24 năm AFF Cup từ 'Cọp' đến 'xe'

01/08/2020 08:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ra đời từ năm 1996 với cái tên gọi Tiger Cup gắn liền bởi nhà tài trợ bia có trụ sở ở Singapore, sau 5 lần thành công, đến năm 2008, giải đấu đổi tên thành AFF Suzuki Cup khi nhận được sự tài trợ của hãng xe Nhật Bản, giải đấu đã chứng kiến nhiều thăng trầm của các nền bóng đá trong khu vực.

AFF Cup lùi sang 2021, mừng hay lo?

AFF Cup lùi sang 2021, mừng hay lo?

Chiều qua, Ban xử lý các tình huống khẩn cấp củav Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á đã thống nhất đề xuất phương án tổ chức AFF Cup vào trung tuần tháng 4/2021.

1. Giải đấu đầu tiên quy tụ các đội tuyển bóng đá nam quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lại là... SEAP Games (tên tiền thân của SEA Games) lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan vào năm 1959, với chức vô địch thuộc về đội tuyển miền Nam Việt Nam.

SEAP Games trước kia, rồi tới SEA Games được mặc định là sân chơi cho các đội tuyển bóng đá nam quốc gia, dù nằm trong khuôn khổ của đại hội thể thao khu vực. Phải tới năm 1996, nhờ sự tài trợ của hãng bia Asia Pacific Breweries (trụ sở tại Singapore), giải bóng đá vô địch Đông Nam Á đầu tiên mới được tổ chức và mang tên Tiger Cup - nhãn bia "Cọp" giờ quen thuộc với dân nhậu trong nước.

Ở lần đầu tổ chức với 10 đội tuyển tham dự, người Thái với dàn sao đình đám, nổi nhất là Kiatisuk dễ dàng lên ngôi vô địch. Tên gọi Tiger Cup được giữ đến hết giải lần thứ 5 (năm 2004) sau khi hãng bia Asia Pacific hết hợp đồng tài trợ. Tại lần thứ 6 tổ chức (năm 2007), giải được gọi là AFF Cup. Giải lần thứ 7 (năm 2008) tới nay được gọi là AFF Suzuki Cup 2008 do công ty Suzuki của Nhật Bản bảo trợ.

Tính đến nay, sau 12 lần tổ chức giải, đã có 4 đội tuyển vô địch. Trong đó, Thái Lan có 5 lần, Singapore vô địch 4 lần, Việt Nam có 2 lần lên đỉnh và Malaysia với 1 lần vô địch, những con số phản ánh đúng thực lực cũng như tham vọng của từng nền bóng đá khu vực.

Bóng đá Việt Nam với những nỗ lực nâng tầm, đương nhiên coi trọng sân chơi này ngay từ lúc nó ra đời. Sau tấm HCB lịch sử ở kỳ SEA Games 1995, “Thế hệ vàng” đầu tiên được kỳ vọn sẽ giành chiến thắng ở Tiger Cup 1996. Đội tuyển Việt Nam khi ấy với những: Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hoàng Bửu, Hữu Thắng... dưới sự dẫn dắt của HLV người Đức Weigang đã vào đến tận bán kết, nhưng rồi để thua 2-4 trước một Thái Lan quá mạnh. Đến trận tranh hạng 3, tuyển Việt Nam đánh bại Indonesia 3-2 để có danh hiệu quốc tế thứ hai tính từ ngày trở lại sân cỏ quốc tế.

Phải chờ đến 12 năm sau, qua 4 kỳ AFF Cup nhìn Thái Lan và Singapore cùng vô địch 2 lần, đội tuyển Việt Nam mới có lần đầu tiên lịch sử vô địch sân chơi này cùng HLV Calisto và thế hệ Vàng thứ hai gồm: Công Vinh, Quang Hải, Minh Phương, Hồng Sơn... 10 năm sau nữa, bóng đá Việt Nam lại bước lên ngôi số 1 Đông Nam Á với sức mạnh thực sự là số 1 khi đoàn quân của HLV Park Hang Seo có thành tích 7 trận bất bại ấn tượng.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, AFF Cup, hoãn AFF Cup, DTVN, Trần Quốc Tuấn, Park Hang Seo, tứ kết Cup quốc gia, V League, trực tiếp bóng đá
AFF Cup không chỉ gặp khó khăn vì dịch bệnh mà còn bởi ngay vì những vấn đề nội tại của mình. Ảnh: VSI

2. Từ Tiger Cup đến AFF Suzuki Cup - vị thế và sức cạnh tranh của sân chơi số 1 bóng đá Đông Nam Á này là không thể phủ nhận, nhưng sức tác động của từng giải đấu với từng nền bóng đá cũng như chính bóng đá kh vực thì vẫn cứ là dấu hỏi lớn.

Bóng đá Thái Lan sau thời kỳ chững lại đã xây dựng Thai League theo mô hình giải Ngoại hạng Anh những năm 2010. Họ mau chóng lấy lại vị thế bằng cách thống trị khu vực các năm 2014 và 2016. Dưới tay HLV Kiatisuk, đội tuyển Thái Lan tái lập thành tích vào vòng loại cuối cùng World Cup 2016 và họ cũng định nghĩa lại cho mình về AFF Cup.

Thành công tại mùa giải năm 2016 có thể là giải đấu cuối cùng mà người Thái mang đội hình mạnh nhất đến sân chơi khu vực. Bởi từ năm 2018 đến nay, bóng đá Thái Lan xem mặt trận này là thứ yếu và không phải mục tiêu số 1. Liên đoàn bóng đá Thái cũng không quan tâm nhiều đến sự cạnh tranh của các ĐTQG trong khu vực khi ưu tiên cho cầu thủ chủ chốt chơi bóng ở nước ngoài thay vì gọi về tập trung cho đấu trường khu vực.

Đến hiện tại, khi Thai League quyết định thay đổi lịch thi đấu theo khung giờ châu Âu, AFF Cup càng bị xem nhẹ. Và khi dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp như hiện tại, dễ hiểu Thái Lan và nhiều ĐTQG khác (trừ Việt Nam) không mấy mặn mà với AFF Cup 2020.

Người Thái hướng mục tiêu đến châu lục, thế giới sau quá nhiều năm thống trị AFF Cup, nhưng với những nền bóng đá còn lại trong khu vực, đương nhiên, sân chơi này vẫn cứ là ưu tiên số 1, cho dù cách làm là không giống nhau.

Singapore bằng cách nhập quốc tịch cho các ngoại binh đã có tới chức vô địch vào các năm 1998, 2004/2005, 2007 và 2012, tuy nhiên, kiểu chơi “đốt cháy giai đoạn” này cũng không giúp bóng đá xứ quốc đảo tiến lên là bao.

Việt Nam chọn hướng đi bằng nguồn nội lực bền vững có 2 chức vô địch các năm 2008, 2018 và với lứa cầu thủ tài năng hiện tại cùng tài cầm quân của HLV người Hàn Quốc, ông Park Hang Seo, có dư khả năng giành thêm chức vô địch.

Malaysia, Indonesia và cả Philippines gần đây lại là sự kết hợp giữa nội lực với nguồn ngoại binh nhập tịch cũng đã có bước chuyển về chuyên môn, chỉ có điều là chưa đủ để chắc chắn bước lên ngôi số 1. Nhóm này và kể cả đội tuyển Việt Nam, đuổi kịp thành tích của người Thái có lẽ vẫn là mục tiêu chính, chứ vẫn chưa thể vượt lên, hoặc bỏ qua sân chơi AFF Cup.

3. Không thể phủ nhận sự chênh lệch về trình độ lẫn cả "độ vênh" về mục tiêu giữa các nền bóng đá, khiến chất lượng chuyên môn của AFF Cup chưa tưng xứng với vị thế sân chơi số 1 khu vực. Bên cạnh đó, AFF Cup dù là giải đấu chính thức của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) và đã được Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA tính điểm từ năm 2016, nhưng lại không diễn ra theo lịch FIFA (FIFA Day), nên các CLB có quyền không "nhả quân" về cho các đội tuyển quốc gia. Đây cũng là lý do tại sao Liên đoàn bóng đá Thái Lan vốn đã không mặn mà lấy cớ để không gọi các ngôi sao của mình về tham dự AFF Cup.

Bên cạnh đó, việc thi đấu với mật độ quá dày - 2 năm/1 kỳ và những điều luật, cách thức tổ chức rối rắm cũng khiến sân chơi mất sức cạnh tranh. Nếu trước kia đá kiểu Games, thì từ năm 2004, vòng bán kết và chung kết được diễn ra trên hai lượt đi và về theo thể thức sân nhà và sân khách. Kể từ năm 2007, không có tranh hạng ba. Bắt đầu vào năm 2018, một thể thức mới được áp dụng và thời gian kéo dài tận hơn 1 tháng... thời gian thì ngang với VCK FIFA World Cup, nhưng chỉ với 1 gải đấu có quy mô 11 đội tham dự!

AFF Cup đang trở nên nhàm chán và thậm chí là một bài toán khó, nỗi lo ngại cho các quốc gia trong năm nay khi đại dịch Covid-19 bùng phát và vẫn đang diễn biến phức tạp. Quyết định lùi giải đấu năm 2020 sang năm 2021 là khó tránh khỏi, bởi ngoài nỗi lo dịch bệnh, thì các quốc gia có nhiều ưu tiên hơn trong năm tới, chẳng hạn như các vòng loại U17, U20 châu Á lẫn thế giới.

Chỉ cần Thái Lan nói không hoặc dự cho có, AFF Cup với quanh quẩn những cái tên như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore, Myanmar... Khi HLV Park Hang Seo đã đưa Việt Nam đến Top 8 đội hàng đầu châu Á qua kỳ Asian Cup 2019, CĐV nước nhà có lẽ cũng ý thức được tầm vóc AFF Cup như người Thái đã trải qua.

Và điều trớ trêu khác đằng sau hậu trường trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, các nhà tài trợ cũng không đồng ý rút ngắn thời gian thi đấu bằng cách tổ chức tập trung ở một quốc gia. Nhiều thương hiệu muốn quảng bá hình ảnh của mình qua nhiều nước bằng cách thức tổ chức giải như 2 năm trước. AFF Cup thực sự là nỗi đau đầu!

Việt Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm