EURO 2020: Bóng đá Anh ầm ĩ chỉ vì chuyện quỳ gối

07/06/2021 07:57 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện quỳ gối trước các trận đấu nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc đang trở thành đề tài náo loạn bóng đá Anh, chứ không phải danh sách nhân sự của thầy trò Gareth Southgate cho EURO 2020. Nghịch lý ấy đến từ đâu?

Đội tuyển Đức tại EURO 2020: Cuộc tấn công vào thành trì Joachim Low

Đội tuyển Đức tại EURO 2020: Cuộc tấn công vào thành trì Joachim Low

HLV người Đức thống trị Champions League trong ba mùa giải liên tiếp, nhưng ngạc nhiên là khởi xướng cho sự trở lại của đội bóng giàu truyền thống bậc nhất thế giới Joachim Low lại gặp vấn đề bởi chính triết lý bóng đá của riêng ông.

1. Hành động quỳ gối trong các sự kiện thể thao vốn được biết tới từ trường hợp của VĐV bóng đá Mỹ Colin Kaepernick đã lan tỏa rất nhanh đến các trận đấu ở Premier League từ cuối mùa trước như một phần trong thông điệp đoàn kết chống phân biệt chủng tộc sau cái chết thương tâm của George Floyd ngày 25/5 năm ngoái.

Có điều, sau sức lan tỏa của thông điệp quỳ gối kia, tình trạng phân biệt chủng tộc ở bóng đá vẫn không hề có dấu hiệu cải thiện. Không nói đâu xa, Ondrej Kudela đã bỏ lỡ cơ hội tham dự EURO 2020 cùng đội tuyển CH Czech sau án phạt lên tới 10 trận từ Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA). Lý do? Tuyển thủ 34 tuổi này đã có những ngôn từ phân biệt chủng tộc hướng về Glen Kamara của Rangers trong trận đấu giữa Slavia Prague và Rangers ở vòng 1/8 Europa League hồi tháng Ba vừa qua.

Ngay bản thân không ít cầu thủ Premier League cũng bắt đầu có động thái không còn ủng hộ hành động quỳ gối chống nạn phân biệt chủng tộc. Wilfried Zaha trở thành cầu thủ đầu tiên đi ngược lại quy luật khi anh vẫn đứng thẳng người ngay trước thời điểm trận đấu giữa West Brom và Crystal Palace diễn ra.

Gần đây nhất, không ít cổ động viên Anh đến theo dõi trận giao hữu giữa đội tuyển Anh và Áo trên sân Riverside đã huýt sáo khi chứng kiến các cầu thủ hai đội quỳ gối ngay trước thời điểm bóng lăn. Đó không phải lần đầu tiên chúng ta thấy những tiếng huýt sáo hay la ó diễn ra vào thời điểm như thế. Trước trận chung kết Cúp FA giữa Leicester và Chelsea trên sân Wembley hồi tháng trước, những âm thanh huýt sáo vẫn được ghi nhận trong lúc cầu thủ hai đội làm thủ tục quỳ gối trước giờ bóng lăn.

Chú thích ảnh
Hành động quỳ gối của các cầu thủ đang phải đón nhận thách thức từ những tiếng la ó của các khán giả

2. Phản ứng của những người trong cuộc hay chuyên gia khi chứng kiến những tiếng la ó xen lẫn vào thời khắc quỳ gối ra sao? Một sự thất vọng không hơn không kém. HLV Southgate khẳng định không ít người hâm mộ đã có cái nhìn sai lệch về hành động quỳ gối chống phân biệt chủng tộc. Vị HLV 50 tuổi này cho rằng những âm thanh huýt sáo hay la ó rõ ràng muốn làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử về màu da hay chủng tộc giữa các cầu thủ trên sân. Kalvin Phillips, tiền vệ góp mặt trong trận gặp Áo, cũng chia sẻ suy nghĩ tương tự khi tỏ ra thất vọng và khó hiểu với những âm thanh la ó tưởng chừng như lạc lõng ở trận giao hữu vừa qua.

Xa hơn, hồi tháng Ba vừa qua, Thierry Henry, cựu cầu thủ Arsenal đã tiết lộ trên trang CNN rằng không ít khán giả dường như đã quên mất lý do vì sao các cầu thủ lại thể hiện thông điệp quỳ gối trước mỗi trận đấu: “Vấn đề nằm ở chỗ mọi người sẽ làm gì để làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn? Đó phải là sự bình đẳng. Việc quỳ gối là một thông điệp mạnh mẽ và tất cả biết nguồn gốc của thông điệp ấy. Thật không may chúng ta bây giờ lại hướng những cuộc thảo luận theo hướng chúng ta nên tiếp tục quỳ gối hay cứ đứng thẳng như bình thường trước mỗi trận đấu”.

3. Nhìn theo một khía cạnh khác, quỳ gối không phải là thứ phương thuốc kỳ diệu có thể thay đổi những ý nghĩ phân biệt chủng tộc vốn đã kéo dài xuyên suốt nhiều thế kỷ ở Anh. Ông Tony Burnett, giám đốc điều hành tổ chức bóng đá uy tín Kick It Out nhấn mạnh điều đó khi chia sẻ trên trang Independent. Theo lời ông, tình trạng phân biệt chủng tộc bắt đầu bùng nổ trở lại khi Anh chính thức bước vào thời kỳ Brexit (thoát ra khỏi Liên minh châu Âu-EU). Giai đoạn ấy chính là cái cớ để nạn phân biệt chủng tộc tràn lan trên mọi ngóc ngách đời sống và bóng đá cũng chịu chung số phận. Ông Burnett khẳng định mọi người đã quá kỳ vọng hình ảnh quỳ gối của các cầu thủ trên sân có thể mang đến hy vọng về một sự thay đổi trong nhận thức, trước khi những gì đang diễn ra là một nỗi thất vọng.

Sẽ không bất ngờ nếu tình trạng huýt sáo khi nghi thức quỳ gối trước các trận đấu tại EURO 2020 trên sân Wembley tiếp tục diễn ra. Thay đổi một tư duy, một ý nghĩ phân biệt chủng tộc “thâm căn cố đế” tại xứ sương mù đâu có thể thành công trong ngày một, ngày hai.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm