"Trăm năm cô đơn" hồi sinh ở Trung Quốc

05/12/2011 10:31 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Việc nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez, tác giả cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, chiếm vị trí đầu trong danh sách các nhà văn nước ngoài kiếm được nhiều tiền bản quyền nhất tại thị trường Trung Quốc Đại lục, đã tạo nên niềm hy vọng hình như độc giả Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi thị hiếu đọc.

Tháp các nhà văn “nội” giàu nhất Trung Quốc

1. Họ không còn quan tâm đến những cuốn truyện mang tính thương mại hóa, nhạt nhẽo chỉ mang tính giải trí đang thống trị thị trường văn học Đại lục trong nhiều năm trở lại đây, mà đang tìm kiếm những tác phẩm mang giá trị tinh thần.

Trong số ra ngày 23/11 báo Thể thao & Văn hóa đã có bài viết về danh sách Các nhà văn giàu nhất Trung Quốc năm 2001. Chiếm vị trí đầu trong danh sách các nhà văn Trung Quốc kiếm được nhiều tiền bản quyền nhất vẫn là nhà văn trẻ thuộc dòng văn học thương mại - Quách Kính Minh. Anh thu về được 24,5 triệu NDT (3,85 triệu USD) tiền bản quyền.

Còn trong danh sách các nhà văn nước ngoài được nhiều tiền bản quyền nhất ở Trung Quốc, thì cây bút Marquez đã “lật đổ” được nữ văn sĩ Anh J.K Rowling, tác giả serie truyện ăn khách Harry Potter, để dành vị trí đầu.

Sự xếp hạng này cho thấy độc giả người lớn ở Trung Quốc đang bắt đầu để ý tới những tác phẩm văn học khảo sát sâu sắc về con người và tâm hồn chứ không chỉ tìm đọc những tác phẩm mang tính giải trí nông cạn.

Được Marquez tung ra cách đây 44 năm, nhưng giờ đây cuốn Trăm năm cô đơn của ông vẫn mê hoặc độc giả với những giá trị bất diệt. Trong khi đó, hầu hết các tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc chỉ đơn thuần thu hút độc giả với những câu chuyện thời thượng, chứ không chạm được tới nội tâm của họ và không tìm được sự đồng cảm của độc giả bằng những giá trị riêng tư.

Mặc dù là một thị trường lớn và đang bùng nổ, nhưng các chuyên gia cho rằng giá trị văn hóa của văn học Trung Quốc đang bị lờ đi, đó là nguyên nhân khiến danh sách các nhà văn giàu nhất năm nay không hề có một người khổng lồ văn học nào.

Marquez và Trăm năm cô đơn đã soán ngôi Harry Potter tại Trung Quốc

2. Liu Binjie, Cục trưởng Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc, nhận xét các tác phẩm văn học đã xuất bản ở thị trường Trung Quốc thiếu hẳn tính sáng tạo và 90% tác phẩm văn học ở nước này là những sản phẩm “bắt chước một cách mù quáng”.

Theo ông Liu, căn nguyên gây nên lỗ hổng sáng tạo này là các giá trị văn hóa không được phổ cập khắp Trung Quốc. Hầu hết các cuốn sách nhắm tới đối tượng độc giả người lớn thiếu các giá trị và sự khai sáng về tinh thần.

Đối tượng độc giả cũng là nguyên nhân khiến thị trường trở nên nông cạn như vậy. Hiện nay, người trẻ vẫn là đối tượng độc giả chính của thị trường sách Trung Quốc, trong khi đó thị trường sách cho độc giả trưởng thành lại khá eo hẹp.

Các tác phẩm trống rỗng, chỉ nhăm nhe kiếm lợi nhuận của nhiều nhà văn Trung Quốc cũng là nhân tố làm gia tăng tính nông cạn của thị trường Đại lục hiện nay. Mặc dù không ngừng quảng bá cho các tác phẩm của mình, nhưng các nhà văn chỉ có thể viết được những tác phẩm ăn khách nhất thời, chứ không thể trở thành những người khổng lồ văn học. Nếu người ta nhìn nhận văn hóa chỉ đơn thuần là một sản phẩm tiêu dùng thì nó sẽ biến mất theo thời gian.

3. Đề cập đến những cuộc vật lộn của con người trong cuộc tìm kiếm sự tự do, tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Marquez đã cung cấp cho độc giả Trung Quốc một nguồn dinh dưỡng tinh thần.

Ở Trung Quốc, giá trị đằng sau danh tiếng của kiệt tác kinh điển này là dần tạo nên sự thay đổi tinh thần văn hóa đại chúng. Dường như ngày càng có nhiều người đang bắt đầu muốn được tự do quyết định những vấn đề lớn trong cuộc đời mình.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm