ, còn những tiền vệ như đội trưởng ĐTQG Tài Em, các tiền đạo Quang Hải, Công Vinh… giá trị chuyển nhượng của họ thậm chí còn ăn đứt các đồng nghiệp chơi tuyến dưới.

Thế nên chuyện cựu hậu vệ ĐTQG Huỳnh Quang Thanh vừa qua tiết lộ công khai khoản tiêu tiền của mình một ngày có khi hết 200 triệu đồng cũng là bình thường thời điểm đó.

Cựu trợ lý HLV ĐTQG cho biết trong chuyến tập huấn ở Qatar năm 2013, nhiều cầu thủ đội tuyển Việt Nam đã dốc hầu bao cả trăm triệu đồng để “săn” hàng hiệu tại các cửa hàng của quốc gia nổi tiếng đắt đỏ này.

Chú thích ảnh
Khi còn ở đỉnh cao phong độ, Quang Thanh là hậu vệ phải số một của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VSI

“Nhiều cầu thủ xách ra cả túi đồ. Mỗi cái áo tôi thấy cũng bình thường mà có giá cả chục triệu đồng, rồi giày dép, ba lô… Nhìn cầu thủ mình hồi đó sành điệu lắm, cũng không khó hiểu khi họ kiếm được cả chục tỷ đồng tiền chuyển nhượng lúc đó”, cựu trợ lý HLV ĐTQG này nói.

Một chi tiết khác mà HLV hiện tại vẫn đang làm việc ở V-League tiết lộ về thói quen tiêu xài không tiếc tiền của các cầu thủ là các đôi giày. “Mỗi đôi giày xịn, hàng hiệu của Nike, adidas mới ra, các cầu thủ nổi tiếng thế giới mang trên chân có giá ít cũng 5-7 triệu đồng.

Là cầu thủ, hiếm người không mê giày và sẵn có tiền, họ cũng liên tục mua mới, cập nhật cho giống các ngôi sao thế giới. Chi phí cho tiền giày của họ vài tháng cũng đã thấy hết cả trăm triệu đồng rồi.

Hiện tại, bạn để ý đi, cũng có nhiều cầu thủ khá giả đấy. Hãy chú ý xem đôi giày hàng tuần họ mang ra sân thi đấu, chịu khó lên mạng tìm một chút về giá trị đôi giày họ mang và tình trạng mới, cũ ra sao là biết ngay”, HLV này nói.

Trở lại với Huỳnh Quang Thanh và nhiều cầu thủ cùng thời, số tiền họ có được rất dễ dàng nên tiêu pha hoang phí vì không có người định hướng. Những quán bar ở TP.HCM là khách quen của họ và nhiều cầu thủ chọn Sài thành hoa lệ để đầu quân một phần cũng bởi những thú tiêu khiển đầy sức hút ở đây. Sự hào nhoáng còn thể hiện ở bề ngoài với những chiếc xế hộp hạng sang như Audi mà nhiều cầu thủ khi đó thích sở hữu.

Tuy nhiên, như Quang Thanh chiêm nghiệm và nhắn nhủ các đàn em, bóng đá hiện tại dù vẫn ở mức thu nhập cao của xã hội nhưng đã không còn là mỏ vàng như thời kỳ trước.

Không nhiều ngôi sao hạng A như Quang Hải, Công Phượng… được các thương hiệu “chọn mặt gửi vàng”. Có hàng loạt đồng nghiệp của Quang Thanh hiện tại đã “mất tích” hoặc người khá hơn thì về quê sống cảnh đời như bao người nông dân khác.

Điều may mắn nhất với thế hệ này chính là danh tiếng của họ vẫn được duy trì và nhiều người dù có thể hoang phí trong quá khứ nhưng còn cơ hội đứng dậy với nghiệp “gõ đầu trẻ”. Họ tự mở những Trung tâm bóng đá cộng đồng hoặc làm thuê cho các đồng nghiệp.

Từ lời tâm sự của Huỳnh Quang Thanh, có lẽ thế hệ đàn em cũng hiểu thêm bài học đắt giá mà cuộc sống mang lại. Cuộc chơi này có thể hào nhoáng hôm nay nhưng nếu không biết tiết chế thì sẽ là màu xám xịt cho tương lai.

Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm