Dortmund: Lùi một bước, để tiến nhiều bước

27/02/2014 08:34 GMT+7 | Borussia Dortmund

(Thethaovanhoa.vn) -  Rũ bỏ quan niệm “phải tấn công cống hiến” và chấp nhận đá phòng ngự phản công, Dortmund đã đè bẹp Zenit 4-2 ngay trên sân khách.

Đoàn quân của huấn luyện viên (HLV) Juergen Klopp đã thi đấu ấn tượng đến mức sau trận đấu, HLV Luciano Spalletti phải thừa nhận Zenit của ông còn quá ngây thơ so với Dortmund.

Quá nhanh, quá nguy hiểm

Thay vì chơi đôi công như thường lệ, Dortmund đã chủ động chơi phòng ngự phản công, áp sát Zenit ngay từ phần sân đối phương. HLV Klopp thậm chí còn cho “gà son” Pierre-Emerick Aubameyang (đã ghi 5 bàn từ đầu lượt về, nhiều nhất Dortmund) ngồi dự bị và để Kevin Grosskreutz đá chính nhằm phong tỏa cơn lốc Hulk.

Nhờ có chiến thuật hợp lý, Dortmund đã kiểm soát được thế trận dù giữ bóng kém đội chủ nhà tới 20%. Các đợt lên bóng của Zenit hầu hết bị ngăn chặn từ giữa sân, cả trận chỉ tung được 5 cú sút trúng đích. Hai bàn thắng của đội bóng Nga cũng đến khá may mắn chứ không phải là những tình huống phối hợp xuất sắc.

Trong khi đó, các đợt lên bóng của Dortmund lại được tổ chức rất sắc sảo, gần như hoàn hảo cả về tốc độ lẫn sự chính xác. Chỉ sau 5 phút đầu, Dortmund đã dẫn trước 2-0 nhờ những pha phối hợp nhanh như điện xẹt. Như ở bàn thắng thứ nhất, Marco Reus đã đi bóng chóng mặt bên cánh phải rồi tạo điều kiện để Henrikh Mkhitaryan mở tỷ số.

Hai bàn thắng còn lại của Robert Lewandowski cũng diễn ra với tốc độ rất cao với sự tham gia của chỉ 2 cầu thủ. Ở bàn thứ 3, Lewandowski phối hợp với Lukasz Piszczek còn ở bàn thứ 4, được Reus dọn cỗ. "Chúng tôi đã mắc quá nhiều sai lầm ngớ ngẩn và bị trừng phạt. Không thể mắc những lỗi như vậy trước một đối thủ cỡ Dortmund", HLV Spalletti phải cay đắng thừa nhận sau trận đấu.

Hãy thoát khỏi những quan niệm

Từ lâu, Dortmund được mặc định là đại diện tiêu biểu của trường phái tấn công. Với các khán giả, mỗi trận đấu của Dortmund phải là một ngày hội với những pha dàn xếp tấn công như trong sách giáo khoa. HLV Klopp thường xuyên đăng đàn khẳng định “bóng đá phải như chất kích thích” hay “tôi muốn các cầu thủ phải bầm dập sau mỗi trận đấu”.

Nhưng đó là lối chơi tiêu hao rất nhiều thể lực và khiến nhiều trụ cột của Dortmund phải nhập viện dài ngày. Ở cuối lượt đi, HLV Klopp từng phải sử dụng hàng thủ chắp vá do cả 4 trụ cột đều dính chấn thương. Tình trạng này khiến Dortmund từ đối trọng của Bayern bỗng hóa một đội bóng bình thường, đã kém “gã khổng lồ xứ Bavaria” tới 20 điểm chỉ sau 22 trận.

Dortmund thực tế là một bậc thầy của lối chơi phòng ngự phản công. Họ chơi tốc độ, sự chính xác và khoa học. Thực tế, Dortmund vừa hạ Zenit ngay trên sân khách và mùa trước, đã vào tới chung kết Champions League cũng nhờ miếng đánh này. Đến Real Madrid cũng phải cực kỳ vất vả và phải nếm chịu thất bại trước thầy trò Juergen Klopp, khi đội bóng Vàng đen chịu đá cửa dưới.

Lối chơi cống hiến là giấc mơ của nhiều người nhưng không phải đội bóng nào cũng có thể theo đuổi, nhất là với cường độ liên tục. Ngay cả Pep Guardiola, hình mẫu được Klopp nghiên cứu, dù sở hữu lực lượng vô cùng hùng hậu cũng nhiều lần chấp nhận để Bayern chơi thực dụng, miễn sao giành chiến thắng.

Lâu nay, Dortmund đã bị mắc kẹt trong quan niệm "tấn công cống hiến" và nhiều lần chịu áp lực quá lớn với kỳ vọng này. Chiến thắng trước Zenit có thể sẽ là một bài học với thầy trò HLV Klopp: Đôi khi họ cũng cần rũ bỏ các định kiến. Vào thời điểm này, phòng ngự phản công là giải pháp chiến thuật phù hợp.

2 Trong lịch sử Champions League, chưa có đội bóng nào lội ngược dòng sau khi bị đánh bại 2 bàn cách biệt trên sân nhà.

3 Nếu muốn đi tiếp, Zenit phải giành chiến thắng với 3 bàn cách biệt. Đây không phải là điều dễ dàng bởi mùa này, Dortmund mới 1 lần thất bại trên sân nhà với tỷ số 0-3 trước Bayern.

4 Đây mới là lần thứ 2 ghi được 4 bàn trong 1 trận đấu trên sân khách tại Champions League (lần trước là trận gặp Ajax). Trong cả 2 trận, Dortmund đều kiểm soát bóng ít hơn đối thủ.


Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm