Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2020: Đóng băng vì Covid-19? Không!

05/10/2020 11:20 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá có thể bị tác động bởi đại dịch Covid-19 nhưng điều đó không có nghĩa thị trường chuyển nhượng sẽ đóng băng, dù thực tế có rất nhiều CLB bị ảnh hưởng tài chính, khi 2,5 tỉ bảng đã được luân chuyển.

Khi nào thị trường chuyển nhượng Hè 2020 đóng cửa?

Khi nào thị trường chuyển nhượng Hè 2020 đóng cửa?

Ngày 5/10 được chốt là thời điểm đóng cửa thị trường chuyển nhượng ở các giải đấu lớn hàng đầu châu Âu, khép lại một phiên chợ nhộn nhịp bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đợt bùng phát virus corona bắt đầu vào tháng 3 đã làm gián đoạn lịch thi đấu bóng đá nghiêm trọng, với tất cả các trận đấu bị tạm dừng trong 3 tháng để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Mở muộn, đóng muộn

Thậm chí, đại dịch đã khiến bóng đá trên toàn thế giới phải lùi lại mùa giải của họ cho đến khi tình hình đủ an toàn để tất cả tiếp tục diễn ra, với phần lớn các giải đấu châu Âu kết thúc mùa giải 2019-20 vào mùa hè. Chính việc mùa giải kết thúc muộn đã thay đổi bản chất của kỳ chuyển nhượng mùa hè, khi thời gian các CLB mua và bán cầu thủ đều phải được kéo dài để phù hợp với ngày mở màn và kết thúc mới của giải đấu.

Cụ thể hơn, thị trường chuyển nhượng tại Anh mở vào thứ Hai ngày 27/7, thay vì trong tháng 6. Cùng lúc, không có gì ngạc nhiên khi thị trường chuyển nhượng Premier League, La Liga và Ligue 1 đóng cửa lúc 11 giờ đêm (giờ GMT) vào ngày 5/10 tới. Tính ra, thời gian đóng cửa thị trường đã bị lùi lại một tháng so với ngày kết thúc ban đầu là ngày 1/9 do sự gián đoạn vì đại dịch Covid-19 gây ra.

Thực tế thì kì chuyển nhượng mùa hè 2020 sẽ đóng cửa vào ngày 5/10 tại Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức (Bundesliga) và Italy (Serie A), có nghĩa là tất cả 5 giải đấu hàng đầu châu Âu đều đồng bộ khóa sổ đội hình.

Tuy nhiên, thời hạn đóng cửa với cầu thủ của Serie A sẽ diễn ra lúc 7 giờ tối (giờ GMT) và thời hạn đóng cửa cho các đội bóng ở Bundesliga vào lúc 5 giờ chiều (giờ GMT).

Trong khi đó, tại các nước châu Âu khác sẽ có một số dao động nhỏ. Chẳng hạn như ở Hà Lan, kỳ chuyển nhượng mùa hè đóng cửa vào ngày 6/10, và ở Bồ Đào Nha, kỳ chuyển nhượng đóng cửa vào ngày 25/10. Tại Nga, kì chuyển nhượng kết thúc vào ngày 17/10.

Chú thích ảnh
Chelsea đã mua sắm rầm rộ ở mùa hè vừa qua

Điều đáng nói là các CLB vẫn nhận được “thời gian gia hạn” ngắn hạn trong 1 giờ sau khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa - 5 giờ chiều ngày 5/10 - miễn là họ gửi một tờ giao dịch.

Tờ giao dịch chỉ có thể được sử dụng trong hai giờ trước thời hạn và nó phải được liên đoàn nhận được trước khi thời hạn chót trôi qua.

Điều này cho phép các CLB hoàn thành thông tin theo yêu cầu của Hệ thống đối sánh chuyển nhượng của FIFA để có được giấy phép quốc tế cho cầu thủ của họ. Ngược lại, nếu tờ giao dịch không được gửi kịp thời, vụ chuyển nhượng có thể đổ vỡ.

Ai bảo là khủng hoảng?

Thống kê cho thấy, 5 giải đấu hàng đầu châu Âu đã chi hơn 2,5 tỷ bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, trong đó hơn 1 tỷ bảng đến từ Premier League của Anh, bất chấp những tác động tài chính ảnh hưởng đến các CLB vì đại dịch Covid-19 gây ra.

Thế mới nói, con số 2,5 tỉ bảng, được ghi lại theo tương tác chuyển nhượng của tờ Guardian, là rất đáng chú ý do sự sụt giảm doanh thu có thể được cảm nhận trên toàn lục địa kể từ khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng vào mùa xuân, đặc biệt liên quan đến việc không có khán giả. Đương nhiên, Premier League một lần nữa dẫn đầu: Trang web transfermarkt.co.uk thống kê có 1,03 tỉ bảng đã được các đội bóng hàng đầu nước Anh chi ra kể từ khi thị trường chuyển nhượng mở cửa vào ngày 27/7, một con số được thúc đẩy bởi sự trở lại thị trường một cách nghiêm túc của Chelsea sau khi lệnh cấm chuyển nhượng của họ hết hiệu lực.

Các con số rồi sẽ còn tăng trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa vào thứ Hai tới và chắc chắn sẽ để lại vị đắng trong miệng của nhiều người hâm mộ trong thời điểm Premier League dè dặt cung cấp một gói cứu trợ cho Football League.

Khoảng cách giàu nghèo đúng là không thể được san lấp, khi mà sự xuất hiện của thủ môn Edouard Mendy vào tuần trước đã nâng mức chi tiêu của Chelsea lên đến 225,1 triệu bảng, trong đó riêng 72 triệu bảng được chi cho tiền vệ người Đức là Kai Havertz, một con số kỉ lục của đội chủ sân Stamford Bridge. Man City cũng bận rộn khi chi hơn 127 triệu bảng cho các tân binh - Ferran Torres (24,5 triệu bảng), Nathan Ake (41 triệu bảng) và tuần này là Ruben Dias (62 triệu bảng). Nên nói thêm, sự xuất hiện của Dias từ Benfica đồng nghĩa là Man City đã chi hơn 400 triệu bảng cho các hậu vệ kể từ khi Pep Guardiola có mặt tại Etihad vào năm 2016.

Đương nhiên, trong thời buổi cả thế giới phải đối mặt với virus corona thì rất khó để mức chi trên thị trường chuyển nhượng châu Âu vượt qua con số kỉ lục 5 tỉ bảng của mùa hè năm ngoái - khoảng 1,4 tỷ bảng trong số đó đến từ Premier League, theo Deloitte - nhưng các đội bóng chắc chắn sẽ đầu tư nhiều hơn nữa. Ví dụ, MU vẫn quan tâm đến Jadon Sancho và họ sẽ phải bỏ ra 109,6 triệu bảng cho Dortmund nếu muốn có cầu thủ chạy cánh người Anh trước thời hạn tối thứ Hai.

Cho dù thỏa thuận đó có thành công hay không, rõ ràng là làn sóng chi tiêu đã diễn ra ở Anh, khiến Premier League nhờ doanh thu từ các hợp đồng thương mại và truyền hình khổng lồ, trở nên miễn nhiễm với tác động tài chính của đại dịch. Tuy nhiên, tại Championship, chi phí chuyển nhượng đã giảm vào 12 tháng trước đó - 77,86 triệu bảng so với 175,06 triệu bảng, theo transfermarkt.co.uk.

Điều này đã giải thích tại sao ở Anh, Bộ trưởng thể thao Nigel Huddleston mới đây một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi của chính phủ đối với Premier League trong việc hỗ trợ các CLB ở Football League, như kiểu muốn có đỉnh kim tự pháp thì phải có đáy kim tự tháp thật vững chắc, ổn định.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm