HLV Miura có nghĩ lại?

03/12/2015 13:41 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ có Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường …, toả sáng ở giải U21 quốc tế - Cúp CLEAR Men 2015, mà những người ít được nhắc tới trước đó, thậm chí gần như không có trong tiềm thức của HLV Toshiya Miura, như Ngọc Hào, Nam Anh, Lâm Ti Phông (U21 Báo Thanh Niên) hay Thanh Hậu, Văn Thanh, Đức Lương, Minh Vương, Thanh Tùng, Thắng Toàn, Kim Hùng… (U21 HAGL), đã ghi điểm. Nhưng, danh sách triệu tập (29 cầu thủ), chuẩn bị VCK U23 châu Á tới đây (Qatar tháng 1/2016) không điền tên họ.

Liệu những người trẻ này còn cơ hội triệu tập bổ sung không hoặc nữa, HLV Miura có nên thay đổi quan điểm làm chiến thuật, sau khi đã tận mắt chứng kiến sự bùng nổ của những cầu thủ trẻ Việt Nam, đặc biệt là “những đứa trẻ của bầu Đức”, nhà tân vô địch, trước các đối thủ cứng như U21 Myanmar, Thái Lan và Hàn Quốc?

Khó cho người đến sau

Như Thể thao & Văn hoá cuối tuần đã nhận định, bộ khung đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị VCK U23 châu Á trên thực tế, đã được định hình từ chiến dịch vòng loại. Thêm SEA Games 28 và cả mùa giải 2015 để kiểm định, HLV Miura tất đã đánh dấu từng cái tên. Và các VCK U21 QG, cũng như U21 quốc tế…, là những dịp như thế, để nếu có thể, thuyền trưởng người Nhật Bản sẽ điền thêm vào bản danh sách sơ bộ vài phát hiện thú vị. Trọng Đại, Duy Khánh hay Hồng Duy, Xuân Mạnh…, tìm thấy cơ hội thông qua 2 giải đấu uy tín này.

Từ các quy trình chọn lựa cầu thủ, đến việc thành lập các ĐTQG…, chúng ta cần phải nắm được bản chất. HLV Miura và các trợ lý của ông, cũng như bộ phận giúp việc ở Phòng các ĐTQG…, sẽ tổng hợp rất nhiều nguồn danh sách đề cử cầu thủ, trình lên Thường trực VFF và quyết định thành lập được Tổng cục TDTT ban hành sau đó. U23 Việt Nam thuộc “biên chế” của Tổng cục TDTT, sẽ mặc áo đấu hiệu Grand Sport, chứ không phải "hàng chợ" như đội tuyển U21 Báo Thanh Niên, được thành lập sau VCK U21 quốc gia, để đá giải quốc tế.


HLV Miura gặp sức ép trong việc triệu tập và sử dụng 7 cầu thủ của HAGL, mới nhất là Xuân Trường. Ảnh: Thanh Hà

Trước đây, các PV thể thao mảng bóng đá nội vẫn thường tìm đủ mọi nguồn tin, để tìm cho ra bản danh sách tập trung (dù chỉ sơ bộ) của các ĐTQG, chuẩn bị các giải đấu lớn. Song thực tế là, chỉ cần “cầm” được Phòng các ĐTQG hay cao hơn là có được nguồn tin chính thống từ Tổng cục TDTT, sẽ có ngay điều mình cần, mà không phải chạy theo BHL nài nỉ tiết lộ. Ở một vài thời điểm, với một số HLV trưởng, cũng chưa chắc đã quyết được bản danh sách tập trung. Bởi như đã nhắc, HLV đề xuất và việc ký duyệt thuộc về cấp trên của họ.

Không phải các VCK U21 quốc gia và quốc tế có quá ít những phát hiện thú vị, thậm chí là những cái tên rất sáng nước, mà dài dòng như thế để thấy rằng, việc nâng lên hạ xuống với một thành viên mới, là cả vấn đề, cần lấy ý kiến từ nhiều phía, những người có trách nhiệm. Song thông thường, người hâm mộ chỉ quan tâm đến việc HLV có tạo cơ hội cho cầu thủ mà mình thích, lên Tuyển và thi đấu, chứ không biết tường tận các quy trình tuyển chọn. Các HLV, đội ngũ làm chuyên môn, có cái lý của họ, bởi họ là những người chịu trách nhiệm.

Và nên nhớ, đây mới chỉ là danh sách sơ bộ, trước khi nó được gút lại trước ngày lên đường đi Qatar. Thông qua quá trình tập luyện, thi đấu cọ xát, các ca chấn thương ngoài ý muốn…, HLV trưởng sẽ quyết định điền tên những ai vào vòng “chung khảo”. Chúng ta ở đây, không thể làm thay việc của họ được, nhưng kinh nghiệm cho thấy, những người mới (so với danh sách từng đá vòng loại ở Malaysia và SEA Games 28) sẽ phải rất chắt chiu cơ hội nhỏ nhất có được, để hy vọng.

Khó nghĩ với “những đứa trẻ của bầu Đức”

Ban đầu chỉ có 6 cái tên thuộc biên chế U21 HAGL được tập trung U23 Việt Nam lần này, bao gồm Văn Tiến (thủ môn), các tiền vệ Hồng Duy, Đông Triều (không hiểu sao trong bản danh sách mà VFF công bố, Đông Triều lại được đẩy lên là tiền vệ?!), Tuấn Anh và cặp tiền đạo Công Phượng, Văn Toàn. Như thế cũng là kha khá rồi, so với quân số từ các CLB còn lại. Cỡ như Hà Nội T&T, nhà vô địch VCK U21 quốc gia 2015 cũng bằng chừng ấy và SLNA, lò đào tạo trứ danh, thậm chí còn ít hơn (3 cầu thủ)… Vẫn còn sót rất nhiều các cái tên được cho là xứng đáng.

Đông Triều miễn cưỡng chiều ý HLV Miura

Đông Triều miễn cưỡng chiều ý HLV Miura

Ngoại trừ Tuấn Anh, toàn bộ đội hình U23 Việt Nam đã tập trung tại khách sạn Bounty (Lê Đức Thọ, Hà Nội) vào chiều nay 1/12.


HLV Miura đã không xuất hiện tại sân Thống Nhất trong ngày diễn ra trận chung kết U21 quốc tế, giữa U21 HAGL và U19 Hàn Quốc, thực sự là một điều đáng tiếc. Chỉ là đáng tiếc thôi, bởi thuyền trưởng người Nhật Bản không được tận mắt chứng kiến hơn 16 ngàn khán giả đội mưa cổ vũ Công Phượng và đồng đội, hay trước đó, họ tiếp sức cho U21 Báo Thanh Niên trong trận tranh hạng Ba. Một cảnh tượng kỳ lạ, 10 năm có một. Và ông Miura cũng không được tận hưởng thứ bóng đá trình diễn ở đẳng cấp cao của U21 HAGL.

Song, cũng có ý cho rằng, việc bản danh sách triệu tập đội tuyển U23 Việt Nam đã được thông qua, với đầy đủ ban bệ, cùng như cái tên cụ thể (cầu thủ), không nhất thiết HLV Miura phải kéo dài ngày công cán ở TP.HCM nữa?! Đấy là chuyện riêng của ông Miura và VFF, chứ không phải việc của… bầu Đức, như phát biểu với báo giới, sau giây phút đăng quang của những đứa trẻ nhà ông. Nhưng, bất luận thế nào, nhiều người sẽ rất khó nghĩ thay cho HLV Miura, khi chứng kiến màn thể hiện tuyệt vời của U21 HAGL, để rồi so với U23 Việt Nam kỷ nguyên Miura.

Công Phượng quá xuất sắc, thì rõ rồi; Tuấn Anh tiếp tục là ông chủ ở giữa sân, trong mọi trận đấu…, điều này cũng không bàn tới nữa. Nhưng, đã có ý kiến mách HLV Miura rằng, thuyền trưởng người Nhật Bản có thể trao nhiều cơ hội hơn cho “những đứa trẻ của bầu Đức”, lấy nòng cốt U21 HAGL làm chủ thể, để xây dựng lối chơi “made in Việt Nam”, thông qua 2 tuyến cao nhất: Tiền vệ và tiền đạo, không? Họ có lý để đưa ra phát kiến này, bởi chỉ U21 HAGL mới có thể chơi trên cơ, đĩnh đạc trước các đối thủ được đánh giá là… trên cơ. Thua cũng sướng.

Vấn đề là họ không thua, mà ngược lại đã giành chiến thắng. Sau một mùa giải 2015 khốc liệt, “những đứa trẻ của bầu Đức” tích luỹ thêm rất nhiều kinh nghiệm trận mạc, tâm lý chiến cải thiện và cả các kỹ năng hạ sát đối phương, chứ không chỉ là lối chơi rối rắm, bế tắc. Trước họ, không một lứa cầu thủ Việt Nam nào làm được thế, chứ đừng nói một đội tuyển trẻ. Với nòng cốt U21 HAGL, thêm vài sự bổ sung ở hàng tiền vệ, tiền đạo và đặc biệt là hệ thống phòng ngự (như thời U19 của HLV Graechen), tăng chất thép, chúng ta có cơ hội, chư không đùa.

Nếu HLV Miura đã, đang và chưa từng nghĩ thế, phải có ai đó tham vấn cho ông về vấn đề này. Bởi với cơ thể nền bóng đá Việt Nam, lối chơi của U21 HAGL gần như tối ưu, khó có lựa chọn khác. Giấc mơ World Cup hay Asian Cup quá xa xôi, vậy tại sao không thể vui với điều giản dị mà chúng ta đang có, khi VCK U23 châu Á cũng chỉ là giải đấu trẻ và chúng ta đã đến với Qatar bằng cửa phụ (1/5 đội nhì bảng)?


Trước những đối thủ được đánh giá cao hơn như U19 Hàn Quốc, U21 Myanmar, thậm chí cả U21 Báo Thanh Niên…, nhưng Công Phượng và đồng đội vẫn sở hữu thời lượng kiểm soát bóng vượt trội, tạo các cơ hội ăn bàn vượt trội và thực sự là những ông chủ của cuộc chơi. Thực tế, họ đã chiến đấu và giành chiến thắng chung cuộc không thể thuyết phục hơn. Đến ngay cả những người khó tính, cũng không thể không yêu và những nghi ngờ về chất lượng khách mời tại giải đấu năm nay trở nên thừa thãi. Bóng đá là sân khấu 4 mặt, ở đó các cầu thủ thi thố sòng phẳng.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm