Cầu thủ Đông Nam Á ở nước ngoài: Thái Lan số 1

04/11/2019 15:19 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong vòng hai năm qua, đội tuyển Thái Lan không còn thống trị Đông Nam Á, nhưng trên thị trường chuyển nhượng, các cầu thủ Thái vẫn có một vị thế đặc biệt, so với những đồng nghiệp cùng khu vực.

Cách đây 1 tuần, Consadole Sapporo đã trải qua trận chung kết Cúp Liên đoàn Nhật Bản đầy kịch tính khi họ chịu thua Kawasaki Frontale 4-5 ở loạt sút luân lưu (3-3 ở thời gian thi đấu chính thức). Và có một hình ảnh rất đáng chú ý: cả một khán đài ở Saitama đã đồng thanh hát vang tên “Messi Jay” Chanathip Songkrasin.

Đẳng cấp người Thái

Chanathip Songkrasin chỉ cao 1m58, và là cầu thủ thấp nhất của Consadole Sapporo, và có lẽ là thấp nhất tại J-League. Song ngôi sao của bóng đá Thái Lan vẫn biết cách khiến người ta phải ngước nhìn. Theo thống kê của trang Sakanowa, Chanathip thậm chí còn lọt vào Top 10 cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất J-League.

Hai năm qua, Chanathip đã thi đấu tới 74 trận, và góp công vào 24 bàn thắng cho Consadole Sapporo (11 bàn, 13 kiến tạo). Trong đó, riêng tại J-League mùa này, tiền vệ người Thái đã ghi 4 bàn và kiến tạo 7 bàn khác. Trong bộ ba Thái Lan thi đấu ở J-League, Chanathip là cầu thủ bùng nổ nhất, có vai trò quan trọng nhất. Trong số các cầu thủ Đông Nam Á đang thi đấu ngoài khu vực, bộ ba này cũng đang dẫn đầu về giá trị chuyển nhượng.

Nhìn vào Chanathip ở Consadole Sapporo, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy ngậm ngùi cho Công Phượng, cầu thủ mới đá vỏn vẹn 20 phút cho Sint Truidense kể từ khi gia nhập, và cả Đoàn Văn Hậu, người thậm chí còn chưa được ra mắt đội một của SC Heerenveen.

Chú thích ảnh
Chanathip Songkrasin đang là cầu thủ Đông Nam Á thi đấu thành công nhất khi vươn ra ngoài khu vực

Tất nhiên, không thể so sánh J-League với giải vô địch Bỉ và Hà Lan. Nếu Chanathip Songkrasin sang châu Âu, chưa chắc anh đã thành công hơn Công Phượng và Văn Hậu. Nhưng xét trên cùng một hệ quy chiếu, ngôi sao người Thái vẫn thành công hơn hẳn so với các đồng nghiệp Đông Nam Á khác. Công Phượng từng trầy trật ở Mito Hollyhock (J-League 2), Incheon United (K-League), Tuấn Anh không có nhiều cơ hội thể hiện ở Yokohama FC (J-League 2) do chấn thương hành hạ. Trong khi đó, Xuân Trường mờ nhạt tại Incheon United, Gangwon FC (K-League), và thậm chí còn không có cả chỗ đứng ở Buriram United (Thai League).

Các cầu thủ Đông Nam Á khác thi đấu ngoài khu vực cũng chẳng mấy thành công. Hai năm qua, “thần đồng” Egy Maulana của Indonesia chỉ đá vỏn vẹn… 55 phút trong màu áo Lechia Gdansk (Ba Lan), Ikhsan Fandi đá khá đều ở Raufoss IL (28 trận, ghi 6 bàn, kiến tạo 1), nhưng đó là giải hạng nhì Na Uy.

Thất bại ở châu Âu, nhưng phù hợp tại Nhật Bản

Không bùng nổ như Chanathip, song tiền vệ trung tâm Thitipan Puangchan (Oita Trinita) và hậu vệ trái Theerathon Bunmatham (Yokohama Marinos) đều đã khẳng định được vị trí của mình tại xứ sở mặt trời mọc. Thitipan đã chơi 23 trận mùa này cho Oita Trinita (ghi 1 bàn, kiến tạo 1), trong khi Theerathon Bunmathan cũng đá đến 57 trận ở hai mùa vừa qua (2 bàn, 7 kiến tạo).

Tất nhiên, không phải cầu thủ Thái nào cũng thi đấu thành công khi vươn mình khỏi Đông Nam Á. Thậm chí, chưa có cầu thủ Thái nào thi đấu thành công ở châu Âu cả. Từ huyền thoại Witthayal Laohakul (Hertha Berlin), Kiatisuk Senamuang (Huddersfield), Suree Sukha (Grasshopper), Kiatprawut Saiwaeo (Club Brugge), Datsakorn Thonglao (Kaiserlautern II), Teeratep Winothai (Lierse), Teerasil Dangda (Grasshopper II, Almeria), cho tới mới nhất là thủ thành Kawin Thamsatchanan, người đang mòn đũng quần ở đội hạng nhì Bỉ OH Leuven.

Thực tế ấy chứng tỏ rằng, cầu thủ Thái khi sang châu Âu cũng chẳng vượt trội so với Lê Công Vinh, Công Phượng, hay Đoàn Văn Hậu. Những khác biệt quá lớn về thể lực, triết lý bóng đá, cũng như văn hóa đã khiến họ không thể thành công tại đó. Nhưng ở môi trường J-League thì lại khác. So với các cầu thủ Đông Nam Á, những ngôi sao Thái Lan có nền tảng tư duy chiến thuật nhỉnh hơn, và dường như rất phù hợp với J-League. Tất nhiên, còn phải kể đến thái độ chuyên nghiệp, và nỗ lực của mỗi cá nhân nữa. Đó là lý do họ dễ thích nghi với môi trường bóng đá tại đây hơn.

Các ngôi sao Đông Nam Á đang thi đấu ngoài khu vực
và giá trị chuyển nhượng (theo transfermarkt)

Chanathip Songkrasin (Thái Lan/Consadole Sapporo): 2,2 triệu euro

Theerathon Bunmatham (Thái Lan/Yokohama Marinos): 800 nghìn euro

Thitipan Puangchan (Thái Lan/Oita Trinita): 600 nghìn euro

Kawin Thamsatchanan (Thái Lan/OH Leuven): 550 nghìn euro

Nguyễn Công Phượng (Việt Nam/Sint Truidense): 200 nghìn euro

Đoàn Văn Hậu (Việt Nam/ SC Heerenveen): 150 nghìn euro

Egy Maulana (Indonesia/Lechia Gdansk): 50 nghìn euro

Ikhsan Fandi (Singapore/Raufoss IL): 50 nghìn euro

Faiq Bolkiah (Brunei/Leicester City): Không định giá

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm