Hoàng Thanh Tùng và chuyện cầu thủ xứ Thanh ở V-League

10/07/2015 11:25 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - FLC Thanh Hóa đang bay cao ở Toyota V-League 2015, nhưng vẫn có những cầu thủ xuất sắc khác của bóng đá xứ Thanh đang chơi nổi bật ở nhiều đội bóng trong nước và vì nhiều lý do khác nhau mà họ chưa thể cống hiến cho đội bóng quê nhà.

Cuộc đối đầu với chủ nhà FLC Thanh Hóa ở vòng 15 Toyota V-League 2015 có thể xem là một trận đấu rất đặc biệt với tuyển thủ U19 quốc gia Hoàng Thanh Tùng của HAGL. Đây là lần đầu tiên, cầu thủ trẻ này trở về và đối mặt với đội bóng quê hương ngay trên mảnh đất mà Hoàng Thanh Tùng đã sinh ra và lớn lên.

Trúng tuyển vào lò HAGL vì Thanh Hóa không nhận

Với đam mê trái bóng từ nhỏ, Hoàng Thanh Tùng cùng với 3 cầu thủ khác đã vượt qua hàng trăm em khác của Thanh Hóa để được HAGL tuyển chọn nhằm đào tạo lứa cầu thủ đầu tiên hợp tác với Arsenal. Trước đó, Hoàng Thanh Tùng đã được Trung tâm TDTT TP Thanh Hóa phát hiện qua giải đấu bóng đá thiếu niên nhi đồng. Ở đó những cựu cầu thủ bóng đá của Thanh Hóa nay đã chuyển sang làm công tác quản lý, huấn luyện như Đàm Văn Long, Ngô Văn Hạnh đã phát hiện và đưa các em vào đội bóng tham dự giải nhi đồng toàn quốc.

Khi Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG tuyển quân trên toàn quốc, trong đó có Thanh Hóa, Hoàng Thanh Tùng và các em khác đã được động viên tới tham gia dự tuyển, xem đó như là cơ hội vàng để các em phát huy đam mê, tài năng, trong bối cảnh CLB bóng đá Thanh Hóa lúc bấy giờ chưa có sự kết nối tốt với Trung tâm TDTT TP Thanh Hóa để tiếp nhận các tài năng, các cầu thủ bóng đá nhi đồng năng khiếu.

Không lọt vào “mắt xanh” của CLB Thanh Hóa, Hoàng Thanh Tùng tham gia kỳ tuyển chọn cầu thủ của HAGL và đó chính bước ngoặt của cuộc đời cầu thủ này. Từ đó, người hâm mộ mới biết đến một tiền vệ cánh chơi xuất sắc, nhiệt tình Hoàng Thanh Tùng của U19 HAGL, U19 quốc gia Việt Nam.

Những trường hợp chưa một lần khoác áo đội bóng quê hương nhưng lại thành danh ở CLB khác như Hoàng Thanh Tùng không hiếm ở xứ Thanh. Có thể kể ra như Cao Sỹ Cường, cầu thủ sinh ra lớn lên ở Thanh Hóa nhưng lại trưởng thành từ lò đào tạo của bóng đá Thủ đô và phải đến lúc ngoài 30 tuổi mới có cơ hội thi đấu cho đội bóng quê hương.

 Rồi ngay như trường hợp của Tăng Tuấn, tiền đạo đang chơi thăng hoa với 7 bàn thắng trong màu áo của B.Bình Dương mùa này và cũng đã chơi cho nhiều đội bóng khác nhau nhưng cũng chưa một lần khoác áo đội bóng quê hương. Ngoài ra, cũng có rất nhiều cầu thủ khác từng chơi cho Thanh Hóa nhưng nay lại đang thi đấu nổi bật ở các CLB khác như Văn Thắng (XSKT Cần Thơ) với 9 bàn thắng ở V-League, trung vệ Minh Tùng (Than Quảng Ninh), tiền vệ Mai Tiến Thành (B.Bình Dương)…

Ngay cả ở giải trẻ U17 QG 2015 vừa kết thúc hôm qua, trong thành phần đội U17 PVF đoạt chức vô địch cũng có rất nhiều cầu thủ trụ cột đến từ Thanh Hóa.

Nỗi buồn nhìn người con xa xứ

Cảnh tượng những cầu thủ gốc Thanh Hóa đã và đang tỏa sáng trong màu áo các đội bóng khác mà không phải là đội bóng quê hương đã thực sự khiến không ít người hâm mộ và CĐV xứ Thanh cảm thấy chạnh lòng. Trên thực tế, họ vẫn mong mỏi có một ngày nào đó, những người con xứ Thanh sẽ tề tựu về quê hương để xây dựng đội bóng mang đậm bản sắc và hội tụ sức mạnh.

Vậy vì sao lại có những nghịch lý như vậy? Đa phần các cầu thủ ngay từ khi còn trẻ đều có mong muốn thi đấu, cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà, vì thành tích cho địa phương. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến họ phải dứt áo ra đi, trong đó phần lớn là vì không tìm được tiếng nói chung giữa CLB và cá nhân cầu thủ. Một mặt có thể cầu thủ có những đòi hỏi vượt quá khả năng chịu đựng của các ông bầu, của đội bóng, mặt khác CLB và đội bóng chưa đáp ứng được chế độ đãi ngộ đối với tài năng và sự đóng góp của các cầu thủ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Thanh Hóa chảy máu rất nhiều tài năng bóng đá.

Khi FLC tiếp quản CLB Thanh Hóa, nhiều CĐV, người hâm mộ bóng đá tỉnh Thanh hy vọng rằng sẽ lôi kéo được nhiều cầu thủ giỏi, đang thi đấu nổi bật ở các CLB khác về đội bóng quê hương.

Đây không phải là chuyện một sớm, một chiều nhưng nếu muốn làm được điều đó, “ông chủ mới” của đội bóng xứ Thanh phải thay đổi cách làm, xóa bỏ nghịch lý của những người tiền nhiệm, ngay từ khâu tuyển chọn, đào tạo cầu thủ trẻ cho tới việc đãi ngộ, thu hút các cầu thủ giỏi gốc Thanh Hóa về chơi cho đội nhà. Có như vậy, một ngày không xa, Thanh Hóa sẽ có một đội bóng mang đầy đủ bản sắc, sức mạnh rất riêng của mình.

An Thủy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm