Dịch COVID-19: Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh chế biến và tiêu thụ nông sản

27/02/2020 14:34 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/2, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA và Công ty cổ phần Vinamit đã tổ chức tọa đàm "Kinh nghiệm xử lý tình huống kinh doanh thời dịch bệnh trong chế biến và tiêu thụ nông sản".

Nông sản Hòa Bình - mô hình kinh tế mới

Nông sản Hòa Bình - mô hình kinh tế mới

Chỉ cách Hà Nội khoảng 70km, Hòa Bình đang dần trở thành địa bàn cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch và đa dạng cho Thủ đô và cả nước.

Bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp cho biết, tọa đàm là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình liên kết hoạt động bốn tỉnh ABCD (gồm: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ), nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt, hiện nay nhiều doanh nghiệp mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm xử lý kinh doanh thời dịch bệnh, nâng cao giá trị nông sản từ giá trị thấp đến cao.

Theo bà Vũ Kim Anh, trong tình hình dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp, rất cần sự tư vấn, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp đầu ngành trong nâng cao năng lực kinh doanh theo chuẩn hội nhập và nhận diện cơ hội mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần được cập nhật những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng... để mở rộng và khai thác hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

Trước tình hình biến động thị trường như hiện nay, một số doanh nghiệp chia sẻ, đây là vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho ngành sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm định vị lại chiến lược sản xuất, chủng loại sản phẩm, thị trường tiềm năng... Đối với ngành nông sản, thực phẩm, những sản phẩm tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe dự báo sẽ có cơ hội thị trường thuận lợi, với sức mua tăng cao.

Chú thích ảnh
Thanh long được sơ chế để chế biến thành sản phẩm sấy dẻo ở nhà máy Nafood (huyện Đức Hòa, Long An). Ảnh: Bùi Giang-TTXVN

Cùng với đó, người tiêu dùng có xu hướng tăng cường những sản phẩm, thực phẩm lên men hay tăng sức đề kháng tự nhiên... nhằm tăng cường sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành nông sản, thực phẩm tìm ra những sản phẩm có giá trị trong chất lượng, đảm bảo bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và ứng dụng công nghệ an toàn sẽ có điều kiện thuận lợi phát triển sản phẩm, cũng như thành công trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Vinamit, là doanh nghiệp phải có tâm thế chủ động ứng phó với diễn biến thị trường và giải bài toán "khủng hoảng" về thị trường, cũng như linh hoạt trong quản trị doanh nghiệp. Song song đó, nếu doanh nghiệp đảm bảo cập nhật thông tin, bám sát diễn biến thị trường sẽ có những giải pháp phù hợp trong hoạt động quản trị doanh nghiệp khi xuất hiện những nguy cơ, rủi ro bởi thị trường biến động.

Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Lâm Viên cho hay, trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp không nên chỉ quan tâm đến vấn đề "lợi nhuận nhiều hay ít", mà phải tập trung đẩy mạnh doanh số, tăng thu và giảm chi. Theo đó, doanh nghiệp chú trọng cân đối thu - chi, nhất là biến chuyển những chi phí hàng ngày như lương công nhân, điện, nước... bằng một số hình thức khoán doanh số bán hàng, tạo động lực kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên lựa chọn chiến lược sản xuất, kinh doanh, phương thức bán hàng theo hướng tăng doanh số, bảo tồn vốn.

Chú thích ảnh
Bưởi da xanh tồn đọng hơn 1.000 tấn tại doanh nghiệp Hương Miền Tây. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

"Ghi nhận thực tế trong thời gian gần đây, doanh số bán các mặt hàng rau củ, quả... của Vinamit tăng 30% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19 do người tiêu dùng có nhu cầu cao, nhưng Vinamit vẫn chạy chương trình khuyến mãi để tăng doanh số, giữ chân khách hàng... Đây được xem là một trong những phương thức để Vinamit đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn biến động và diễn biến thị trường phức tạp", ông Nguyễn Lâm Viên cho biết thêm.

Riêng đối với vấn đề liên kết ngành sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định thị trường và không dẫm chân lên nhau. Đặc biệt, muốn giữ chân khách hàng, doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực đảm bảo sự ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu ra cho sản phẩm.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, liên kết ngành giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững hơn trong chuỗi cung - cầu, từ nguồn nguyên vật liệu cho đến kỹ thuật, công nghệ tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng trước khi đưa ra thị trường tiêu thu. Doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ thống nhất vai trò của từng đối tượng ở từng khâu, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Trên cơ sở này, doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng đối với sản phẩm, cũng như đối với từng đơn vị tham gia liên kết.

Mỹ Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm