Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy: Rối

02/07/2012 08:01 GMT+7 | Giáo dục

Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy dành cho năm 2012 ban hành ngày 5.3.2012. Đến ngày 29.6, Bộ lại sửa quy chế này, sau khi xảy ra vụ quay clip tố cáo tiêu cực ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang). Trước đó, hầu như mỗi năm quy chế này đều có chỉnh sửa, có năm sửa đến 2 lần trong cùng một tháng như năm 2010.

Theo văn bản bổ sung, sửa đổi lần này, có thể hiểu: Thiết bị truyền tin (truyền từ trong ra ngoài phòng thi, từ máy này sang máy khác), thiết bị chứa thông tin (ghi âm, ghi hình sẵn nhằm quay cóp; cũng có một cách hiểu khác là thiết bị sẽ chứa được thông tin?) để gian lận trong lúc thi, chấm thi là bị cấm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định khi trả lời báo chí: “Chỉ cấm những phương tiện có chức năng để gian lận trong thi cử. Còn những phương tiện không dùng cho mục đích đó thì không cấm... Mang vào mà không nhằm gian lận trong thi cử thì không vi phạm quy chế”.  Vậy thí sinh có thể hiểu đơn giản là máy quay, máy ảnh với bộ nhớ không có dữ liệu thì có thể mang vào phòng thi.

Quy định này bị các lãnh đạo hội đồng thi phản ứng tức thì, vì cơ sở đã hình dung ra nhiều rắc rối và khó khăn khi xác định thí sinh có vi phạm quy chế hay không trong một khoảng thời gian rất ngắn và với lực lượng giám thị không có chuyên môn về kỹ thuật.

Ngay hôm sau, 30.6, Bộ lại tiếp tục có công điện chủ yếu để giải thích lại văn bản ban hành ngày hôm trước. Lúc này theo văn bản mới, máy ghi âm, quay phim, không cho mang vào phòng thi vì có thể nghe, xem trực tiếp và cho dù không nghe xem trực tiếp nhưng ghi lại để gian lận lúc chấm thi cũng bị cấm nốt.

Nếu cứ cho rằng cả 3 văn bản trong vòng 4 tháng nói cùng một chuyện là không mâu thuẫn nhau thì thí sinh đến giờ có thể hiểu mình được mang bút ghi hình, USB ghi hình... không có chức năng nghe, xem tại chỗ vào phòng thi và cam kết chỉ quay không khí thi cử cho vui không nhằm gian lận thì vẫn vô tư. Còn chuyện thiết bị đó có bảo đảm không truyền tin, không chứa sẵn thông tin là trách nhiệm của giám thị và hội đồng thi.

Thực tế là thời điểm thi chỉ còn tính bằng giờ nhưng lãnh đạo các hội đồng thi đều đang rối với các thông tư, công điện và cả các phát biểu của lãnh đạo Bộ GD-ĐT - không biết phải hiểu và áp dụng cách nào cho đúng.

Phải chăng tất cả những giải thích, quy định rối rắm và vòng vo không đáng có này xuất phát từ việc lúng túng khi chạy theo và làm thỏa mãn dư luận đang bức xúc sau vụ tiêu cực rõ ràng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì ngay trong quy chế vốn dĩ đã có quy định rất rõ danh mục những vật dụng được mang vào phòng thi thì cần gì vẽ thêm những thứ không được mang cho rối?

Điều nói trên chỉ là phỏng đoán, nhưng điều chắc chắn có thể thấy được qua câu chuyện này là khả năng xây dựng, soạn thảo các văn bản luật của Bộ GD-ĐT có vấn đề, dẫn đến nhiều cách hiểu. Khả năng hoạch định và tư duy chiến lược trong quản lý còn ngắn hạn và phụ thuộc vào sự vụ, dẫn đến quy chế thi nhưng năm nào cũng sửa đổi, bổ sung liên tục. Đó là chưa bắt bẻ về luật Ban hành văn bản pháp luật. Với một thông tư ban hành ngày 29.6.2012, những vấn đề sửa đổi chỉ có thể áp dụng cho mùa tuyển sinh sang năm, vì luật quy định sau 45 ngày kể từ ngày ký một thông tư mới có hiệu lực (trừ trường hợp khẩn cấp, thiên tai, địch họa), mà tuyển sinh lại là việc đến hẹn lại lên.

Theo Thanh Niên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm