Làm bóng đá dễ hay khó?

28/09/2018 07:08 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - "Nếu làm bóng đá dễ như trở bàn tay thì đâu đến lượt anh em mình", Trưởng phòng Tổ chức thi đấu Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), kiêm thành viên BTC giải bóng đá Ngoại hạng phủi Hà Nội (HPL) mùa thứ 6, ông Trần Huy Đức, từng bao lần nói vui với người viết. Vui nhưng mà thật, và chua chát!

Phải, các câu chuyện gầy dựng ban đầu và việc duy trì giải đấu là rất khó khăn, trong đó phải kể đến khâu huy động nguồn lực xã hội.

Dân phủi Hà Nội từ hơn nửa thập niên qua, người ta vẫn biết đến giải HPL như một giải phủi lớn nhất miền Bắc, thậm chí là lớn nhất Việt Nam, cả về số lượng đội tham dự lẫn chất lượng. Từ Nghệ An, với đại biểu ưu tú Văn Minh kéo ra, đến FC Moon (Thanh Hóa), FC Du Lịch (Lào Cai), rồi hàng loạt các thương hiệu lẫy lừng Hà Nội như: Top Group, Cường Quốc, Hanel - Oceon, Thành Đồng, Gia Việt (Quảng Ninh), Nguyễn Trãi, Từ Sơn…

Từ đôi ba năm qua, giải đấu được những nhà tổ chức (VietFootball) tách làm 2 hạng, giải hạng Nhất và chuyên nghiệp, tức là có lên xuống hạng, với mức độ cạnh tranh thậm chí còn khốc liệt hơn hệ thống các giải chuyên nghiệp Việt Nam. Đội bóng được mệnh danh là "Xứ Basque" giữa lòng Hà Nội là FC Triều Khúc do tính bản địa và tiêu chí đặc thù, đã xuống hạng cách đây 2 năm và không bao giờ trở lại được sới chuyên nữa, là có lý do.

Cũng như HPL ở Hà Nội, tại TP.HCM từ 4 năm qua, giải bóng đá Thiên Long Cup (do Công ty Thể thao Thiên Long tổ chức) được xem là sới phủi lớn và uy tín bậc nhất khu vực phía Nam, trên hệ thống sân 11 người. Giải đấu không chỉ quy tụ những "thánh bào" số má bậc nhất, mà còn là sàn diễn cho rất nhiều dân chuyên, từ những cựu trào như Ngọc Thanh, Phi Thường, Văn Tuấn, Tấn Trung, đến Nguyễn Quang Hải, Huỳnh Quang Thanh, Trần Khoa Điển…

Thiên Long League 2018 vừa kết thúc cách đây ít ngày, với chức vô địch lần đầu tiên thuộc về một đội bóng tập hợp toàn ngoại binh: African Team Việt Nam. Ngoài Obi Ogochukwu đang chơi ở giải VĐQG Campuchia, African Team từng được biết đến như trạm trung chuyển có uy tín, với Souleymane Diabate, Kabanga (các cựu chân sút Đồng Tâm Long An), Vicent Bossou (cựu trung vệ B.Bình Dương và N.Sài Gòn, đồng đội của Adebayor tại ĐTQG Togo)…

Hoành tráng thì là thế, nhưng thực tế thì khác xa. HPL từ mấy năm trước đã thu hút được hàng chục nhà tài trợ cỡ lớn, chống lỗ và thậm chí, bản quyền truyền hình cũng đã bán được giá, hoặc thông qua trao đổi theo công thức "win win". Thiên Long League 2018 cũng có đến 3 đơn vị truyền thông - truyền hình là MET TV, Nextin Media và Bóng đá phủi miền Nam thầu mảng livestream trên các nền tảng khác nhau. Tất cả đều không tự nhiên đến, không bất chiến mà thành!

Giải BĐ phong trào HPL-S6 lên sóng truyền hình

Giải BĐ phong trào HPL-S6 lên sóng truyền hình

Trong năm thứ 6 liên tiếp được tổ chức, giải bóng đá phong trào Ngoại hạng (HPL-S6) thiết lập một cột mốc lịch sử khi là giải đấu phong trào đầu tiên đạt được sự hợp tác về bản quyền truyền hình.

Nguồn kinh tài trong xã hội còn rất nhiều, bằng chứng là V-League hàng năm ngốn không biết bao nhiêu tiền. Nhưng tại sao sản phẩm bóng đá hàng đầu Việt Nam vẫn khó bán? Các đội bóng vẫn chậm lương, thưởng và quỹ chuyển nhượng của cầu thủ! Một số bỏ ngỏ khả năng bỏ giải, thậm chí giải tán đội! Một số khác vẫn làm bóng đá để đổi lấy dự án, thậm chí nợ cả thuế của địa phương!

Đấy là do cung cách điều hành và một cuộc chơi thiếu "fair-play", vụ lợi và không hoàn toàn vì sự phát triển chung của giải đấu, cũng như nền bóng đá. Bóng đá đã phát triển trở thành ngành công nghiệp không khói hái ra tiền ở nhiều quốc gia, nhưng chỉ khi nào người làm bóng đá phi vụ lợi, lúc ấy mới có thể kỳ vọng tính minh bạch và sạch. Bằng không, mãi mãi chỉ là phận tầm gởi. Ngẫm ra, sới phủi - nền tảng của bóng đá chuyên nghiệp, quả là thiệt thòi.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm