Bóng đá trở lại sau dịch Covid-19: Dù sao, bóng cũng đã lăn

21/05/2020 06:04 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Những sân bóng không có khán giả, và sự có mặt của họ trên khán đài được thay thế bằng những tấm bìa có in hình họ. Những màn ăn mừng bàn thắng được thực hiện theo đúng kiểu giãn cách xã hội, tức là chia vui cách nhau cả mét. Những cầu thủ ngồi dự bị cũng cách nhau khá xa, trong khi đội hình chính không đi ra từ đường hầm, mà xuống sân (theo đúng nghĩa của từ ấy) bằng cầu thang dùng cho ngành hàng không ở sân bay. Tất cả diễn ra trên những khoảng trống trở nên khổng lồ bởi không có khán giả, khiến các cầu thủ trở nên nhỏ bé và dường như cô độc trong suốt 90 phút.

Premier League tái xuất: Rất dài và rất xa

Premier League tái xuất: Rất dài và rất xa

Những người yêu mến Premier League không khỏi sốt ruột khi chứng kiến kế hoạch Project Restart đang có những tín hiệu chững lại. Điều gì khiến Premier League chưa thể đẩy nhanh quá trình tái xuất, khi cột mốc giữa tháng Sáu không còn xa?

Liệu có ai đó rùng mình khi chứng kiến khung cảnh ấy, và thậm chí, trong một phút chạnh lòng nào đó vì mình không thể có mặt trên khán đài mà phải ngồi trước tivi ở phòng khách nhà mình, có ví von một cách bi kịch rằng, đấy là thứ bóng đá theo kiểu những “hồn ma”? Bundesliga đã trở lại như thế, một thứ bóng đá mà có lẽ không ai trong chúng ta có thể hình dung được nếu không có đại dịch, nhưng dù ta có buồn, thất vọng, thậm chí mỉa mai vì sự “bình thường mới” đang diễn ra, nhưng đó là điều tất cả phải chấp nhận. Bóng đã lăn ở Bundesliga và có thể trở thành một chuẩn mực cho bóng đá đỉnh cao trở lại sau khi đại dịch lắng xuống. Ở Premier League, nơi giá trị thương mại lớn hơn Bundesliga nhiều lần, những cuộc tranh cãi về việc đá thế nào, tập ra sao, lương bổng và các hoạt động khác tiến hành kiểu gì vẫn chưa ngã ngũ, nhưng ít ra người ta đã có thể hình dung ra cách thức tổ chức. Ở Serie A và La Liga, cũng sẽ phải chấp nhận thực tế rằng, đã có rất nhiều điều thay đổi vì đại dịch, và ai cũng sẽ cần làm quen với điều đó.

Chú thích ảnh
Trận Union Berlin-Bayern Munich 0-2 với những khán đài không khán giả

Đúng là không có khán giả trên khán đài, không khí, màu sắc và cái hồn của bóng đá đã mất đi. Những màn ăn mừng kiểu giãn cách nhìn giống màn flashmob của người máy khô khan và lạnh lùng. Những khung cảnh sân đấu nhìn trên tivi thật trống trải và buồn tẻ. Đúng, đấy là một thứ bóng đá khác với những gì ta đã quen, nhưng nó không giả tạo và vẫn kịch tính, hấp dẫn, và rồi, khi chính bản thân các cầu thủ đã quen với sự “bình thường mới”, với nhịp độ của thứ bóng đá ấy và hoàn cảnh cho phép, khi đại dịch đã chấm dứt, thứ bóng đá thực sự không rào cản, không giãn cách sẽ trở lại. Ngày đó sẽ đến, nhưng chưa phải bây giờ, khi người Đức sẵn sàng đốt cháy giai đoạn và chấp nhận rủi ro để giải trở lại thi đấu những vòng cuối. Không ai dám chắc là quá trình này sẽ kéo dài bao lâu, có thể đến cả mùa giải tới không, và những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi có lây nhiễm giữa các cầu thủ sau các tranh chấp trên sân, nhưng tháng tới, khi lần lượt Premier League, Serie A và La Liga trở lại, đấy sẽ là khung cảnh quen thuộc. Liệu có sự “sáng tạo” nào khác ở các giải đấu ấy không, không ai biết, nhưng dù thế nào đi nữa, vẫn phải cám ơn người Đức vì những gì họ đã và đang làm ở Bundesliga.

Ở Ý, người ta bảo rằng, một tháng trước, sẽ là vô cảm nếu chỉ nói về việc bóng đá nên trở lại thế nào. Khi ấy, hình ảnh về đoàn xe quân sự chở quan tài của các nạn nhân Covid ở Bergamo đã ám ảnh kinh khủng. Hiện tại, mỗi ngày, số người chết tại Italy vẫn ở mức hai con số, nghĩa là không ít. Nhưng chính bóng đá lại đang được chờ đợi như một điều có ý nghĩa nhằm đưa cuộc sống ở đây trở lại bình thường, khi phong tỏa toàn quốc đã được nới lỏng. Các CLB đã tập với nhau từ ngày 18/5 và tất cả chờ đợi chính phủ bật đèn xanh cho ngày mà họ sẽ ra sân trở lại, ba tháng sau khi trái bóng ngừng lăn vì đại dịch. Khi ấy, sẽ không khán giả, chắc chắn rồi, sự lãng mạn và chất thơ của bóng đá không còn, nhưng câu hỏi lúc này không phải là “bóng đá không khán giả sẽ ra sao”, cũng không phải là “bóng đá khi trở lại sẽ thế nào”, vì chúng ta đã biết rồi, thấy rồi, ở Bundesliga. Có bóng đá là tốt lắm rồi, chắc chắn thế.

Câu hỏi bây giờ sẽ là, bao giờ khán giả sẽ trở lại, và điều tệ hại nhất, đại dịch liệu có làm thay đổi bóng đá mãi mãi, khiến cho khán giả không bao giờ có thể quay về với các khán đài?

Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm