Diego Simeone: Độc tôn khác áo choàng tập thể

27/04/2016 07:08 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu ai đã từng yêu Jose Mourinho vì tính cách ngang tàng và vẻ mặt bất cần thuở ông mới nổi danh ở Porto, có lẽ họ sẽ phải lòng Diego Simeone theo cách như vậy.

Ngay lúc này, người yêu bóng đá đang phát cuồng vì Diego Simeone, kể từ sau khi giúp Atletico Madrid đánh bại Barcelona ở Tứ kết Champions League, ông đã thổi một làn gió mang hơi hướm của cá tính bụi bặm, rắn rỏi và cũng đầy cuồng nhiệt lan tỏa khắp thế giới. Sức lan tỏa của Simeone thật ra đã bắt đầu từ rất lâu rồi.

Khi còn ở Argentina...

...Simeone đã nói “Nỗ lực của tập thể luôn cao hơn mỗi cá nhân” khi đến sân Monumental của River Plate, chỉ 16 tháng sau khi giúp Estudiantes giành chức vô đầu tiên sau 23 năm trắng tay, hồi sinh Juan Veron (ấn tượng đến mức Diego Maradona đã gọi lại cầu thủ có biệt danh “phù thủy nhỏ” để tham dự World Cup 2010).


Diego Simeone đã giúp River Plate giành Clausura 2008

Tập thể là nguyên tắc quan trọng nhất của El Cholo, nhờ nguyên tắc này, ngay lập tức ông đưa River Plate giành Clausura 2008 chỉ với một người hết thời khác là Ariel Ortega, cùng hai tiền đạo lúc đó còn vô danh Radamel Falcao và Alexis Sanchez. Dưới bàn tay của Simeone, River Plate chơi với sơ đồ khá kì lạ 3-3-3-1 và sự cơ động của nó (nhiều chuyên gia tin rằng đây là sơ đồ phòng ngự), đã giúp River chơi tấn công để tìm bàn thắng và kết liễu đối thủ hơn là phòng ngự chặt. Kết cấu của River Plate sau này được Diego Simeone phát triển mạnh mẽ hơn ở châu Âu với mục tiêu: Hoặc là có tất cả, hoặc không gì cả, hoặc đến trước hoặc về sau.

“Tôi thích chơi bóng hay hơn là chơi hấp dẫn”, HLV người Argentina nhắc lại về cách các câu lạc bộ Argentina mà ông huấn luyện đã chơi, như một phương châm làm việc cốt lõi. Hàm ý ở đây là cách vận hành chiến thuật, pressing, vây ráp, giành bóng, tấn công, tất cả phải được thực hiện một cách chính xác, gọn gàng và mang lại hiệu quả tối ưu, kể cả đó là tấn công hay phòng ngự phản công.

Rồi tới Italy và Tây Ban Nha...

...Simeone tổng kết kinh nghiệm sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp Catania tránh xuống hạng ở mùa bóng 2011 bằng câu nói mà sau này trở thành kim chỉ nam ở Atletico Madrid: “Lúc đầu tôi luôn muốn chơi tấn công, nhưng sau đó, tôi học được cách suy nghĩ rằng, làm sao để chiến thắng nhờ vào sự cân bằng của hệ thống phòng ngự mới là điều tốt nhất”. Cách tổ chức phòng thủ của Atletico Madrid trở thành hình mẫu để các chuyên gia nghiên cứu (đăc biệt trong các trận gặp Barcelona hay Real Madrid), được gọi là phương pháp “Gutter – ball” (đại ý buộc đối thủ phải chuyển bóng ra hai biên) với ba bước. Một là, không cho các hậu vệ của đối thủ đưa bóng vào giữa sân (một tiền đạo và tiền vệ tổ chức như Koke, gây áp lực cho các trung vệ để buộc đối thủ chuyền bóng ra cho biên. Hai là khi bóng ở biên, các cầu thủ tạo ra sự vượt trội về nhân sự, vây ráp bóng, gây áp lực mạnh để buộc người nhận bóng của đối thủ phải mắc sai lầm, hoặc cắt được bóng trong tình huống 3 chọi 1. Ba là tập trung phòng ngự số đông ở trung lộ, quanh vòng cấm địa, và khiến đối thủ chỉ có khoảng không gian chơi bóng nhỏ hẹp từ vạch giữa sân đến mép vòng cấm địa. Nhưng ngược lại, họ có thể tấn công từ bất kì điểm nào từ phần sân nhà, khi có khoảng trống lớn hơn ở phía trước mặt.


5 danh hiệu từ khi tới Atletico Madrid vào năm 2011, đã đặt Simeone trở thành HLV thành công nhất trong lịch sử câu lạc bộ.

Tóm lại, hệ thống phòng ngự của Simeone là giảm thiểu rủi ro và đặt đội bóng của ông vào những vị trí có khả năng gây tổn thương cho đối thủ. “Tôi muốn một đội bóng với sự tận tụy”, là kế hoạch của Simeone dành cho Atletico Madrid. Theo đó, mọi cầu thủ phải đáp ứng được các tiêu chí như tận tâm, không nản chí, quyết tâm và mạnh mẽ, “một cầu thủ phải chạy, tập luyện, tôn trọng đối thủ và hiểu được tầm quan trọng của trí thông minh trong mỗi trận đấu”. 5 danh hiệu từ khi tới Atletico Madrid vào năm 2011, đã đặt Simeone trở thành HLV thành công nhất trong lịch sử câu lạc bộ.

Chờ Diego Simeone viết cổ tích cho Atletico Madrid

Chờ Diego Simeone viết cổ tích cho Atletico Madrid

Bayern Munich và Real Madrid được đánh giá cao hơn phần còn lại. Nhưng trong mắt của phần đông người hâm mộ trung lập, Atletico rất xứng đáng để vô địch Champions League mùa này.


Mourinho theo kiểu Simeone

Người ta nhìn thấy ở Simeone sức ảnh hưởng giống Passarella, khả năng đọc trận đấu và tính cạnh tranh của Carlos Bilardo, phương pháp huấn luyện hấp dẫn và lối chơi mạnh mẽ của Bielsa hay sự linh hoạt của Alfio Basile. Cách thức tổ chức đội bóng của Simeone được coi là gần với Bielsa hơn cả, nhưng ở chi tiết, tinh thần và cách truyền đạt ý tưởng tới các cầu thủ, HLV 46 tuổi này được coi là uyển chuyển và phù hợp hơn nhiều.

Tuy nhiên đừng tin ông là mẫu HLV đứng sau đội bóng giống như kiểu Claudio Rainieri hay để các học trò tự quyết định cách chơi bóng như Arsene Wenger. Dù luôn khẳng định, tập thể cao hơn mọi cá nhân, nhưng ở đây chúng ta lại thấy một Diego Simeone theo chiều hướng đối lập hoàn toàn hợp lý, là một người theo chủ nghĩa cá nhân hơn ai hết, giống như cách mà Jose Mourinho thường thể hiện.

“Khi Cholo huấn luyện viên tới, mọi người có thể nghĩ về các Cholo cầu thủ”, ông viết trong cuốn sách The Simeone Effect (Tạm dịch; Ảnh hưởng của Simeone). Nghĩa là, HLV người Argentina luôn áp đặt cái tôi của mình vào đội bóng và tất cả phải tuân thủ, cũng như chiến đấu hết mình mọi yêu cầu mà Simeone đặt ra.


HLV người Argentina luôn áp đặt cái tôi của mình vào đội bóng và tất cả phải tuân thủ

Đó cũng là lí do vì sao, ông có thể làm việc với nhóm những cầu thủ có chất lượng, đẳng cấp khác nhau. Tạo ra những nhóm hạt nhân của đội bóng, ở đó có sự kết hợp giữa những cựu binh kiểu Juan Veron, Ortega với những tài năng trẻ như Falcao, Alexis Sanchez (thời ở Argentina). Hoặc Gabi, Tiago, Godin với Koke, Carrasco và Saul Niguez. Điều cốt yếu là Simeone buộc các học trò phải chơi theo cách mà ông cho là tốt nhất, và các cầu thủ sẽ thấy rằng họ giỏi hơn những gì đã biết về bản thân mình. HLV 46 tuổi này cũng xây dựng một tập thể dựa trên sự thân thiết mà không cần phải đưa ra áp lực nào. Chẳng hạn như ở các bữa ăn, Diego Simeone muốn các cầu thủ ngồi ăn quanh một chiếc bàn lớn, nhìn thấy nhau hơn là để họ ngồi theo nhóm ở các bàn nhỏ hơn.

Simeone đã giúp Atletico hồi sinh ra sao?

Simeone đã giúp Atletico hồi sinh ra sao?

Dưới bàn tay của Diego Simeone, Atletico Madrid bỗng chốc sáng bừng hy vọng vô địch La Liga và dưới đây là 4 quyết sách mà HLV người Argentina đã khiến đội bóng của mình hồi sinh.


Phương pháp quản lý và làm việc này không chỉ giúp các cầu thủ đạt tới trình độ cao nhất của họ mà còn giúp các cầu thủ trẻ tạo ra bước đột phá mạnh mẽ về sự nghiệp. Chúng ta nhìn thấy điều đó ở Falcao, Sanchez trước đây, hay Koke, Carrasco và Saul Niguze lúc này. Và dù cho phương pháp làm việc và cách chơi của Atletico Madrid có thể không phải là kiểu mẫu để các đội bóng khác học tập, nhưng đằng sau lớp vỏ xù xì của mỗi chiến thắng, Simeone được coi là một trong số ít những HLV được thèm khát nhất thế giới thời điểm hiện tại.

Kiểm soát bóng ít, tắc bóng nhiều hơn

Trung bình mỗi mùa, tỉ lệ kiểm soát bóng của Atletico Madrid chỉ là 48,9%, một con số không tương xứng với thành công đạt được trên sân cỏ. Nhưng đội bóng này rất giỏi tắc bóng. Họ là câu lạc bộ tranh bóng số 1 ở La Liga, trung bình mỗi trận, các học trò của Simeone giành chiến thắng trong 24,6 cú tắc bóng, cao hơn 20% so với các đội còn lại của giải đấu

Triết lý cá tính là số 1

Khi được hỏi về triết lý của mình có giống với Jose Mourinho không, HLV có biệt danh El Cholo trả lời rằng, “ý tưởng của tôi đơn giản chỉ là chiến thắng, tôi không biết những người khác thế nào, cái bạn cần là có những cầu thủ cá tính ở trên sân để giúp bạn được được mục tiêu, đó mới là cách để chiến thắng”. Sau trận tứ kết lượt về với Barcelona, HLV người Argentina tỏ ra “sâu sắc” hơn, “tôi tin vào những giá trị của cuộc sống, tôi cảm thấy tự hào vì đã có những chàng trai đáng được tôn trọng như vậy, họ có sự kiên trì và đưa tôi vượt qua những thời khắc khó khăn này”.

Nguyên tắc thành công

Các chuyên gia đã tổng kết phương pháp làm việc của HLV Diego Simeone bằng những nguyên tắc cơ bản như sau: Bố trí đội hình thấp, tạo ra một không gian chật hẹp trên sân, điều đó giúp họ ngăn cản được các đối thủ tạo cơ hội ghi bàn; Các cầu thủ chỉ được phá vỡ trạng thái phòng ngự để giành bóng khi nhận thấy có khả năng thành công cao và giảm thiểu được những rủi ro từ việc mất vị trí (lúc này, cả đội sẽ phải di chuyển lên cùng nhau vì khi hệ thống phòng ngự bị tạm thời gián đoạn, họ phải cùng nhau khắc phục); Khi đoạt được bóng, phải chuyền thật nhanh cho tiền đạo thực hiện một pha phản công chớp nhoáng, để khai thác vào khoảng trống và sự mất cân bằng của đối thủ; Mọi cầu thủ phải hỗ trợ phòng ngự và hi sinh lợi ích cá nhân để giúp đội bóng hoạt động hiệu quả.

20 năm nữa nhé Argentina

El Cholo trả lời thẳng thừng với tờ El Grafico về việc có dẫn dắt tuyển Argentina hay không, rằng “tôi sẽ làm HLV đến năm 65 tuổi, và nếu tất cả vẫn muốn làm HLV đội tuyển quốc gia, tôi sẽ nhận lời vào năm 60 tuổi, thời điểm đó là thích hợp nhất”.

Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm