Bóng đá nữ Việt Nam: Ví đây đổi phận làm trai được...

02/10/2014 17:22 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Một lần nữa cánh chị em lại dẫn bàn trước phái mày râu, khi ghi tên mình vào vòng bán kết Asian Games 17, trong khi bóng đá nam đã một lần nữa dừng chân ở vòng 16 đội.

Cái chuyện "hơn thua" giữa đấng mày râu với cánh quần hồng khoan hãy bàn đến, mà rõ ràng với những tín hiệu lạc quan được mở ra, thông qua hành trình của Olympic Việt Nam tại Incheon, không ít người kỳ vọng rằng, huấn luyện viên (HLV) Toshiya Miura là giải pháp tốt nhất với nền bóng đá vào thời điểm tưởng rất hỗn mang này.

Điều này đúng, nhưng nếu được, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng những mục tiêu cao và xa hơn, thông qua các hiệu ứng tích cực. Bóng đá, để phát triển, luôn cần những gói “kích cầu”.

1. Bóng đá nam Việt Nam vốn luôn giành được sự ưu ái của cả xã hội và điều này khiến chị em không khỏi không chạnh lòng. Ở một mức độ nào đó, bóng đá nữ đã chọn chính các đồng nghiệp nam làm đối trọng, trong suốt một thời gian dài. Các cô gái vàng Việt Nam đã đi từ thành công này, đến chiến công khác và liên tục thống trị khu vực, suốt hơn một thập niên, trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Thái Lan và Myanmar. Trong khi đó, thất bại luôn là… mẹ của thất bại, với bóng đá nam. Thế nên, thôi không cần phải so sánh nữa, bởi nó quá ư khập khiễng.

Vắt qua 14 năm tuổi, nhưng bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam dường như vẫn là chuyện riêng của Liên đoàn và của các ông bầu, chứ chưa thực sự là của xã hội, hay của cộng đồng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của nền bóng đá, tức các đội tuyển quốc gia (ĐTQG), mà hình ảnh đìu hiu trên các khán đài ở Lạch Tray, chảo lửa một thời, trận đấu giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc), là một minh chứng. Người hâm mộ không chỉ thờ ơ, thậm chí họ có ý tẩy chay luôn đội tuyển, sau bao đổ vỡ khó thể hàn gắn. Họ quay qua yêu lứa U19 QG, cũng bình thường.

Người xem (bóng đá) chân phương, đến giới mộ điệu và cổ động viên, chưa bao giờ được ý thức như là một phần tối quan trọng của cuộc chơi, của V-League, cũng như của các ĐTQG, thì đừng bắt họ phải yêu không tính toán. Đội tuyển U19 QG, trên thực tế chỉ là hình ảnh đại diện mà Học viện của bầu Đức, đương kim Phó chủ tịch VFF, giữ hồn cốt, không phải là ĐTQG, nhưng tại sao người hâm mộ vẫn yêu không so đo?! Suy cho cùng, người xem được quyền chọn cái mà họ thích.

Từ cấp độ đội tuyển, xuống các giải đấu hàng đầu, cảm giác như VFF và cả VPF cố o ép bán những sản phẩm mà người tiêu dùng không thích, hoặc phải miễn cưỡng sử dụng, thay vì tìm tòi để cải thiện chất lượng mặt hàng mà mình có đáp ứng cho người mua, người xem! Đội tuyển Việt Nam cần thêm những ủng hộ cho ít nhất kỳ AFF Suzuki Cup 2014 trên sân nhà, nhưng để có được điều này, VFF phải hành động ngay từ bây giờ!

2. Một diện mạo tương đối mới mẻ đã được Toshiya Miura tạo ra, trong lòng đội tuyển Olympic Việt Nam, không chỉ là lối chơi, mà còn là các yếu tố tinh thần, tâm lý chiến, là màu cờ sắc áo. Đã rất lâu rồi, có lẽ kể từ sau các ĐTQG dưới thời Henrique Calisto, người hâm mộ mới lại cảm nhận được hào khí Đông A, mang mới hướng bản sắc.

Toshiya Miura có đủ kỹ năng và tài năng, để trở thành một vị tướng tài, nhưng khó thể kỳ vọng ông thầy người Nhật Bản trở thành tổng công trình sư cho sự phát triển của nền bóng đá, bởi “cái áo” ấy thừa vải với người nước ngoài.

Đừng vội nhìn qua Nhật Bản, mà hãy ngó nghiêng người láng giềng Thái Lan. Sau bao năm, với bao triều đại HLV số má và đầy tài năng đến với đất nước của những nụ cười, nhưng rốt cuộc cũng chỉ tay trắng hoàn trắng tay. Từ Peter Reid, đến Bryan Robson, đến Winfried Schafer…, nhưng ngay lúc này, là Kiatisak Senamuang. Ở một góc độ nào đó, “Zico” Thái không hẳn là HLV trưởng, mà cựu danh thủ người Thái đang được định hướng để trở thành một tổng công trình sư, với sự hậu thuẫn cực lớn từ Liên đoàn bóng đá nước này.

Bóng đá Việt Nam, suy cho cùng, chỉ có người Việt Nam mới giải quyết được triệt để những tồn tại, bởi không ai hiểu nền bóng đá hơn chính chúng ta. Vấn đề là, người trong cuộc, những người chịu trách nhiệm trực tiếp đến tự tồn vong của nền bóng đá, có chịu nhìn thẳng, nhìn trực diện vào vấn đề, để rồi đưa ra giải pháp hay không mà thôi! Thậm chí, nói như cựu trợ lý các ĐTQG Hoàng Anh Tuấn, Liên đoàn chưa bao giờ đặt câu hỏi tại sao và như thế nào, bóng đá trẻ và bóng đá phong trào lúc này lại thu hút được sự quan tâm hơn bóng đá chuyên nghiệp?!

Với màn thể hiện khá thuyết phục ở sân chơi Asian Games 17, rất có thể, một vài gương mặt xuất sắc của Olympic Việt Nam sẽ được đôn lên ĐTQG, chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2014 trên sân nhà.

Điều này là không bất ngờ và nếu muốn “phản biện”, tốt hơn hết là các đàn anh ở đội tuyển nên tự ý thức phấn đấu, nỗ lực cải thiện mình. ĐTQG (nam) đã luôn nằm cửa dưới các đồng nghiệp nữ, một thời gian dài và chưa có biểu hiện dừng lại, sẽ càng mất mặt hơn nếu họ bị đàn em mình “đè” trên băng ghế dự bị. Vậy hãy nói chuyện chuyên môn với Toshiya Miura.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm