Với Lewandowski, Barca đã đánh mất bản sắc?

27/07/2022 06:47 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - DNA được sử dụng nhiều trong bóng đá đến mức nó trở thành một xu hướng hoặc một sự cưỡng chế với tất cả những yếu tố tự nhiên khác cần có của một câu lạc bộ và đặt tất cả vào khuôn phép mà đôi khi thực chất thực thể đó không tồn tại những yếu tố như vậy.

TRỰC TIẾP bóng đá Barcelona vs Juventus, giao hữu quốc tế (7h30, 27/07)

TRỰC TIẾP bóng đá Barcelona vs Juventus, giao hữu quốc tế (7h30, 27/07)

TRỰC TIẾP bóng đá Barcelona vs Juventus, giao hữu quốc tế (7h30, 27/07). Xem trực tiếp bóng đá hôm nay. Trực tiếp bóng đá giao hữu quốc tế

Trên thực tế, hầu hết các câu lạc bộ không có DNA, hoặc ít nhất là không theo cách mà thuật ngữ thường được biểu hiện và hiểu biết. DNA là cái cớ để một cựu cầu thủ có kinh nghiệm hạn chế nhận công việc của người quản lý với hy vọng rằng vì anh ta hiểu về câu lạc bộ, nên bằng cách nào đó, có thể tạo ra thành công như một hình mẫu trong quá khứ.

Hai mặt của DNA

Đó là lý do tại sao MU bổ nhiệm Ole Gunnar Solskjær với niềm tin rằng, một người đã trải nghiệm những năm tháng cầu thủ tuyệt vời cùng với Sir Alex Ferguson sẽ làm được điều tương tự người thầy của mình. Cũng là cách mà cựu Chủ tịch Roman Abramovich đặt Chelsea vào tay Frank Lampard và chờ đợi anh sẽ đưa The Blues tới chỗ hoàn hảo, và Juventus, cũng với đức tin như thế, đánh cược rằng Andrea Pirlo sẽ trở thành tượng đài một lần nữa trên băng ghế chỉ đạo.

Nhưng thế giới bóng đá không luôn vận hành theo cùng một cách mà Pep Guardiola đã làm cùng với Barcelona trong ngày trở lại Camp Nou mùa Hè 2008, và tiếp nối những điều kì diệu mà cố huyền thoại Johan Cruyff đã dựng xây.

Cũng khó khăn như thế để đạt được những thành công chói lọi như Zinedine Zidane đã từng khiến cả thế giới ngả mũ trong những năm nắm quyền ở Bernabeu và Carlo Ancelotti trải qua những năm tháng không thể quên được khi trở lại San Siro để dẫn dắt AC Milan.

Bạn luôn cần những tấm gương để học hỏi, những mạch ngầm xuyên suốt để xây dựng cá tính cũng như bản sắc riêng biệt của một câu lạc bộ. Barcelona, trong ba thập kỉ trở lại đây đã hình thành giá trị khu biệt của riêng mình dựa trên những triết lý bóng đá của Johan Cruyff, với những cầu thủ trưởng thành từ La Masia.

Với những người thực sự theo dõi môn thể thao này trong nhiều năm qua, thông điệp dường như hiển nhiên là các câu lạc bộ cần phải giống Barcelona hơn về mô hình và triết lý. Các câu lạc bộ cần phải có một phương pháp và một ý tưởng thuần chất được duy trì liên tục, được giảng dạy thông qua các học viện của họ và sau đó đưa những tài năng trẻ lên đội một, giúp nâng cao mọi giá trị của câu lạc bộ về mặt thể thao và truyền thống, nó đồng thời cũng giúp giảm bớt chi phí, vì với các tài năng tự đào tạo, một đội bóng không phải chi nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng.

Và một lý do thuần khiết khác, những cầu thủ tự đào tạo sẽ trung thành hơn, họ biết mình đến từ đâu và phải chiến đấu vì điều gì và người hâm mộ dễ dàng tha thứ hơn cho bất kỳ sai lầm nào. Và sự gắn kết đặc trưng của Barcelona có lẽ chỉ được tạo ra bởi nhiều năm học hỏi một hệ thống và chơi cùng nhau.

Pep Guardiola đã đưa những ý tưởng đấy lên một cấp độ mới mà rất ít đội bóng nào có thể đạt được trong quãng thời gian từ năm 2004 đến 2012, nó là sự hoàn thiện của mọi tiêu chuẩn mà một đội bóng theo đuổi, từ triết lý tới hiện thực sân cỏ, từ chuẩn mực của bóng đá đẹp tới những thành công tương xứng, từ một tập thể hoàn hảo tới từ cá nhân siêu việt, từ những cầu thủ tự đào tạo tới những ngôi sao được đưa về, từ thể thao tới kinh doanh và thương mại.

Chú thích ảnh
Barca đang bị một số cây bút thể thao có uy tín chỉ trích đánh mất bản sắc của mình với chính sách chuyển nhượng Hè này

Một Barca đại chúng

Tất cả được kết hợp hoàn hảo và đẹp đến mức nó có thể coi là độc nhất vô nhị. Những gì chiến lược gia người Santpedor làm được vượt xa so với người thầy quá cố của ông. Xavi Hernandez lại đi trên con đường đó với những kì vọng tương đương hoặc nhiều hơn nữa. Nhưng ngày hôm trước, sự xuất hiện của Robert Lewandowski trong trận Kinh điển giao hữu với Real Madrid đã trở thành một đề tài được tranh luận, cũng nhiều như sự hi vọng của đội bóng xứ Catalunya là sự hoài nghi của phần còn lại về việc họ đã bỏ rơi bản sắc của mình.

"Barcelona đã từ bỏ các nguyên tắc DNA của Guardiola bằng cách ký hợp đồng với Lewandowski", kí giả Jonathan Wilson bình luận trên tờ Guardian. Đánh mất DNA là điều gì đó rất khó được chấp nhận với Barcelona, không chỉ với chính họ, mà với cả những người khác nữa.

7 tháng trước, Jaime Rincon nói điều tương tự về đội bóng xứ Catalunya trên tờ Marca: Xavi nên nhận lỗi vì đưa về Camp Nou Adama Traore. Một lần nữa, liên quan đến Pep Guardiola, người thầy của Xavi trong quá khứ. Và nó gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng của HLV Man City, trong đó ông ca ngợi thể chất của các cầu thủ Real Madrid sau khi Bayern Munich của Pep bị đối thủ nghiền nát tại Champions League: "Họ là những người giỏi nhất trên đường chạy. Họ rất mạnh về thể lực, dù là những cầu thủ bóng đá, nhưng về cơ bản họ là những vận động viên".

Lúc này, Barcelona đã đánh mất DNA hoặc loại bỏ những nguyên tắc hay triết lý bóng đá mà huyền thoại Johan Cruyff và Guardiola đã đặt nền móng ở đây? Mọi thứ không hoàn toàn kinh khủng như vậy.

Đôi khi, chúng ta bị chi phối bởi những yếu tố như bản sắc hoặc DNA của một đội bóng, mà quên đi điều cơ bản là một tập thể không được xây dựng từ nền tảng thuần chất gồm những cầu thủ trưởng thành lò đào tạo mà còn phải kết hợp với những ngôi sao trên khắp thế giới.

Lịch sử của Barcelona trong 30 năm trở lại đây không chỉ được tạo nên bởi những ngôi sao trưởng thành từ La Masia, hẳn nhiên là như vậy, và nó được chứng minh một cách rõ ràng. Chúng ta sẽ xem xét từ kỉ nguyên của Johan Cruyff, Dream Team của ông không chỉ gồm Pep Guardiola, Sergi Barjuan hay Albert Ferre mà còn có cả Ronald Koeman, Hristo Stoichkov, Michael Laudrup hay sau này là Romario, và liệu thế giới có phán xét là cố huyền thoại người Hà Lan phản bội chính triết lý của mình?

Trong khi Guardiola không chỉ tạo ra một Barcelona độc đáo nhờ Xavi, Iniesta, Messi, Busquets hay Pedro, chúng ta chưa bao giờ ngạc nhiên vì ở đó còn có Seydou Keita, Yaya Toure hay Ibrahimovic, họ không xuất thân từ La Masia, nhưng tất cả được Pep sử dụng một cách nhuần nhuyễn và hợp lý.

Cũng là Lewandowski, tại sao không ai cho rằng, Pep Guardiola đi ngược lại với chính triết lý của ông ở Bayern Munich. Nguyên tắc là HLV luôn quyết định mọi điều tốt nhất cho đội bóng của anh ta. Và chiến lược gia người Santpedor cũng vừa đưa về Etihad Erling Haaland, mẫu cầu thủ không thể đào tạo được từ tuyến trẻ của Man City, vì tự nhiên của tiền đạo người Na Uy là khác biệt.

Nhiều năm qua, La Masia cũng chưa từng sở hữu một số 9 nào có thể chiếm một suất đá chính ở đội một, họ đã từng đưa về nhiều ngôi sao chơi ở vị trí này như Alfonso Perez, Patrick Kluivert, Samule Eto'o, Thiery Henry, Ibrahimovic hay Luis Suarez, nhiều người đã thành công và nhiều người khác thất bại.

Vì thế, Barcelona của Xavi kí hợp đồng với tiền đạo người Ba Lan không phải là phản đề của Pep Guardiola, mà đơn giản, đội bóng này đang đi theo dòng chảy tự nhiên của bóng đá. Họ không hiển nhiên sản sinh được những cầu thủ xuất sắc nhất ở mọi vị trí, và cần sự giúp đỡ của những người ở bên ngoài La Masia.

Vì sao là Adama Traore?

Adama không chỉ là một cầu thủ thuần về thể chất. Cầu thủ chạy cánh sinh ra tại Hospitalet cho thấy anh có thể tạo ra sự liên kết với các đồng đội và thứ hai, bởi Adama Traore chính xác là mẫu cầu thủ phù hợp với thứ bóng đá tấn công mà Xavi hình dung. Huấn luyện viên muốn Barcelona mở rộng mặt sân khi có bóng, và vì vậy anh cần một cầu thủ chạy cánh với những phẩm chất rất cụ thể như tốc độ, trực diện và khả năng vượt qua đối thủ, có thể đưa ra một giải pháp trong không gian hẹp và có khả năng phá vỡ hàng phòng ngự kiên cố của các đối thủ.

Thiên Ý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm