Nhà báo Nguyễn Công Khế: 'Tôi luôn có tình yêu đặc biệt với bóng đá trẻ'

30/10/2019 07:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 29/10, BTC giải bóng đá U21 quốc tế 2019 đã tổ chức buổi họp báo để giới thiệu về giải đấu. Tại đây, hành trình của sân chơi đã thành thương hiệu cũng như những trăn trở của những nhà tổ chức cho nền móng bóng đá trẻ nước nhà đã được nhà báo Nguyễn Công Khế - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, Trưởng BTC giải chia sẻ.

VIDEO bóng đá: HLV Park Hang Seo, Quang Hải sẽ chiến thắng ở AFF Awards 2019

VIDEO bóng đá: HLV Park Hang Seo, Quang Hải sẽ chiến thắng ở AFF Awards 2019

Giúp Việt Nam đăng quang AFF Cup 2018 một cách thuyết phục, vào tứ kết Asian Cup 2019, có thành tích bất bại tại vòng loại World Cup 2022, HLV Park Hang Seo đang đứng trước cơ hội giành giải thưởng HLV của năm. Trong khi đó Quang Hải với màn trình diễn xuất sắc trên sân cỏ cũng hứa hẹn có giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm.

Môi trường để sản sinh và nuôi dưỡng bóng đá của Việt Nam đang tốt

“Cho đến lúc này, chúng tôi cảm nhận những cố gắng của mình đã có nhiều thành quả khi tổ chức sân chơi U21 đi qua được 23 mùa cho giải quốc gia và hôm nay lần thứ 13 của giải quốc tế. Nhiều thế hệ tuyển thủ quốc gia trưởng thành từ các giải U21 quốc gia, U21 quốc tế Báo Thanh Niên. Giải U21 quốc tế ngày càng chất lượng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và đã được công nhận thuộc hệ thống giải mời quốc tế của khu vực. Đây là cơ hội cho các tuyển thủ trẻ Việt Nam cọ xát, tích lũy kinh nghiệm trận mạc và khẳng định khả năng, được tuyển chọn lên các ĐTQG hằng năm.

Nhớ lại năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn lúc đó là anh Hồ Đức Việt có cuộc nói chuyện và giao cá nhân cũng như báo Thanh Niên phối hợp các bên liên quan tổ chức một sân chơi cho cầu thủ trẻ. Cũng từ đó mà giải U21 ra đời với lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1997. Đã hơn 20 năm qua, tôi cùng với cộng sự ở báo Thanh Niên và Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên cùng các địa phương, các Mạnh thường quân đã chung tay, đã luôn gắn bó, tâm huyết với việc này. Chúng tôi đã làm được 23 năm giải U21 quốc gia, 13 lần quốc tế. Bên cạnh đó là 2 năm giải U19 quốc gia cũng như quốc tế. Tôi đã có ý định xin luôn việc tổ chức các giải bóng đá trẻ từ U11 đến U21 trong hệ thống thi đấu quốc gia.

Bóng đá trẻ với tôi là đam mê đúng như những gì tôi mong muốn và luôn tâm niệm như thế. Tôi cũng có những ý tưởng là làm luôn bóng đá học đường. Bóng đá học đường là nơi mà chúng ta còn nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hết những giá trị đó. Điều này cần nghiêm túc và cần lộ trình hẳn hoi. Mình thử nghĩ về những phương án tổ chức, đầu tư như các điều kiện về cơ sở vật chất, về sân bãi, về phương pháp đào tạo, huấn luyện cũng như các giải đấu dành cho học sinh- sinh viên. Các lò đào tạo lớn, chuyên nghiệp sẽ lấy nguồn từ đây và bóng đá nhất định sẽ thay đổi.

Chú thích ảnh
Giải U21 quốc gia và U21 quốc tế là sân chơi tạo đà cất cánh cho nhiều tài năng của bóng đá Việt Nam. Ảnh: BTC

Lâu nay chúng ta không tính và chưa tính đến điều này hoặc có tính cũng chưa căn cơ và nghiêm túc nhất. Có thể đó sự kết hợp giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam - Bộ Giáo dục Đào tạo -Trung ương Đoàn để thực hiện. Vừa rồi gặp các anh Trung ương Đoàn tôi có nói việc này.

Nếu bóng đá học đường phát triển tốt, có tiềm năng và tài năng. Đó là lúc sẽ có hỗ trợ và mở rộng và kết nối để nguồn lực cầu thủ này về các lò đào tạo tuyến trẻ như kiểu HAGL , PVF, Hà Nội, Viettel hay Nghệ An chẳng hạn. Cũng có những ý tưởng và đề nghị với chúng tôi nên tổ chức giải đấu dành cho sinh viên các trường Đại học ngay trước thềm hoặc kết hợp vào giải U21 quốc gia.

Tôi gặp các em U23 vừa rồi và có hỏi chuyện rằng tại sao các em lại có được chuyển biến đột biến vậy. Các em nói, ông Park nói rằng các cầu thủ của ta đâu có thua kém về kỹ thuật so với Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ có thể lực hơi yếu một chút, nhưng chúng ta khắc phục được, và do sự phân tích như vậy khiến họ vững tin và làm nên kỳ tích. Tỗi cũng đã nghe nhiều lời khen của những người làm bóng đá quốc tế nói với tôi là không ở đâu tình yêu của người dân dành cho bóng đá lại lớn như ở Việt Nam.

Điều đó cho thấy môi trường để sản sinh và nuôi dưỡng bóng đá của ta đang tốt, cơ hội lớn như thế phải được tận dụng. Có thể Chính phủ cần hỗ trợ chính sách, tinh thần, và tạo ra định hướng cho bóng đá còn tấ cả chúng ta với những nguồn lực xã hội đang ở và thời điểm có thể được kết nối, tận dụng và lan tỏa thế này để xây dựng vững chắc bóng đá nước nhà, bắt đầu từ cái nền bóng đá trẻ.

Tôi rất cảm ơn các trung tâm đào tạo cả nước đã đào tạo những nhân tố trẻ, tạo nên một thế hệ kế thừa rất mạnh và chúng ta tin vào tương lai bóng đá Việt Nam. Mọi thứ không phải dễ dàng hay giản đơn. Ở đó ngoài tâm huyết còn cần những yếu tố quan trọng khác như nguồn kinh phí chẳng hạn. Do vậy những đóng góp cũng như nỗ lực từ các trung tâm đào tạo trẻ đã ra đời, định hình và phát triển trong thời gian qua là vô cùng trân quý.
Chẳng hạn như chúng tôi cũng gặp trong việc tìm kiếm, thu hút tài trợ nhưng chúng tôi vẫn sẽ đi đến cùng giải đấu U21 cả quốc và quốc tế này. Bên cạnh đó giải U19 trong nước và quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi vẫn muốn tổ chức thêm các giải khác như U15, U17 nếu như có sự đồng thuận cao đến từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam".

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Công Khế

U21 trở về Đà Nẵng với nhiều xúc cảm

“Ngày trước, thời điểm mới khởi nguồn đã 4 lần Đà Nẵng đăng cai giải U21 quốc gia. Đó là trong những năm đầu tiên chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn. Thời đó vào những năm 1999-2000-2002 và đặc biệt là 2006 đầy kỷ niệm. Năm 2006 Đà Nẵng đăng cai giải U21 quốc gia lần thứ 10, đúng vào lúc một cơn bão lớn có tên Xangsane với tâm bão vào ngay thành phố. Mọi thứ gần như tê liệt sau bão. Ban tổ chức giải đấu phải vừa lo cứu trợ đồng bào, vừa lo công tác tổ chức giải. Năm đó, anh em Đà Nẵng giúp chúng tôi thật lực để giải được diễn ra thành công.

Với tất cả những tình cảm đó cũng như nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và mong muốn của người hâm mộ Đà Nẵng, chúng tôi quyết định để giải đấu được trở về thành phố biển này. Thời tiết miền Trung đang khắc nghiệt vì trong mùa mưa bão nhưng tôi tin với tình yêu sẵn có của khán giả Đà Nẵng, giải đấu năm nay sẽ thành công và để lại dấu ấn sâu đậm”. Nhà báo Nguyễn Công Khế xúc động chia sẻ.

Giải U21 quốc tế lần thứ 13 năm nay sẽ diễn ra từ ngày 30/10 đến 05/11 tại Đà Nẵng. 4 đội tham dự gồm chủ nhà U21 tuyển chọn Việt Nam và 3 đội khách mời là U21 CLB FK Sarajevo (Bosnia & Herzegovina), Sinh viên Nhật Bản cùng Đại học Hanyang (Hàn Quốc).

Nổi bật nhất trong số này phải kể tới U21 FK Sarajevo. Năm 2018, đội U21 FK Sarajevo xếp hạng 4 trong tổng số 14 đội U21 của Bosnia & Herzegovina và đang cung cấp 4 cầu thủ cho đội U21 quốc gia thi đấu vòng loại giải U21 châu Âu năm 2021 và đã thắng trận đầu trước Moldova 4-0 (cùng bảng với Đức, Bỉ, Xứ Wales).

Đại học Hanyang(Hàn Quốc) được đích thân HLV Park Hang Seo giới thiệu cho giải U21 quốc tế năm nay. Đây là ngôi trường mà chính HLV đội tuyển Việt Nam theo học khi còn trẻ. Đội hình của đội bóng này rất đa dạng gồm 1 cầu thủ 18 tuổi (2001), 6 cầu thủ 19 tuổi (2000), 6 cầu thủ 20 tuổi (1999) và 7 cầu thủ 21 tuổi (1998).Nhân tố nổi bật nhất của đội bóng là cầu thủ Lee Kun Hee. Chân sút 21 tuổi, hiện đang học năm cuối đã từng được góp mặt đội tuyển U20 Hàn Quốc 2 năm trước.

Sinh viên Nhật Bản không phải cái tên xa lạ với giải U21 quốc tế. Với nhiều cầu thủ trẻ được tuyển chọn bài bản, đội bóng của Nhật Bản vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng. Tham dự giải đấu này chính là các cầu thủ vừa vô địch giải bóng đá Đại hội thể thao sinh viên thế giới (FISU), sau khi thắng Brazil 4-1 ở trận chung kết tại Napoli (Ý) hồi tháng 7 vừa qua.

Trong khi đó, với đội chủ nhà U21 tuyển chọn Việt Nam có thành phần chính từ hai đội U21 Hà Nội (vô địch) và U21 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (á quân) ở giải U21 quốc gia vừa kết thúc.

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm