Chelsea vs MU (2h30, 19/2): Chuyện của những người cùng khổ

18/02/2019 21:40 GMT+7 | Man United

(Thetha) - Chelsea vì tâm trí rối ren mà nhận thất bại cay đắng trước Man City ở Ngoại hạng Anh cuối tuần trước. M.U vì tâm trí quá minh mẫn mà thất thủ trước PSG tại Champions League đêm thứ Ba vừa rồi.

Lịch thi đấu bóng đá Anh hôm nay. Trực tiếp bóng đá Cúp FA. Chelsea vs MU

Lịch thi đấu bóng đá Anh hôm nay. Trực tiếp bóng đá Cúp FA. Chelsea vs MU

Lịch thi đấu bóng đá Anh. Lịch thi đấu và truyền hình trực tiếp vòng 5 FA Cup. Lịch truyền hình trực tiếp Chelsea vs M.U. Xem trực tiếp Chelsea vs M.U ở đâu.

Họ là những người có chung nổi khổ, đó là sự mất tự chủ về ý nghĩ, nhưng lại không theo những cách giống nhau. Và họ lại gặp nhau trong hoàn cảnh thiếu tính lý tưởng vào ngày cuối tuần này, trong trận đấu ở vòng 5 cúp FA. Giải đấu có lẽ là sự cứu vãn cuối cùng cho sự tự hào của M.U, nhưng chưa chắc đã là sự thỏa mãn với Chelsea.

Rắc rối của Sarri

“Mind problem” tạm dịch là vấn đề về tư tưởng, là thứ mà HLV Maurizio Sarri đã nói trong phòng họp báo trước khi đội bóng thủ đô London chạm trán Malmoe ở vòng 1/16 Europa League. Ở đây, ông phủ nhận những thất bại về mặt kĩ chiến thuật và triết lý chơi bóng của mình, và nguồn cơn của những thất bại nặng nề mới đây đều xuất phát từ cái đầu của những cầu thủ.

Những vấn đề về tư tưởng luôn là trở ngại lớn với bất cứ đội bóng nào có tham vọng. Đó là sự tự hủy hoại đớn đau mà không một HLV nào muốn chứng kiến từ chiếc ghế quyền uy của mình. Chelsea của Sarri, thật khốn khổ, đang là nạn nhân của sự diệt vong từ tư tưởng. Ông đã không có trao đổi nào với chủ tịch Roman Abramovich tròn ba tuần trở lại đây, và các ngôi sao như Eden Hazard cũng chẳng thích thú gì việc trò chuyện với HLV người Italy trên sân cỏ, và trong phòng thay đồ.

Họ chán ngấy thứ gọi là “Sarri-ball”, có ích gì chứ, nếu những ngôi sao vốn từng được coi là những chuyên gia của các cuộc lật đổ, từ Jose Mourinho cho tới Antonio Conte, cảm thấy rằng, HLV người Italy không chịu phục tùng cái tôi của họ. Bất kì những ý tưởng bóng đá nào cũng là thừa thãi, vì họ mới là những người có khả năng định đoạt số phận của bất kì ai ở thảm cỏ xanh tơ kia.

Tất cả đều trở nên gượng gạo. Họ nhìn thấy nhau từ vị thế của những người đang trong cuộc chiến tàn khốc để nắm lấy quyền lực tại Stamford Bridge. Nhưng cán cân không hoàn toàn thuộc về phía Eden Hazard và đội ngũ “kĩ thuật” của anh, mà nó nằm ở những cái tên ít được nhắc đến mỗi ngày trên các trang báo ở xứ sở sương mù như Marina Granovskaia, cộng sự thân tín của chủ tịch Abramovich từ năm 1997 cho đến này, người thay mặt ông quyết định mọi thứ liên quan đến thể thao ở đây. Như Eugene Tenenbaum, người sa thải Jose Mourinho 3 năm trước chỉ sau 10 phút ngắn ngủi, như Bruce Buck, vì cựu luật sư khét tiếng người Mỹ, chuyên gia giải quyết mọi rắc rối của Chelsea những năm qua.

Hãy nghĩ xem Sarri, ông đã tự dẫn mình vào cuộc chiến gì vậy?

Sự khó nghĩ của Solskjaer

Cùng lúc đó, Ole Gunnar Solskjaer vừa kịp nhận ra rằng, đẳng cấp chơi bóng của Paris St Germain là điều mà ông muốn M.U đạt được trong thời gian tới. Một đội bóng vì quá tự tin vào đẳng cấp và sự trở lại rộn ràng dưới thời Solskjaer như M.U, đã chuốc lấy thất bại đớn đau trước Paris St Germain, đối thủ có vẻ như đã bị họ đánh giá quá thấp về chất lượng chơi bóng trước khi tới Old Trafford vì thiếu cả Neymar Jr và Edinson Cavani.

Có quá nhiều ảo mộng đã đến với đội bóng áo đỏ, khi nó được dựng xây trên chuỗi trận ấn tượng ở các giải đấu quốc nội, (thắng đến 10 trong tổng số 11 trân đấu ở xứ sở sương mù), trước khi nặng nề dừng bước ở Champions League. Và những ngôi sao của M.U như Paul Pogba, như Matic hay Ander Herrera, và cả HLV Solskjaer đều bị bịt mắt vì những tháng ngày mật ngọt đó. 90 phút tại nhà hát của những giấc mơ là câu trả lời xác đáng cho sức mạnh thật sự của đội bóng này, tấm màn nhung của họ bị gỡ bỏ một cách tàn nhẫn bởi Di Maria và Kylian Mbappe.

Champions League giờ đây như giấc mộng viển vông, dù M.U không thiếu niềm tin cho một cuộc lật đổ hào hùng tại Parc des Princes sau đây hơn hai tuần nữa. Và thậm chí, những người mơ mộng còn có thể nghĩ đến cuộc bám đuổi kì thú của họ với Liverpool ở Ngoại hạng Anh.

Đôi khi, bạn cần phải có được tâm trí sáng rõ, để nhìn thấy những điểm dừng hợp lý, và một mục tiêu có thể đạt được trong tầm với. Cúp FA, vào thời điểm hiện tại, là điều gì đó thiết thực nhất với đội bóng áo đỏ, dù cho đối thủ của họ là Chelsea không dễ dàng từ bỏ mọi thứ ở khoảng lưng chừng này. Nhưng ít nhất, đó là nơi mà họ có thể sống sót cho đến vạch đích cuối cùng, mà không cảm thấy rằng, giá trị của mình đã bị lãng phí một cách đáng tiếc thêm một mùa bóng nữa.

8 Là tổng số bàn thắng cao kỉ lục trong trận đấu giữa Chelsea và M.U ở vòng 3 cúp FA năm 1998, và M.U là những người giành chiến thắng với tỉ số 5-3, với cú đúp của David Beckham.

21 Chelsea đã có 21 lần lọt vào bán kết cúp FA, trong đó có 8 lần giành chức vô địch, một trong số đó là đánh bại M.U ở trận đấu cuối cùng vào năm 2007, dưới thời Jose Mourinho.

Trần Dũng

Trần Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm