Đừng làm bóng đá kiểu tư duy nhiệm kỳ

13/12/2017 08:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Dự kiến vào tuần tới, Bộ VH,TT&DL sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ. Vậy 4 năm qua bóng đá nước nhà đang đứng ở đâu?

Bơi ngược dòng nước

Theo chỉ tiêu đề ra cho bóng đá Việt Nam, giai đoạn 2012-2020, chúng ta sẽ vô địch SEA Games và AFF Cup 1-2 lần, để tấn công vào Top 15 nền bóng đá mạnh nhất châu lục. Đến thời điểm này, việc giành vàng SEA Games là quá khó khăn, sau thất bại của U22 Việt Nam trên đất Malaysia vừa qua. Đấy được xem là lứa cầu thủ trẻ tốt nhất của nền bóng đá trong khoảng 5 năm đổ lại.

SEA Games 2019 là hạn mức cuối cùng để bóng đá trẻ Việt Nam “trả nợ” chỉ tiêu vàng SEA Games. Xét bối cảnh phát triển chung của bóng đá khu vực, Việt Nam gần như không có cửa "qua mặt" Thái Lan trong 1-2 năm nữa. Tại sân chơi AFF Cup của ĐTQG, với ít nhất 2 giải đấu nữa (2018 và 2020), cũng không sáng sủa hơn khi đặt cạnh những Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Việc đội tuyển U19 Việt Nam giành quyền vào bán kết U19 châu Á 2016, đồng thời đoạt vé đến World Cup bóng đá trẻ, như Thể thao & Văn hóa đã đề cập, chỉ là hiện tượng chứ chưa phải bản chất. Tức là, bằng với một mẻ vó cất được lứa cầu thủ khá ưu việt, thêm những tính toán khoa học và tài thao lược của HLV Hoàng Anh Tuấn, chúng ta bất ngờ gặt hái được thành công thông qua một hệ thống giải đấu. Nó chưa phải sự phát triển đồng bộ của nền bóng đá, trong đó đào tạo trẻ chỉ là khâu đầu tiên, kế đến là giải VĐQG và ĐTQG.

Khi bóng đá Việt Nam chưa cho thấy sự tiến bộ rõ rệt nào, cả về chất lẫn lượng và thành tích, thì những người láng giềng như Thái Lan thực sự đã tấn công vào tốp các đội bóng hàng đầu châu lục. Trong khuôn khổ Vòng loại World Cup 2018, họ đi đến những trận đấu cuối cùng, tranh vé với Nhật Bản, Iraq và Australia. Và mặc định, họ không phải vòng đấu loại thứ 3 ASIAN Cup 2019 như Việt Nam. Về tốc độ phát triển ổn định, Thái Lan vẫn là số 1 Đông Nam Á.

Với tình hình như hiện tại, rõ ràng chúng ta gần như không thể "ổn định trong tốp 15 nền bóng đá mạnh nhất châu Á" vào năm 2020 theo chiến lược đề ra.

Kỳ vọng gì ở "tầm nhìn 2030"?

Nền bóng đá cần thêm rất nhiều “phân xưởng” đào tạo trẻ cỡ lớn và trung bình như PVF, HAGL - JMG, Hà Nội và Viettel..., liên doanh với nước ngoài càng tốt. Tất cả các nền bóng đá hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và thậm chí cả Thái Lan..., đều làm thế.Từ đó, chân đế sẽ được tạo dựng rộng hơn và sâu hơn.

Kế đến, cần phải gia tăng được số lượng các đội bóng ở giải hạng thấp như hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất quốc gia, chứ không thể duy trì mô hình "kim tự tháp ngược" mà hy vọng phát triển bền vững được.

Đào tạo trẻ, bóng đá học đường và bóng đá phong trào, chính là rường cột để hướng tới một nền bóng đá tự cường. Nội lực vẫn là yếu tố then chốt, quyết định, nhưng như đã phân tích ở trên, cần phải tập hợp được nguồn chất xám ngoại lực mới hy vọng..

Tổng cục TDTT sẽ làm việc với VFF về thất bại của U22 Việt Nam

Tổng cục TDTT sẽ làm việc với VFF về thất bại của U22 Việt Nam

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, khẳng định rằng sau khi về nước ông sẽ có cuộc làm việc với VFF về thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 29.

Việc nâng chất hệ thống các giải thi đấu quốc gia cũng cần phải tiến hành song song. Nếu cầu thủ Việt Nam tiếp tục được tập luyện, chơi bóng và đối đầu với các ngoại binh chất lượng hàng đầu, tự họ sẽ tiến bộ và cải thiện tâm lý chiến, không biết sợ hãi. Suy đi tính lại, cần có sự kết hợp hài hòa giữa các nguồn ngoại và nội lực, để cỗ máy đủ mạnh mới mong tiến xa.

Đây cũng là những hạng mục chính của "tầm nhìn đến năm 2030" của nền bóng đá. Và, chúng ta thống nhất với nhau rằng, làm bóng đá bắt buộc phải có sự tích lũy, không có chuyện đi tắt đón đầu, không thể tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích như trước đây.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm