Vấn đề của MU: Ed Woodward đã mua sắm hỗn loạn thế nào?

08/10/2020 20:10 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa hè 2013, khi Ed Woodward nắm quyền hành về chuyển nhượng thay thế David Gill, MU đã chứng kiến những kỳ chuyển nhượng hỗn loạn và lãng phí. Người đàn ông 48 tuổi đã làm điên đảo Quỷ đỏ ra sao trong các thương vụ mua sắm?

 

Bóng đá hôm nay 8/10: MU từ chối ‘Mane mới’. Messi bí mật gọi điện cho Mourinho

Bóng đá hôm nay 8/10: MU từ chối ‘Mane mới’. Messi bí mật gọi điện cho Mourinho

Bóng đá hôm nay 8/10: MU từ chối cơ hội sở hữu 'Mane mới'. Messi bí mật gọi điện cho Mourinho. Ronaldo làm lành với Ramos. Neymar chấn thương. Lịch thi đấu bóng đá. Trực tiếp bóng đá.

Chữ ký đầu tiên của MU dưới bàn tay của Woodward là Marouane Fellaini, bản hợp đồng trị giá 27,5 triệu bảng và cũng là tân binh đầu tiên của HLV David Moyes. Thế còn chữ ký gần nhất? Facundo Pellistri, một thương vụ chỉ được hoàn tất 41 phút trước giờ đóng cửa kỳ chuyển nhượng mùa hè ở nước Anh.

Kiệm tiền thời Moyes, vung tiền thời Van Gaal

Chúng ta bắt đầu câu chuyện về vị phó chủ tịch điều hành đương thời từ mùa 2013-14. Fellaini thật ra là lựa chọn cuối cùng trong số những cái tên MU nhắm tới nơi tuyến giữa, từ Cesc Fabregas, Thiago Alcantara cho đến Ander Herrera. Thực tế, MU đã phải ra cao hơn 4 triệu bảng so với số tiền nằm trong điều khoản giải phóng hợp đồng giữa Fellaini và đội bóng chủ quản khi ấy là Everton. Khá hơn một chút, đến kỳ chuyển nhượng mùa đông, MU chiêu mộ thành công Juan Mata từ Chelsea với mức phí 37,1 triệu bảng. Tuyển thủ người Tây Ban Nha hiện tại vẫn đang gắn bó với sân Old Trafford. Nhưng chừng đó không đủ để cữu vãn MU đứng ngoài sân chơi châu lục khi chỉ cán đích thứ 7 chung cuộc, còn David Moyes bị sa thải trước vòng 35.

Vậy còn hai mùa giải tiếp theo dưới triều đại Louis van Gaal thì sao? Mùa 2014-15 chứng kiến hai gương mặt có tên tuổi đổ bộ Old Trafford: Angel Di Maria đến từ Real Madrid với mức phí 59,7 triệu bảng, trong khi Radamel Falcao được mượn về từ Monaco với mức phí chát không khác một thương vụ mua đứt: 16 triệu bảng, cùng những tân binh đáng chú ý khác như Ander Herrera, Luke Shaw, Vanja Milinkovic-Savic, Marcos Rojo và Daley Blind. Mùa kế tiếp là những thương vụ ít hoành tráng hơn về tên tuổi, đáng chú ý nhất phải kể đến Anthony Martial (36 triệu bảng), Memphis Depay (25 triệu bảng) hay lão tướng Bastian Schweisteinger (6,5 triệu bảng). Trong số những cái tên được nhắc đến ở trên, Martial là một trong những chữ ký thành công ít ỏi Ed Woodward mang về đúng vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè 2015, trong lúc tâm điểm chú ý ngày ấy nằm ở việc lỗi máy fax dẫn đến thương vụ David De Gea chuyển đến Real Madrid đổ bể vào giờ chót. Thành tích dưới thời Van Gaal đúng là có tiến bộ ở mùa đầu (vị trí thứ 4, dự Champions League mùa 2015-16), nhưng việc tụt xuống thứ 5 ở mùa sau khiến vị HLV người Hà Lan buộc phải ra đi.

MU, Chuyển nhượng MU, Tin bóng đá MU, Ed Woodward đã mua sắm hỗn loạn thế nào, Ed Woodward, Woodward, chuyển nhượng bóng đá, chuyển nhượng, tin tức chuyển nhượng, bong da
Những chữ ký tiêu biểu của Ed Woodward trong 7 năm dưới 4 triều đại: Fellaini (Moyes), Di Maria (Van Gaal), Pogba (Mourinho) và Telles (Solskjaer)

Chuyển hướng thời Mourinho, chưa biết Solskjaer ra sao?

Hệ quả của việc trải qua ba mùa giải liên tiếp không thu về danh hiệu hay dấu ấn đáng kể nào là ý tưởng chuyển nhượng của MU dưới thời Jose Mourinho chuyển dịch từ dài hạn sang ngắn hạn, từ những cầu thủ trẻ tiềm năng sang các bản hợp đồng phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn. Rõ ràng nhất là trường hợp của Zlatan Ibrahimovic, tiền đạo 35 tuổi chuyển đến MU dưới dạng chuyển nhượng tự do sau khi hết hạn hợp đồng với PSG. Chính Ibrahimovic, chứ không phải một Pogba ngốn tới 89 triệu bảng hay những cái tên khác như Eric Bailly hay Henrikh Mkhitaryan, mới là người góp công đưa MU vô địch Europa League mùa 2016-17. Lúc Ibrahimovic không còn đảm bảo thể lực ở mùa kế tiếp, Mourinho tìm đến những thương vụ nội địa như Romelu Lukaku từ Everton (75 triệu bảng), Nemanja Matic từ Chelsea (40 triệu bảng) hay Alexis Sanchez từ Arsenal (trao đổi cầu thủ với Mkhitaryan), bên cạnh trung vệ Victor Lindelof từ Benfica (31 triệu bảng). Đội ngũ ấy giúp MU có được ngôi á quân Premier League mùa 2017-18, thành tích tốt nhất ở kỷ nguyên hậu Sir Alex Ferguson. Đáng tiếc, chừng đó không đủ để giữ chân Mourinho đi trọn vẹn mùa giải thứ ba, sau những bất đồng khiến vị HLV người Bồ Đào Nha chỉ được cấp thêm Diego Dalot, Fred và Lee Grant.

Nắm quyền thay Mourinho vào tháng 12/2018, Ole Gunnar Solskjaer được bổ sung thêm ba tân binh trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái, đáng chú ý là Harry Maguire, hậu vệ đắt giá nhất thế giới với mức phí lên tới 80 triệu bảng từ Leicester, cùng Daniel James từ Swansea và Aaron Wan-Bissaka từ Crystal Palace. Còn mùa đông năm nay? Bruno Fernandes cùng Odion Ighalo chính là những gì Ed Woodward hỗ trợ cho HLV Solskjaer. Fernandes cho thấy xứng đáng đến từng xu số tiền 47 triệu bảng bỏ ra để mang anh từ Sporting Lisbon, còn Ighalo chơi không đến nỗi nào trong nửa mùa đầu tiên ở Old Trafford. Hiện tại thì sao? Mùa hè vừa qua MU bổ sung 4 trong 5 tân binh vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, trong khi chỉ Donny van de Beek được mua sắm từ trước đó.

Vẫn còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận nào về mùa này dưới thời Solskjaer, nhưng xét về mặt chuyển nhượng, MU một lần nữa lại sa đà vào thói quen mua sắm gấp gáp và vội vã. 15 kỳ chuyển nhượng, Ed Woodward và ban lãnh đạo MU chi không hề ít dưới kỷ nguyên 4 HLV khác nhau, nhưng MU vẫn đang chật vật đi tìm hình hài của một ứng viên vô địch ngày nào.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm