Barcelona: Đã làm Chủ tịch là phải có scandal?

18/07/2015 20:04 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Trải qua 40 đời chủ tịch, kể từ nhà thể thao người Thụy Sỹ Joan Gamper năm 1908 đến người đầu tiên được chọn thông qua bầu cử Josep Luis Nunez, dường như không đời chủ tịch nào của Barca thoát khỏi đấu đá nội bộ và những bê bối tài chính. Chính vì thế, cuộc bầu chọn Chủ tịch CLB đang được xem là số 1 thế giới này diễn ra vào ngày 18/7 tới trở thành điểm nóng của làng túc cầu.

Không dính đến rắc rối tiền bạc thì Nunez (làm chủ tịch từ 1978 đến 2000) bị chỉ trích về chuyên môn khi không đãi ngộ tương xứng với những cầu thủ lớn Diego Maradona, Ronaldo, Bernd Schuster, Hristo Stoichkov, Luis Figo… bất chấp ông là Chủ tịch giàu thành tích nhất trong lịch sử CLB với 7 chức vô địch Liga, 1 cúp Champions League và 6 cúp Nhà Vua TBN…

Thành công trên sân cỏ như Joan Laporta lại bị tố “độc tài”. Nhà kinh tế tài ba Sandro Rosell mắc những sai lầm tài chính ấu trĩ về chuyển nhượng. Josep Maria Bartomeu bị báo thân Madrid, Marca, đánh giá là Chủ tịch tệ nhất trong lịch sử CLB từ năm 1908… Họ đã mắc những sai lầm gì?

Joan Gaspart (nhiệm kì từ 2000-2003)

“Tôi chưa bao giờ là một Chủ tịch tốt”, Joan Gaspart thốt lên khi nợ nần và thành tích sân cỏ bê bết khiến ông phải từ chức. Ông lên thay Chủ tịch Nunez vào tháng 7/2000 sau khi nhận được 54,87% phiếu bầu, chiến thắng tỉ lệ 43,13% của đối thủ Lluis Bassat. Gaspart đi lên từ chức Phó Chủ tịch, trở thành chủ tịch thứ 36 trong lịch sử CLB.


Gaspart chi 200 triệu euro mua cầu thủ để xây dựng một đội hình thiếu cân bằng

Ba năm với ông diễn tiến trong sự bế tắc cùng cực. Gaspart chi 200 triệu euro mua cầu thủ để xây dựng một đội hình thiếu cân bằng. Luis Figo rời Barca sang Real Madrid là vụ scandal tày trời không thể gột rửa. Gaspart mua Marc Overmars từ Arsenal với giá 36 triệu euro, đắt nhất trong lịch sử CLB cho đến khi Zlatan Ibrahimovic phá kỉ lục vào năm 2009, được cho để làm đối trọng với Zinedine Zidane của Real. Nhưng cả Overmars, và sau này Juan Roman Riquelme đến thay Rivaldo năm 2002, đều thất bại.

Trong giai đoạn Gaspart làm Chủ tịch, Real Madrid giành 1 cúp Champions League, 2 cúp La Liga, còn Barcelona ngụp lặn trong nợ nần.

Joan Laporta (nhiệm kì từ 2003-2010)

Joan Laporta được xem là Chủ tịch thành công trong lịch sử Barcelona. Ông được nhận xét là người quyết đoán, tỉnh táo. Sau khi lời hứa mua David Beckham lúc tranh cử năm 2003 không thành vì Becks quay mặt đến Real Madrid, Laporta mua Ronaldinho từ PSG, bổ nhiệm Frank Rijkaard để kéo đến chu kì thành công cho CLB.


Joan Laporta được xem là Chủ tịch thành công trong lịch sử Barcelona

Tuy vậy, ông cũng không thể tránh khỏi những scandal. Tháng 6/2005, năm thành viên của hội đồng giám đốc CLB xin từ chức, trong đó có Sandro Rosell. Các thành viên cáo buộc Laporta lạm dùng quyền hành. Tháng 10, Laporta đối diện scandal mới khi ngườinhà Alejandro Echavarria bị phát hiện nằm trong một tổ chức của trùm độc tài Francisco Franco, khiến Laporta phải miễn cưỡng cho Echavarria từ chức. Scandal này ảnh hưởng rất mạnh đến con đường chính trị của Laporta, người tự nhận mình là người theo chủ nghĩa dân tộc Catalunya và ủng hộ Cataluyna tách khỏi Tây Ban Nha.

Thành tích sân cỏ kém cỏi khiến Joan Laporta đối diện cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 7/2008, do Oriol Giralt cầm đầu.

Sandro Rosell (từ 2010 đến 2014)

Vụ mua Neymar từ Santos năm 2013 tưởng là chiến thắng vĩ đại của Sandro Rosell, hóa ra lại là thất bại hủy hoại ông. Giá chuyển nhượng không chỉ là 57,1 triệu euro như Barcelona thông báo mà bao gồm cả chục phụ phí khác. Trong số 57,1 triệu, Barca trả cho Santos 17,1 triệu, công ty N&N do cha Neymar sở hữu 40 triệu. Trong số 17,1 triệu, Santos nhận 55%, hai công ty SONDA và TEISA nhận lần lượt 40 và 5%.


Vụ mua Neymar từ Santos năm 2013 là thất bại hủy hoại Sandro Rosell

Ngoài ra, Barca còn phải trả thêm rất nhiều loại tiền nữa. 2 triệu euro cho Santos nếu Neymar giành Quả bóng Vàng; 2,6 triệu euro tiền hoa hồng cho người đại diện, 10 triệu euro phí kí hợp đồng, 9 triệu euro cho quỹ từ thiện của Neymar… Nếu không tính 44 triệu euro trả lương cho toàn bộ hợp đồng, giá trị Neymar vào khoảng 86,2 triệu euro.

Chính bê bối này khiến Sandro Rosell phải từ chức Chủ tịch CLB và cho đến bây giờ vẫn chưa thoát khỏi kiện tụng lên quan đến thuế má. Rosell vốn nằm trong ban bệ của Joan Laporta, người được giao thực hiện thương vụ David Beckham năm 2003, nhưng thất bại (dù Rosell có lúc tuyên bố khả năng thương vụthành công là 80%).

Josep Maria Bartomeu (từ 23/1/2014)

Cú ăn ba mùa giải qua minh chứng rất thuyết phục cho năng lực của ông Josep Maria Bartomeu. Làm chủ tịch Barcelona trong giai đoạn nhiễu nhương vì Sandro Rosell từ chức, Bartomeu cho thấy ông không hiền lành như vẻ bề ngoài. Ông kiên quyết giữ lại Luis Enrique dù vào tháng 1/2015, HLV này bị chỉ trích vì tạo ra mâu thuẫn với Lionel Messi. Ông sa thải Giám đốc thể thao Andoni Zubizarretta và cơ cấu lại toàn bộ ban giám đốc.


Cú ăn ba mùa giải qua minh chứng rất thuyết phục cho năng lực của ông Josep Maria Bartomeu

Là Phó Chủ tịch thời Rosell, Bartomeu phủ nhận mình có trách nhiệm trong bê bối chuyển nhượng Neymar và việc CLB bị FIFA cấm chuyển nhượng.

Ông rất chủ động khi tuyên bố CLB sẽ bầu cử chủ tịch sớm và đích thân ông ra tranh cử. Bartomeu đi nước cờ bất ngờ khi mua Arda Turan giá 34 triệu euro từ Atletico Madrid, bất chấp CLB bị cấm chuyển nhượng đến tháng 1/2016. Vụ này bị các ứng viên Joan Laporta, Augusti Benedito và Toni Freixa chỉ trích. Bartomeu dửng dưng: “Chúng tôi thế đấy. Thích mua ai là mua người đấy”. Chính sự quyết đoán ấy đang giúp Bartomeu trở thành ứng viên nặng kí trong cuộc tranh cử lần này.

Những ứng viên tranh cử 2015


Josep Maria Bartomeu: Sinh năm 1963. Là Giám đốc điều hành của công ty hàng không ADELTE. Ông vốn là thành viên trong ban điều hành của Joan Laporta trước khi rút lui vì mâu thuẫn. Ông làm PCT thời Sando Rosell trước khi lên làm Chủ tịch từ tháng 1/2014 vì Rosell từ chưc sau bê bối chuyển nhượng Neymar. Bartomeu đã mua Arda Turan, huy động được 8.554 chữ kí ủng hộ.

Joan Laporta: Sinh năm 1962. Là luật sự và chính trị gia. Ông lãnh đạo nhóm “Con voi xanh” chống lại cựu Chủ tịch Josep Nunez vào năm 1998, sau đó đắc cử chủ tịch năm 2003 và làm đến 2010. Ông bị cáo buộc “độc tài”. Ông hứa mua Paul Pogba nếu đắc cử. Ông được 4.271 chữ kí ủng hộ và được cho là đã lôi kéo hai ứng viên Freixa, Benedito về phía mình.

Toni Freixa: Sinh năm 1968. Có bằng Luật ở đại học Barcelona và hiện là Giáo sư ở trường này. Đã từng làm người phát ngôn thời cựu Chủ tịch Sandro Rosell. Năm 2000, ông ủng hộ Lluis Bassat trong vai trò tình nguyện viên nhưng sau đó lại tham gia ban điều hành của Joan Laporta (đối thủ tranh cử sau này của Bassat) từ năm 2003-2005. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ việc tập trung toàn lực đầu tư vào học viện La Masia. Ông đã huy động được 3.068 chữ kí ủng hộ.

Augusti Benedito: Sinh năm 1964. Ông là doanh nhân sản xuất, sửa chữa ô tô. Là thành viên trong ban điều hành của Joan Laporta từ năm 2003, nhưng Benedito từ chức vào năm 2009 vì bất đồng. Năm 2010, ông cũng ra tranh cử nhưng chỉ giành 14,09% phiếu bầu (8.044 người bầu chọn). Sandro Rosell chiến thắng với 61,35% phiếu bầu. Năm nay, Benedito đã huy động được 3.367 chữ kí hội viên để ra tranh cử. Nếu lên làm chủ tịch, ông sẽ bán lại Arda Turan cho Atletico Madrid và hứa mua Marco Verratti từ PSG.

Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm