Bác sỹ trên biển, chuyện người lấy ven lựa theo chiều sóng

27/02/2015 11:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cứu người trên đất liền đã khó, cứu người trên biển càng khó hơn. Gần một thập kỷ qua, Bác sỹ chuyên khoa I Tôn Thất Tuấn- Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã thực hiện công việc thiêng liêng này, cứu mạng hàng trăm ngư dân bị thương trên biển.

Công việc nhọc nhằn, những hy sinh thầm lặng của những “từ mẫu” trên biển xứng đáng để gọi họ cũng là những “chiến sỹ” trong lòng dân.

"Từ mẫu" của ngư dân

Nếu không gặp BS Tuấn tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, tôi sẽ nghĩ anh là một nghệ sỹ bởi mái tóc bồng bềnh, cách nói chuyện dí dỏm và luôn thường trực nụ cười. 20 năm gắn bó với nghiệp cứu người, BS Tuấn đã có 9 năm với hàng chục lần theo tàu Sar 412 ra biển cứu ngư dân.

Bác sỹ chuyên khoa I Tôn Thất Tuấn

Nhớ về lần đầu tiên, vào năm 2006, đang trực tại Trung tâm cấp cứu, BS Tuấn được điều ra vùng biển Hoàng Sa cứu 1 ngư dân bị thương ở tay, chân. Nhận được tin, anh Tuấn đi luôn, không kịp báo về cho gia đình, cũng chưa chuẩn bị gì, trên người chỉ độc bộ đồ và dụng cụ y tế.

Anh Tuấn hồi tưởng: “Đang ở trong thành phố, điện đóm sáng trưng. Ra biển, trời tối thui. Mình lại say sóng mà phải thường xuyên điện đàm hỏi tình trạng sức khỏe ngư dân bị thương thế nào. Khi nhìn thấy tàu cá ngư dân nhưng tàu cứu hộ không thể tiếp cận được vì tàu cá khá nhỏ mà tàu cứu hộ lại lớn. Thế là phải dùng xuồng cao su để tiếp cận.

Vì là lần đầu tiên nên mình khá lúng túng. Nhưng còn khó hơn khi phải đưa ngư dân xuống xuồng để lên tàu cứu hộ. Sau khi thăm khám, hội ý với thuyền trưởng Sar 412, được biết đường đến Nha Trang gần hơn Đà Nẵng, mình đề nghị cho bệnh nhân vào Nha Trang luôn. 2 ngày 1 đêm thức trắng, gần 200 hải lý, khiến mình mệt rã rời nhưng tính mạng người bệnh là quan trọng nhất, phải cố gắng hết sức”.

Bác sỹ Tôn Thất Tuấn trong một ca cấp cứu ngư dân

Lần gần đây nhất, BS Tuấn ra biển cứu người là vào tháng 5/2014. Anh kể: “Khi ấy, một ngư dân Quảng Ngãi, hơn 50 tuổi, là thuyền thưởng, sang chấn đầu và bị thương ở mảng sườn trái. Đây là ca khá nguy hiểm, nạn nhân bị choáng, mất máu nhiều và không ăn uống được. Những ngư dân khác thấy vậy, càng lo lắng hơn. Vì thế, bên cạnh việc thăm khám, cấp cứu cho bệnh nhân, mình còn phải chấn an tinh thần cho những ngư dân khác. Mình là bác sỹ, không được phút nào lơ là với bệnh nhân vì một phút không để ý trên biển sẽ dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng”

Ngư dân bị nạn trên biển chủ yếu ở Quảng Ngãi. Những chấn thương thường gặp phải: chấn thương đầu, gãy cột sống lưng, gãy tay, gãy chân… Có nhiều ca bệnh vô cùng nguy hiểm, dễ dẫn đến mất mạng. Đối với ngư dân trên biển, dù không biết tên, nhưng vị bác sỹ có dáng hình nghệ sỹ ấy như một người tái sinh lần nữa cho họ.

Lấy ven lựa theo chiều sóng

Cứu người trên biển là một công việc vô cùng gian nan, để cứu chữa cho bệnh nhân, trước tiên, bác sỹ phải chiến đấu với sóng dữ. Ai đi biển, hẳn rõ việc say sóng khó chịu, mệt lả người đến thế nào nhưng khi say bờ còn cực hơn. Ấy vậy mà, BS Tuấn nói, việc ấy chẳng là gì vì mình chịu đựng được.

Anh chia sẻ: “Đơn giản, trên đất liền, gặp phải bệnh nhân đặc biệt đã khó lấy ven rồi. Trên biển, việc lấy ven, truyền nước, tiêm, sơ cứu cho bệnh nhân phải lựa theo chiều sóng. Sóng thì mạnh, mình phải dang rộng cả hai chân giữ thăng bằng để đưa kim tiêm vào ven nạn nhân. Sơ sảy chút là hỏng việc ngay.

Như thế vẫn là chuyện thường chứ khi gặp bão tố còn nguy hiểm và gian nan hơn. Mình thì không lo, chỉ lo không cứu được người bệnh. Có những hôm, mưa bão dữ dội lắm, trời thì tối, đang ngủ, nhận được tin là mình lên đường ngay. Vợ con phải thông cảm cho chứ vì cứu người là công việc cứu người mà”.

Người lương y đồng hành cùng ngư dân trên biển

Những ca như gãy cột sống, việc đưa bệnh nhân xuống xuồng rất khó, đặc biệt khi gặp thời tiết xấu. BS Tuấn phải toát mồ hôi giữ thăng bằng và dùng hết sức mình giữ chặt bệnh nhân. Tuy nhiên, anh phải giữ bình tĩnh để cứu người bệnh và cho những người khác bớt lo lắng.

Đến nay, nhiều ngư dân trên biển luôn mang ơn cứu mạng của BS Tuấn. Anh Tuấn cũng không thể nhớ nổi, mình đã cứu bao nhiêu người bị thương trên biển. Anh tự hào: “Đây là công việc thiêng liêng. Mình còn sức là còn theo tàu ra biển cứu ngư dân”.

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, chúc anh và đồng nghiệp sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp cứu người, đặc biệt là cứu ngư dân trên biển.

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm