Bóng cứ lăn cầu thủ nữ cứ buồn

10/09/2016 06:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Lượt về giải bóng đá nữ VĐQG 2016 chứng kiến đầy đủ mọi khó khăn của các cô gái đá bóng. Họ chỉ được chú ý đến và ít nhiều tôn vinh mỗi khi đội tuyển quốc gia mang vinh quang về cho đất nước. Nhưng hành trình đến đỉnh cao đó chắc chắn không có nhiều sự đồng cảm.

Đơn độc

Để có được đỉnh cao nghề nghiệp trong môn thể thao bị nhiều người ghẻ lạnh này, các cô gái phải vượt qua mặc cảm đơn độc. Bằng chứng là họ phải thi đấu dưới những khán đài hiu hắt, mỗi trận đấu chưa đến 100 người tính cả thành viên 2 đội và các đối thủ đến xem. Ngay cả đội chủ nhà TP.HCM, đương kim vô địch giải sau gần chục năm mới chiếm lại vị trí quen thuộc này năm ngoái, thầy trò HLV Đoàn Thị Kim Chi đá cũng chỉ có vài người thân và đội trẻ của họ đến ủng hộ.

Bóng đá nữ TP.HCM nhận được sự quan tâm bậc nhất đất nước, nhưng giải đấu được kéo về sân nhà như mong muốn của nhà tài trợ cũng không khiến CĐV bận lòng. Nó ít nhiều giải quyết được khâu truyền thông khi lực lượng báo đài đưa tin tập trung ở thành phố đông dân nhất nước rất đông đủ. Nhà tài trợ vì thế mát ruột hơn đôi chút thay vì cảm giác áy náy kiểu “vứt tiền qua cửa sổ”.

Cầu thủ nữ kỳ cựu của TP.HCM chia sẻ: “Đã thi đấu thì chị em rất mong muốn được đá ở những nơi có nhiều CĐV xem, cổ vũ, trận đấu sẽ hào hứng và dưới sân chúng tôi chơi quyết tâm hơn, trận đấu sẽ hay hơn. Đá ở TP.HCM thì chúng tôi có ưu thế sân nhà, khá quen sân Thống Nhất. Nhưng so với không khí ở Hà Nam hồi diễn ra lượt đi thì không sánh bằng. Được thi đấu trên sân nhà mà như đi đá tập, đá giao hữu một mình hoài cũng quen. Kêu khóc có ích gì khi lâu nay bóng đá nữ Việt Nam đã như vậy rồi”.


Các cô gái chủ nhà TP HCM (trước) và Than KSVN trong một trận "thuỷ chiến". Ảnh: TSB

Với các cầu thủ nữ, sự nghiệp của họ sẽ chỉ sang trang khi được lọt vào mắt xanh của HLV trưởng đội tuyển Quốc gia. Như chia sẻ, ngoài việc được cải thiện đáng kể về chế độ tiền nong hỗ trợ, họ còn được đi đây đó thi đấu và biết nước ngoài thay vì chỉ loay hoay ở sân tập địa phương hoặc Hà Nam, Hà Nội, TP.HCM, 3 địa điểm chính giải nữ diễn ra. Được ra nước ngoài thi đấu, họ nhiều khi mới được hít thở bầu không khí bóng đá đúng nghĩa. Như mới đây trên đất Myanmar, các học trò của HLV Mai Đức Chung đã khiến nhiều trái tim CĐV chủ nhà bị bóp nghẹt trong trận bán kết AFF Cup. Được đá dưới sức ép hàng vạn CĐV trên sân Madalarthiri như thế, các cầu thủ ngoài trưởng thành về chuyên môn còn có thể vỗ ngực tự hào rằng mình đã lại có thêm một kỳ tích trong cuộc đời. Có những giây phút như thế, những giọt mồ hôi hay máu đổ xuống cũng đáng.

Không có hoa hồng cho chị em!

Sân Thống Nhất những ngày này ghi nhận nỗ lực tột cùng của các cô gái đá bóng. Bởi lẽ thời tiết TP.HCM thất thường không ủng hộ các trận đấu diễn ra. Ngay trong ngày khai mạc, gió lốc mạnh bay cả những tấm biển quảng cáo vào sân. May cho chị em khi sắt thép không văng trúng người các cô. Sau đó, trận mưa như trút khiến gần như cả Sài thành ngập nặng, thời điểm các cô gái vẫn phải cố đá cho hết trận đấu.

Sân Thống Nhất vì mưa nhiều những ngày qua, lại được tận dụng với mật độ dày đặc nên trở nên lồi lõm, mặt sân mỗi khi có mưa như mặt ruộng, mặt ao. Các HLV tỏ rõ lo ngại bởi thi đấu dưới điều kiện như thế, các học trò của họ đối diện với nguy cơ chấn thương mỗi khi bước ra sân. Nhiều cầu thủ không chịu nổi thời tiết dãi nắng dầm mưa đã lăn ra ốm. Nhưng giải đấu vẫn phải diễn ra đúng tiến độ, do lịch trình đã được vạch chi tiết từ trước đó rất lâu. Bất cứ sự thay đổi nào trước tiên sẽ thấy ngay sự lãng phí khi các đội phải hủy vé máy bay, tăng thêm tiền ăn ở… chưa kể nhà Đài đã lên lịch phát sóng trực tiếp.

Chỉ khổ cho các cô gái đã thiệt thòi lại phải cắn răng cam chịu. Ngay cả khi cả nước nghỉ lễ 2-9, các chị em cũng phải ra sân cày ải theo lịch đã xếp. Không mấy đội may mắn như Hà Nội 2 gặp Sơn La mới đây, sau khi cả 2 đã khởi động chán chê, trọng tài chuẩn bị dẫn 2 đội ra sân thì nhận được lệnh từ BTC. Do mưa quá to và quan trọng hơn, 2 CLB này không ảnh hưởng đến trật tự trên bảng tổng sắp nên BTC quyết định thay đổi lịch cho họ vào hôm sau.

'Trời hành' giải bóng đá nữ VĐQG 2016

'Trời hành' giải bóng đá nữ VĐQG 2016

Thời tiết thất thường ở TP.HCM không ủng hộ các cô gái đá bóng. Hết oi nồng vì nắng nóng lại đối diện với cơn mưa nặng hạt muốn ngập lụt mặt sân Thống Nhất. Xem các cô gái chạy theo quả bóng, nhiều CĐV không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Những cơn mưa tai hại như thế còn ảnh hưởng đến túi tiền của chị em. Vì thi đấu dưới mưa, những đôi giày, chiếc “cần câu cơm” của họ hư hại là tất yếu. Với số tiền lương ít ỏi của họ, để có một đôi giày tốt là một vấn đề. Với một cầu thủ, sở hữu những đôi giày mới của các thương hiệu nổi tiếng là đam mê bất diệt. Nhưng khoảng 4-5 triệu đồng đổ lên cho một đôi “đỉnh” là quá chát khi nó là cả thu nhập tháng lương của họ. Các cầu thủ chia sẻ họ chỉ săn hàng giảm giá dưới 2 triệu đồng và rất nhiều người còn chạy trên sân với những đôi giày đã mang đến 2 năm nay. Thậm chí nhiều cầu thủ còn mang giày “fake” hơn 200 nghìn. Thế nên mới có chuyện cầu thủ L.T.T… của Sơn La phải tự khâu vá chiếc áo của mình do đồng phục của đội in có hạn.

Cầu thủ nữ đã khó, trọng tài nữ cũng không khá hơn. Rất nhiều trọng tài đam mê chơi nghề này cũng khốn khó hơn rất nhiều các đồng nghiệp nam. Cũng do không thi đấu như các cầu thủ, nhiều trọng tài chấp nhận mua đôi giày chỉ khoảng 200 nghìn. Với họ, ngoài tìm kiếm việc làm là giáo viên thể chất ở các trường, kiếm thêm khi bắt các giải phong trào thì mỗi khi được VFF gọi đi bắt giải là một vinh dự lớn lao và còn là sự thay đổi đáng kể về thu nhập. So với 1 trận bóng phong trào bắt cho vui, nhiều thì khoảng 100 nghìn đồng/trận thì ở giải nữ VĐQG, 1,5 và 2 triệu đồng lần lượt cho trợ lý và trọng tài chính có thể thấy đã là “một trời một vực”.

Có cá cược với bóng đá nữ?

Giải bóng đá nữ VĐQG có bị chi phối (?). Câu hỏi này chưa biết câu trả lời nhưng có thể giải đấu nhận được sự quan tâm của các tổ chức cá cược. Trên sân Thống Nhất những ngày qua, có nhiều vị khách “lạ” rất “siêng năng” nối máy tường thuật trực tiếp toàn bộ diễn biến trận đấu bằng tiếng Anh. Nhiều CĐV khá tò mò nhưng vị khách lạ đó không có nhu cầu tiếp xúc với bất cứ ai.

Miền Trung, miền Tây Nam Bộ trắng bóng đá nữ

Giải VĐQG năm nay có 8 CLB, thì một nửa trong số đó là đại diện của Hà Nội và TP HCM. Mỗi trung tâm này đều có tới hai đội tham dự, gọi tên là đội 1 và đội 2. Bốn đại diện còn lại đều thuộc các tỉnh phía Bắc, là Than KSVN, Phong Phú Hà Nam, Thái Nguyên và một đội bóng vùng cao, Sơn La. Như vậy là đang có những khu vực trắng bóng đá nữ ở giải VĐQG như Miền Trung và cả miền Tây Nam Bộ, dù cho ở đó đều đang có các đội bóng tham dự V-League hay Hạng Nhất của bóng đá nam. Bóng đá nữ Việt Nam hiện đang đứng trong nhóm đầu khu vực, đã từng tham dự ở sân chơi châu lục, và suýt giành vé đi World Cup, như vậy vẫn chưa thúc đẩy được phong trào phát triển đều trên cả nước.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm