Không VAR, ai 'soi' trọng tài?

16/08/2019 06:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Công nghệ hỗ trợ trọng tài video, hay còn gọi là VAR, đã được lên phương án từ đầu mùa giải năm nay và dự định sẽ áp dụng ở các vòng đấu cuối V-League 2019, vẫn là với một vài trận đấu “căng”. Nhưng cho đến lúc này gần như đã phá sản...

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay: Trực tiếp Bình  Dương vs HAGL, Đà Nẵng vs Hà Nội

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay: Trực tiếp Bình Dương vs HAGL, Đà Nẵng vs Hà Nội

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Trực tiếp vòng 21 V League. Trực tiếp bóng đá nữ Đông Nam Á. Trực tiếp vòng 1 bóng đá Tây Ban Nha. Trực tiếp vòng 2 bóng đá Pháp.

Không chỉ là một công nghệ đắt tiền, khó thực hiện và cần phải có sự đồng ý của FIFA. Ở Việt Nam không phải không có các nhà đài hay đơn vị sản xuất truyền hình có thể thực hiện VAR, với các góc máy được setup, cũng như công nghệ làm chậm, nhưng sự phối hợp giữa BTC giải đấu, đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình giải đấu và nhà đài, khá rời rạc. Nhiều trận đấu, dù nhà đài (mua bản quyền) vẫn được cung cấp sóng sạch, nhưng chất lượng cực thấp, bởi nó được sản xuất cẩu thả từ các đài địa phương.

Trận SLNA tiếp B.Bình Dương ở lượt đi, đài truyền hình FPT là một trong những đơn vị sở hữu “sóng sạch” được cung cấp bởi Next Media, nhưng bình luận viên ở cabin tường thuật trận đấu qua monitor, không thể nhìn thấy số áo cầu thủ, thì nói gì khán giả theo dõi qua tivi?! Với chỉ một trang thiết bị cũ kỹ như thế, thì VAR có khả thi không?! Đấy là chưa kể, công nghệ VAR còn có thể xé lẻ trận đấu, khiến trận đấu vốn dĩ chỉ có chất lượng trung bình, kéo dài lê thê và nhàm chán, với thời gian bóng trong cuộc vốn đã thấp lại càng thấp.

VAR không phải không thể áp dụng ở V-League, chỉ là các giải bóng đá quốc nội Việt Nam chưa đạt chuẩn để có thể đưa VAR vào hỗ trợ trọng tài.

Các phương án thuê trọng tài ngoại đã được tính đến và thực tế cũng đã thực thi từ nửa thập niên qua, với một vài diễn biến nhạy cảm ở các lượt trận cuối đặt dưới sự điều hành của “vua” ngoại, nhưng hoang phí và không mấy tác dụng.

Chú thích ảnh
Đã thành thông lệ, V-League cứ bước vào giai đoạn cuối lại nóng với chuyện trọng tài.
Ảnh: VPF

Lý là bởi, trình độ trọng tài khu vực Đông Nam Á không hơn trọng tài Việt Nam và ngoài ra, nếu thuê họ chỉ để điều khiển vài trận đấu, thì cũng như muối bỏ bể. Điều đó thực sự là nỗi hổ thẹn cho giới “vua sân cỏ” Việt Nam.

Như vậy là, các giải pháp tình huống đều không mấy khả thi và cũng không hiệu quả. Vậy nhà tổ chức làm cách nào để ngăn ngừa và hạn chế những sai số từ đội ngũ trọng tài, vốn “cũng là con người”, trong khi họ phải độc lập với giới “vua áo đen”?!

Sports Rada phối hợp với VPF bao năm qua, nhưng vẫn chưa “đánh” được vụ tiêu cực nào, dù không thiếu các trận đấu có “mùi”, với không loại trừ khả năng có sự can thiệp của chính các trọng tài, chứ không chỉ có 2 đội bóng. Vậy, nhà tổ chức chỉ có thể cầu nguyện giải về đích an toàn mà thôi.

Công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các trọng tài Việt Nam, từ cấp cơ sở đến trung ương, nhiều năm qua không đáp ứng được với nhu cầu phát triển nền bóng đá và các giải đấu xứ sở. Đấy là sự thật. Vai trò của trọng tài Việt Nam ở đấu trường quốc tế cũng không được ý thức, chính là do chất lượng quá tệ.

Vụ trọng tài FIFA Nguyễn Hiền Triết bị ngất trong bài kiểm tra thể lực hồi giữa mùa giải, không bị xem là một tai nạn, bởi Triết đã từng có tiền lệ. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện đã không được báo cáo cụ thể với AFC.

Mùa giải nào cũng vậy, cứ đến nửa sau giai đoạn lượt về là các đội bóng lại “tim đập chân run”. Có đội thành lập cả ban “chống xuống hạng”, vài đội khác nước đến chân mới nhảy. Và giới trọng tài, nghiễm nhiên được “chọn”. Có khi ăn cả 3-4 đầu, nhưng ai đã bảo trọng tài là giới khó kiểm soát nhất đấy sao!

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm