Bình luận viên Đình Khải: “Tôi nghỉ hưu, nhưng chưa nghỉ việc”

03/07/2011 06:06 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Không còn được nghe giọng ông trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, nhiều thính giả bỗng cảm thấy... nhớ, bởi bình luận viên Đình Khải với hơn 30 năm theo nghề đã trở thành một phần đặc biệt trong ký ức của người hâm mộ bóng đá từ thời tivi hay báo chí còn là những thứ xa xỉ. Bình luận viên Đình Khải giờ đã nghỉ hưu, nhưng ông chưa nghỉ việc, bởi với ông, bóng đá vẫn là niềm đam mê lớn.

Những mùa Hè khó quên

* Thưa bình luận viên Đình Khải, chúng ta đang trải qua một mùa Hè không có World Cup cũng chẳng có EURO, vậy sự quan tâm của ông hướng vào đâu?

- Tất nhiên là Copa America 2011 sắp diễn ra ở Argentina rồi. Trước đây, trong thời gian công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), do điều kiện không cho phép, chúng tôi không thể tường thuật trực tiếp các trận đấu của Copa America trên sóng. Tuy nhiên, là một người đam mê bóng đá, tôi không thể bỏ qua những trận cầu hấp dẫn ở giải đấu này. Việc tường thuật các trận đấu ở những giải đấu lớn như Copa America, EURO hay World Cup với VOV là rất khó khăn. Phải đến năm 2002, khi World Cup diễn ra ở Hàn Quốc và Nhật Bản, VOV mới tường thuật giải vô địch bóng đá thế giới. Rồi sau đó là EURO 2004 diễn ra ở Bồ Đào Nha. Cho đến giờ, tôi gần như vẫn giữ thói quen 2 năm thức trắng 1 tháng, sống cùng bóng đá vào mỗi mùa Hè.

Bình luận viên Đình Khải

* Trước đây, giọng của bình luận viên Đình Khải không chỉ vang lên trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam...?

- Là người làm phát thanh nhưng trước đây đôi khi tôi cũng đá sang lĩnh vực truyền hình. Năm 1992, tôi bình luận giải vô địch bóng đá nữ thế giới diễn ra tại Trung Quốc trên Đài truyền hình Hà Nội. Sau đó 2 năm, tôi tham gia bình luận World Cup 1994 trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam. Về sau này, khi nghỉ hưu vào năm 2005, tôi tiếp tục làm cố vấn cho Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) và bây giờ, tôi vẫn tham gia bình luận trước, giữa và sau các trận đấu V-League trên VTC. Có một kỷ niệm mà tôi nhớ rất rõ là vào năm 2004, khi VTC còn chưa chính thức ra đời, họ đã mời tôi cộng tác, lúc tôi vẫn đang làm việc cho VOV. Bằng cách nào đây? Khi đó, VTC đã có sóng EURO 2004 nhưng chưa có đội ngũ bình luận viên. Vậy là họ mang thiết bị kỹ thuật đến VOV, thu giọng bình luận của chúng tôi trên sóng phát thanh để kết hợp với hình phát lên sóng truyền hình VTC. Đó có lẽ là trường hợp đặc biệt hiếm thấy, một sự kết hợp thú vị giữa truyền hình và phát thanh.

* Nếu không tính đến V-League, thì giải bóng đá nào được xem là giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp của bình luận viên Đình Khải?

- World Cup 2010 ở Nam Phi, tôi nghĩ là như vậy. Mùa Hè năm ngoái, tôi đã bình luận giải đấu này trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam và xem đó là một cuộc chia tay đầy ý nghĩa. Trước đó, tôi cũng sang Bắc Kinh làm Olympic 2008 hay sang Vientiane làm SEA Games 2009. Năm nay tôi gần 70 tuổi rồi, sức khỏe cũng không còn được như trước, nên có lẽ đã đến lúc cần phải nghỉ ngơi.

“Hai tay, bốn súng”

* Nhưng chắc chắn, niềm đam mê bóng đá trong con người ông thì gần như không có tuổi?

- Điều này thì có lẽ đúng bạn à. Hàng ngày, tôi vẫn đọc báo, xem tivi để theo dõi gần như tất cả những sự kiện bóng đá cũng như các giải thi đấu thể thao lớn diễn ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Thì đấy, như giải các CLB bóng chuyền nữ châu Á vừa diễn ra tại Vĩnh Yên, hay giải quần vợt Wimbledon đang diễn ra tại nước Anh, tôi có bỏ trận nào đâu. Niềm đam mê đó dường như đã ăn vào máu của tôi rồi.

* Không còn ngồi trong ca-bin để mình luận, hỏi thật ông nhé, ông có cảm thấy nhớ nghề không?

- Rất may bạn à, tôi nghỉ hưu nhưng chưa nghỉ việc đâu nhé. Tôi vẫn làm việc cho VTC, dù trên lý thuyết là tôi đã nghỉ từ cuối năm 2010 vừa qua. Tháng 4 mới đây, sau khi cân nhắc, tôi đánh liều một phen lên đường vào sân Vinh của Sông Lam Nghệ An làm bình luận trước, giữa và sau trận đấu ở V-League. Gia đình lo lắng cho sức khỏe của tôi, nhưng tôi xem chuyến đi đó cũng là một bài kiểm tra cho sức khỏe của chính mình. Tôi mang thuốc men đầy đủ, lại đi cùng xe của VTC, nên gia đình cũng phần nào yên tâm, bởi mệt lúc nào có thể nghỉ lúc đấy dọc trên đường đi. Cuối cùng, chuyến đi cũng thành công tốt đẹp.

* Không chỉ bình luận bóng đá trên sóng phát thanh và truyền hình, ông còn tham gia viết báo?

- Tôi vẫn hay nói đùa rằng tôi có “hai tay, bốn súng”. Sở dĩ như vậy là vì ngoài làm cho phát thanh và truyền hình, tôi còn viết cho cả báo giấy lẫn báo điện tử. Trên bốn phương tiện truyền thông chính, tôi đều xông pha, không kể tuổi tác. Tôi làm việc nhiều, để cho thỏa niềm đam mê của mình.

Viết sách để ôn lại nghề

* Năm 2006, sau World Cup diễn ra trên đất Đức, ông đã cho ra mắt cuốn Vào... lại không vào...

- Cuốn sách ấy tôi viết ra để ôn lại cả một quá trình suốt 30 năm làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, cháy hết mình với niềm đam mê bóng đá. Khi tôi còn học cấp 3, Đài tiếng nói Việt Nam đã có tường thuật bóng đá, tôi nghe và thầm thán phục có một người lại nói giỏi đến thế. Sau này mới biết đó là ông Nguyễn Văn Thu, người bình luận bóng đá đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam. Khi về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam một thời gian, tôi đã chủ động xin về Ban Văn - Xã, nơi có chương trình tường thuật bóng đá. Mày mò, học hỏi rồi dần dần tôi trở thành một bình luận viên bóng đá trên sóng phát thanh.

Tập truyện ngắn Lá rụng về cội của bình luận viên Đình Khải

* Thế còn bây giờ, khi đã nghỉ hưu, ông có tiếp tục viết sách không?

- Bật mí với bạn là tôi đang thực hiện cuốn sách, tạm thời lấy tựa đề là Mãi mãi niềm đam mê, cũng viết về bóng đá và nghề bình luận bóng đá đấy. Tôi xem đó là cách để ôn lại nghề, tổng kết lại quá trình mà mình đã đi qua, từ khi còn nhỏ cho đến khi đã về hưu.

* Và ông cũng có một tập truyện ngắn?

- Lá rụng về cội, đó là tập truyện ngắn của tôi.

* Vậy có thể gọi nhà báo, bình luận viên Đình Khải là nhà văn rồi còn gì?

- Ấy chết, gọi thế người ta cười cho. Tôi chỉ viết cho vui, cho khuây khỏa niềm đam mê thôi. Hãy cứ gọi tôi là bình luận viên Đình Khải, như vậy là đủ rồi.

Cà phê thể thao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm