Kinh doanh bóng đá, tại sao không?

24/09/2015 11:23 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không hoành tráng như Muangthong United bên Thái Lan khi kêu gọi được trên dưới chục nhà tài trợ tầm cỡ quốc tế cỡ Yamaha, Thai AirAsia, Toshiba, Seiko, AIA, Canon, Novotel…, Hà Nội T&T và B.Bình Dương cũng đang đi tiên phong trong việc kinh-doanh-bóng-đá. Ai bảo, bóng đá đã vẫn chỉ như tằm ăn rỗi từ túi tiền tưởng như không đáy của các ông bầu – chủ doanh nghiệp?

Trao đổi với Thể thao & Văn hoá, ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T, chia sẻ rằng, trên 70% nguồn kinh phí chính để duy trì hoạt động của đội bóng (và các tuyến trẻ) đến từ các hợp đồng quảng cáo – tài trợ. Ví như Kappa tài trợ trang thiết bị tập luyện – thi đấu mùa thứ 6 liên tiếp (khoảng 2 tỷ đồng/mùa), rồi nhà tài trợ bạc Atechbo, Otran Việt Nam, Tôn Hoa Sen và đặc biệt là Tân Hoàng Minh.

“Mỗi chỗ một ít, gọi là tích tiểu thành đại. Nguồn thu này rơi vào khoảng 30 tỷ đồng/mùa giải, trong đó Tân Hoàng Minh có thể ví là nhà tài trợ kim cương cho Hà Nội T&T. Đấy là chúng tôi còn từ chối tham gia vào thị trường chuyển nhượng, mua (hoặc bán) cầu thủ. Đội bóng muốn giữ lại những cầu thủ tốt nhất để phục vụ chiến lược lâu dài, thay vì bán để tái tạo ở nhiều thời điểm họ được giá”, ông Hội cho biết.

Ở các nền bóng đá phát triển cũng như các đội bóng lớn, việc tham gia tích cực trên thị trường chuyển nhượng có thể sinh lợi và là nguồn thu rất đáng kể. Với một đội bóng có hệ thống đào tạo trẻ tốt như Hà Nội T&T, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào hạng mục kinh doanh này. Tuy nhiên, như Thể thao & Văn hoá đã thông tin, đại diện Thủ đô thường chỉ dùng tuyến trẻ để làm mới 5-10% đội hình đội 1/mùa giải.

Đạo tạo sản phẩm để bán đã từng là phương châm mà ông chủ Đoàn Nguyên Đức của HAGL nhắm tới, khi ông đạt được hợp đồng hợp tác mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG. Nhưng, như tất cả đều đã thấy, lứa đầu tiên xuất xưởng của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… từng gây tiếng vang ở các giải trẻ khu vực, có điều chưa đạt chuẩn đầu vào tại các thị trường Âu châu và Đông Bắc Á.

Ngoài Hà Nội T&T, thì B.Bình Dương cũng được đánh giá cao ở khoản làm kinh tế bóng đá một cách nghiêm túc. Như chia sẻ của Tổng giám đốc Cao Văn Chóng, đội bóng này luôn thu về 80% tổng kinh phí hoạt động/mùa giải, từ việc chào bán quảng cáo, tài trợ từ các đối tác lớn như Becamex IDC (đồng thời là nhà tài trợ chính), VSIP (Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore), rồi tiền bán vé khán đài A…

Để duy trì nguồn kinh phí ổn định, bộ phận kinh doanh thuộc Cty CP bóng đá phải làm việc rất cật lực, chứ không thể ngồi chờ sung rụng hay đợi các ông bầu rót tiền xuống. Tuy nhiên, không phải ai và đội bóng nào cũng làm được, dù họ sở hữu các điều kiện cần. Lấy ví dụ như SLNA chẳng hạn, đội bóng có lượng CĐV đông nhất lên đến cả triệu người trải đều 3 miền, nhưng lại không biết cách tận thu.

Bất luận thế nào, một sản phẩm bóng đá tốt cũng sẽ dễ chào bán hơn. 6 màu giải qua, Hà Nội T&T có 2 chức vô địch, thêm 4 lần á quân; trong khi B.Bình Dương cũng vừa tích luỹ thêm 2 chiếc Cúp V-League nữa để nâng tổng số lần đăng quang lên con số 4 – một kỷ lục, từng vào đến bán kết AFC Cup… Bóng đá không có khái niệm bất chiến mà thành, song chắc chắn, hữu xạ tự nhiên hương mà thôi!

Vì thế, sẽ là không hoàn toàn chuẩn xác nếu bảo rằng bóng đá chưa thể nuôi được bóng đá!

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm