Phố Wall chứng kiến tuần mất điểm mạnh nhất kể từ tháng 1/2022

11/06/2022 14:14 GMT+7 | Bạn cần biết

Mặc dù khởi động tuần mới khá hung phấn, song đà giảm vào cuối tuần với thông tin về lức lạm phát kỷ lục đã khiến Phố Wall chứng kiến tuần mất điểm mạnh nhất kể từ tháng 1/2022.

Chứng khoán Mỹ và châu Âu đỏ lửa trước nỗi lo lạm phát

Chứng khoán Mỹ và châu Âu đỏ lửa trước nỗi lo lạm phát

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã kết thúc tuần bằng một phiên giao dịch đỏ lửa sau khi tiếp nhận thông tin tiêu cực về chỉ số lạm phát trong tháng 5.

Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên ngay trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (6-7/6), bất chấp lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Tuy nhiên, ông Art Hogan, chiến lược gia của công ty chứng khoán National Securities (Mỹ), cho biết sự khởi sắc của Phố Wall hầu như không có động lực nào phía sau, ngoại trừ câu chuyện tái mở cửa của Trung Quốc. Ông cho rằng các nhà đầu tư chứng khoán dường như đang “hết nhiệt” với thị trường.

Chứng khoán Mỹ đã ở trong thế phòng thủ trong phần lớn thời gian của năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hành động mạnh mẽ để thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát và nhà đầu tư chỉ đang thận trọng chờ đợi báo cáo về lạm phát của Mỹ. WB đã hạ ước tính tăng trưởng toàn cầu xuống 2,9% - thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Một trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine chưa kết thúc, khiến giá ngũ cốc và dầu tăng vọt.

Lo ngại ngày càng gia tăng về lạm phát chứng khoán Mỹ đảo chiều hạ trong ba phiên giao dịch cuối tuần này, “xóa sạch” các mức tăng trước đó. Đáng chú ý, trong phiên 9/6,  chỉ số Dow Jones “đánh rơi” 600 điểm, khi nhà đầu tư chờ đợi báo cáo về lạm phát và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tham gia cùng Fed trong cuộc chiến lạm phát.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đà tăng của lạm phát trên phạm vi toàn cầu đã khiến ECB ngày 9/6 tuyên bố sẽ dừng chương trình mua trái phiếu đã áp dụng gần một thập kỷ qua từ ngày 1/7, đồng thời đánh tín hiệu sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất từ tháng Bảy. Trong một tuyên bố, ECB cho biết:"Lạm phát cao là một thách thức lớn đối với tất cả chúng ta". Fed đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng Ba và dự kiến sẽ tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất nữa vào tuần tới khi ngân hàng trung ương này nỗ lực hạ nhiệt “cơn sốt” lạm phát.

Thêm vào đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có trụ sở tại Paris, dự đoán rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, chậm hơn nhiều so với ước tính trước đó là 4,5% đưa ra hồi tháng 12/2021, càng khiến thị trường thêm phần ảm đạm.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/6, “sắc đỏ” tiếp tục thống lĩnh Phố Wall, sau khi báo cáo từ Chính phủ Mỹ lạm phát cho thấy tốc độ tăng giá nhanh hơn dự báo và tâm lý người tiêu dùng xuống mức thấp kỷ lục, củng cố thêm lo ngại về việc Fed tích cực hơn trong nỗ lực nâng lãi suất.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 880 điểm (tương đương 2,73%) xuống 31.392,79 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 116,96 điểm (2,91%) xuống 3.900,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 414,20 điểm (3,52%), xuống còn 11.340,02 điểm.

Cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 21/1. Chỉ số Dow Jones giảm 4,58%, S&P 500 hạ 5,06% và  Nasdaq hạ 5,60%.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát của nước này cán mốc 8,6% trong tháng Năm vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 1981, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa thấy có dấu hiệu gì "hạ nhiệt".

Lạm phát tăng mạnh do giá các loại nhiên liệu tăng 34,6% và giá thực phẩm thiết yếu tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1979. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, áp lực lạm phát tháng Năm có thể thấy rõ trên diện rộng, nhất là do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine, việc Trung Quốc đóng cửa kiểm soát dịch và một số nhà máy lọc dầu lớn tạm đóng cửa và nhiều khả năng lạm phát sẽ lên tới 9% vào tháng Sáu.

Nhà đầu tư dường như đang chuẩn bị cho một phản ứng quyết liệt hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để đối phó với lạm phát tăng cao. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn được xem như một trong những kênh nhạy cảm nhất đối với động thái nâng lãi suất của Fed, đã vượt mức 3% vào ngày 10/6, chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.

Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu áp lực khi nhà đầu tư đối mặt với lãi suất cao và khả năng suy thoái. Cổ phiếu Netflix mất hơn 5% sau khi bị Goldman Sachs hạ bậc tín nhiệm. Cổ phiếu Nvidia sụt gần 6%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng “đỏ lửa”, phản ánh rõ lo ngại về lạm phát. Cổ phiếu Wells Fargo giảm 6%, cổ phiếu Goldman Sachs mất hơn 5%.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm