Ngày không ô tô, ước mơ và hiện thực

22/09/2021 09:46 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ nhật tuần qua, 19/9, trung tâm Paris, một trong những thành phố đông xe cô hàng đầu châu Âu gần như “sạch bóng ô tô”. Đường phố như chỉ còn chỉ thấy người đi bộ, đạp xe…Đã bước sang năm thứ 7 thủ đô nước Pháp thực hiện “Ngày không ô tô”. Người Paris sẽ đúng hay mãi chỉ là những người quá lãng mạn?

Lần đầu tiên, Paris cấm ô tô vào trung tâm thành phố là 27 tháng 9 năm 2015, ba ngày trước khi Hội nghị các bên về Biến đổi Khí hậu lần thứ 21 do Liên hợp quốc tổ chức khai mạc tại đây. Lúc đó thực ra chỉ khoảng 30% khu vực của Paris là không ô tô thực sự (một số khu vực ở trung tâm) và thời gian cấm ô tô là từ 11 giờ tới 18 giờ. Tòa thị chính Paris từng ví động thái này giống như “một canh bạc điên rồ” song hy vọng với nửa ngày Chủ nhật không ô tô này người dân Paris sẽ cảm nhận được lợi ích thông qua việc hít thở không khí sạch hơn và nhìn thấy những địa điểm đẹp đẽ của thành phố họ rõ ràng hơn.Và kết quả vượt ngoài mong đợi. “Ngày không có ô tô” của Paris năm đầu tiên đã khiến ô nhiễm không khí và tiếng ồn giảm đáng kể. Theo các con số được cung cấp từ những tổ chức chuyên đo lường mức độ ô nhiễm nitơ điôxít thì mức giảm trong ngày này lên tới 40%, khu vực đại lộ Champs Elyées đông đúc giảm hơn 1/3 so với bình thường. Còn tiếng ồn khu vực trung tâm Paris cũng giảm một nửa.

Chú thích ảnh

Nên biết rằng trước đó, Paris bị xem là thành phố ô nhiễm hàng đầu châu Âu. Năm 2014 (một năm trước khi “Ngày không ô tô” ra đời), ô nhiễm đường vành đai ở Paris đã vượt giới hạn của EU tới 11 lần, còn khu vực Nhà hát Place de l’Opera vượt giới hạn 17 lần, thậm chí có những khu vực mức ô nhiễm vượt 67 lần qui định giới hạn của châu Âu. Mùa xuân năm 2015, lượng ô nhiễm không khí tăng đột biến trong một thời gian ngắn đã biến Paris thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Mật độ khói bụi dày đặc đến mức gần như che khuất cả Tháp Eiffel ! Một báo cáo của Thượng viện Pháp cho biết ô nhiễm không khí khiến Pháp tiêu tốn 101,3 tỷ euro (75 tỷ bảng Anh) mỗi năm với những hậu quả tiêu cực về sức khỏe, kinh tế và tài chính. Cũng theo báo cáo này ước tính ô nhiễm không khí đã gây ra 45.000 ca tử vong sớm ở Pháp mỗi năm, do hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, đau tim, ung thư phổi và đột quỵ.

Bà Anne Hidalgo, thị trưởng Paris lúc đó đã quyết định chơi “canh bạc điên rồ”, đưa việc giảm thiểu mức độ ô nhiễm đáng lo ngại của Paris trở thành ưu tiên hàng đầu của thành phố. Kết quả của Ngày không ô tô 2015 khiến bà Thị trưởng hào hứng. “Chúng ta có thể hình dung những ngày không có ô tô thường xuyên hơn… thậm chí có thể là một lần mỗi tháng”- bà viết trên Twitter ngay sau đó.

Nhưng mọi việc không dễ dàng như thế.

Ngay trước khi Paris thực hiện “Ngày không ô tô” đầu tiên, thì tại Frankfurt, một thành phố nổi tiếng khác của nước Đức, đang diễn ra triển lãm ô tô thường niên. Và một nghiên cứu được công bố tại Frankfurt Motor Show, cho biết phần lớn người dân trên thế giới không thể tưởng tượng được cuộc sống của họ mà không có ô tô. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Tổ chức Quốc tế các nhà sản xuất xe cơ giới (OICA), một nhóm bảo vệ các lợi ích của ngành công nghiệp xe hơi, khảo sát 14.000 người ở 18 quốc gia cho biết 78% người dân ở châu Phi không thể tưởng tượng được cuộc sống của họ mà không có ô tô, 63% ở châu Mỹ, 56% ở châu Âu và 48% ở châu Á. "Các kết luận khá rõ ràng và tích cực, với chiếc xe được coi là đối tượng mong muốn, mang lại nhiều lợi thế quan trọng so với bất kỳ phương thức vận tải nào khác: trên toàn cầu, người tiêu dùng coi chiếc xe là thoải mái, thiết thực, nhanh chóng, an toàn và hướng tới tương lai. "Matthias Wissmann, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức, cho biết. Ngoài khảo sát từ người tiêu dùng, các nhà sản xuất ô tô cũng đưa ra nhiều con số thể hiện nỗ lực trong việc áp dụng các công nghệ giảm khí thải trên các dòng xe đời mới và chuyển đổi mạnh mẽ sang các dòng xe xanh (xe điện và lai điện).

Chú thích ảnh

Cuộc chiến giữa Xe hơi và Xe đạp còn trường kỳ. Ngay cả Paris, với những kết quả đầy thuyết phục như vậy về Ngày không xe hơi 2015 song tới nay thành phố cũng chỉ có thể thực hiện 1 ngày như vậy mỗi năm trong 7 năm qua. Kế hoạch có nhiều Ngày không ô tô hơn, thậm chí là mỗi lần trong tháng của bà Thị trưởng Paris vẫn mới chỉ ở trên Twitter.

Tuy nhiên, thời kỳ thống trị của ô tô vẫn có thể bị đe dọa vì ngày càng có nhiều người sống ở nơi khó sở hữu ô tô hoặc việc này không cần thiết, thậm chí là nguy hiểm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 54% dân số thế giới sống ở các trung tâm đô thị - và con số đó dự kiến sẽ tăng lên 66% vào năm 2050. Ở các khu vực thành phố đông đúc, ùn tắc thường xuyên có nghĩa là việc sở hữu ô tô riêng vừa kém hiệu quả vừa tốn kém chi phí, và người dân thành thị thường chuyển sang các dịch vụ giao thông công cộng và chia sẻ ô tô để đến nơi họ cần. Ở các thành phố như New York và Tokyo, ô tô thường là phương tiện chậm nhất! Trong khi đó, khu vực qua khảo sát cho thấy quyền sở hữu ô tô được thèm muốn nhất - ở châu Phi, ở mức 78% - tương ứng với những nơi cơ sở hạ tầng giao thông công cộng kém phát triển nhất.

Các trường hợp tử vong trên đường cũng tăng mạnh ở các nước đang phát triển, do ngày càng có nhiều người sử dụng ô tô hơn. Theo WHO, tai nạn xe hơi hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5 ở các nước đang phát triển, và ô nhiễm không khí liên quan đến phương tiện giao thông đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe con người.

Phan Ka (tổng hợp từ The Guardian, USA Today)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm