Bạo lực tái diễn, lỗi tại ai?

22/09/2015 07:39 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khi mùa giải 2015 bước vào những vòng đấu cuối cùng thì cũng là lúc mà lối chơi bạo lực có xu hướng gia tăng trở lại tại V-League.

Liên tiếp trong 2 vòng 23 và 24, các trọng tài đã phải rút ra 3 và 4 thẻ đỏ để truất quyền thi đấu của các cầu thủ chơi xấu, cùng với trên dưới 30 thẻ vàng

Đến vòng 25 mặc dù chỉ có 1 thẻ đỏ (Ngọc Toàn của SLNA) được rút ra và 24 thẻ vàng nhưng lại xảy ra hành vi hết sức phi thể thao khi trung vệ Quế Ngọc Hải của SLNA vào bóng bằng cả hai chân khiến cho tiền vệ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) gặp chấn thương rất nặn

Tổng cộng kể từ đầu mùa giải cho đến vòng 25, các trọng tài đã phải rút ra tới 42 thẻ đỏ để truất quyền thi đấu của các cầu thủ (trung bình 0,24 thẻ/trận) chủ yếu là do những hành vi bạo lực trên sân cỏ, nhiều gần gấp rưỡi so với cả mùa giải trước cộng lại (chỉ có 29 thẻ đỏ).


Pha vào bóng thô bạo của Ngọc Hải với Anh Khoa còn ám ảnh nhiều người rất lâu nữa. Ảnh: Thanh Tùng

Vì đâu mà bạo lực lại có dấu hiệu gia tăng như vậy? Xin thưa một phần chính là do cách hành xử của VFF. Lấy ngay vụ việc còn đang nóng hổi của Quế Ngọc Hải làm ví dụ.

So về tính chất và mức độ, vụ Ngọc Hải đá gãy chân Anh Khoa có lẽ không khác mấy so với tình huống bạo lực nhất mùa giải năm ngoái khi Đình Đồng (cũng của SLNA) đá gãy chân Anh Hùng (HV.An Giang).

Lẽ ra khi sau khi có “án điểm” dành cho Đình Đồng năm ngoái, các cầu thủ sẽ phải lấy đó làm gương để không tái phạm hoặc chí ít là giảm mức độ thô bạo. Nhưng đằng  này thì vẫn xảy ra tình trạng tương tự, bạo lực cũng chẳng hề giảm, thậm chí còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Điều đó khiến không ít người nghĩ rằng mức án dành cho Đình Đồng mùa giải năm ngoái chưa đủ sức nặng để răn đe các cầu thủ.

Cũng theo lý thuyết thông thường, nếu đã có người từng vi phạm kỷ luật thì những người khác nếu tiếp tục tái phạm thì án tiếp theo phải nặng hơn án đầu tiên. Nhưng đằng này mức án của VFF lại nhẹ đi từ 9 tháng treo giò cho Đình Đồng lần trước xuống còn 6 tháng cho Ngọc Hải lần này trong khi quá nửa trong số đó lại là thời gian tạm nghỉ giữa V-League 2015 và V-League 2016.

Không chỉ có vậy, án kỷ luật còn ghi rõ chỉ cấm Ngọc Hải không tham gia các trận đấu thuộc “hệ thống giải chuyên nghiệp Việt Nam” có nghĩa là Ngọc Hải vẫn có thể cùng ĐTQG và U23 thi đấu quốc tế. 

Chừng nào VFF và Ban Kỷ luật chưa thực sự nghiêm khắc và công minh trong cách hành xử thì chừng đó lối chơi bạo lực còn có nguy cơ tiếp tục gia tăng trên các sân cỏ Việt Nam

Yên Lành
yenlanh1944@yahoo.com

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm