Alexandre Lacazette: Tương lai của một bom tấn

03/08/2016 06:07 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Trong mùa chuyển nhượng Hè 2016 này, không có câu chuyện nào hài hước bằng chuyện sau khi West Ham bị Lyon từ chối lời hỏi mua Alexandre Lacazette trị giá 40 triệu euro chừng vài tuần, Arsenal lại trả giá Lacazette có… 30 triệu euro.

1. Vụ này khiến Chủ tịch Lyon là Jean-Michel Aulas cảm thấy mình bị xúc phạm. Lacazette không phải là một loại “thực phẩm” để lâu sẽ ôi thiu và càng gần tan chợ càng cần bán gấp, kể cả hạ giá. Có thể, Arsene Wenger đơn giản nghĩ rằng Arsenal được đá Champions League còn West Ham thì không, bởi thế Lacazette sẽ mặn mà hơn với CLB của ông, và từ đó nổi loạn, để Lyon ngậm đắng nuốt cay bán với giá rẻ.

Song, suy luận đó có lẽ chỉ là cách mà ta bàn tán theo kiểu nghe ngóng bên ngoài rồi phán xét dựa trên những sự kiện bề nổi mà thôi. Wenger hẳn không có ý đó. Nhưng việc ông tạo ra một tấn trò thì rõ ràng là không thể phủ nhận, và tấn trò này còn nực cười hơn vụ hỏi mua Luis Suarez của Liverpool với giá 40 triệu + 1 bảng năm nào.

Thực tế, khi Aulas nói “không muốn Lacazette ra đi”, đó là một lời nói dối. Người mà Aulas muốn giữ chính là Fekir chứ không phải Lacazette. Đơn giản, Fekir lẽ ra là một mặt hàng sáng giá nhưng chấn thương gãy chân ở mùa bóng vừa rồi khiến anh không có cơ hội chứng minh mình sáng giá và Aulas muốn cho Fekir thêm một mùa nữa để tạo giá trị.

Ở Lyon, chẳng có cầu thủ nào là không để bán. Quan trọng là được giá hay không mà thôi. Và Aulas có lý khi định giá Lacazette ít nhất 40 triệu bảng Anh, nhất là ở giai đoạn thị trường đang sôi sùng sục vì phí chuyển nhượng như hôm nay.

2. Lacazette rất giống một ngôi sao Premier League nhưng có lẽ, anh là một phiên bản xuất sắc hơn. Đó chính là Raheem Sterling. Cả hai cùng nhỏ người, nhanh nhẹn và cùng chơi tốt ở cả hai biên. Nhưng Lacazette hơn hẳn Sterling ở khả năng chơi trung phong cũng như tiền đạo lùi. Anh chơi bóng hiện đại hơn Sterling, bởi sự khéo léo của Lacazette không làm anh chủ quan lựa chọn cách chơi bóng lắt nhắt. Lacazette phần nào có nét giống Antoine Griezmann, nhưng anh mạnh mẽ hơn trong tranh chấp tay đôi và kém hơn Griezmann ở những pha bóng bổng.

Trong khi một Sterling sau 5 mùa bóng chuyên nghiệp chỉ ghi được 34 bàn cho CLB thì Lacazette đã có 94 bàn cho CLB ở 7 mùa bóng chuyên nghiệp của mình. Đó là một con số ấn tượng. Một tiền đạo, thường chơi lùi, lại ghi được đến gần 100 bàn thắng khi mới ở tuổi 24 không thể là một món hàng hớ. Bởi vậy, 40 triệu bảng cho Lacazette so với 50 triệu bảng Man City mua Sterling là giá quá tốt.

Sterling đắt chẳng qua vì anh là cầu thủ Anh, phù hợp với các quy định về số cầu thủ nội địa tối thiểu của Premier League mà thôi. Giả như Lacazette là một cầu thủ Anh, có thể giá của anh sẽ phải lên tới 60 triệu bảng và Wenger lúc ấy chỉ có thể nghĩ về anh với hai chữ “điên rồ”, y như cách ông chỉ trích các vụ chuyển nhượng bom tấn.

3. Khi West Ham vẫn quay lưng lại với Arsenal, khi Leicester vẫn quay lưng lại với Arsenal ở hai trường hợp Payet và Mahrez, với mức giá cũng khoảng 40 triệu bảng Anh, Lacazette là giải pháp tuyệt vời nhất để Wenger làm yên lòng CĐV Arsenal cũng như tạo niềm tin cho các cầu thủ của mình về khát vọng chinh phục thực sự. Và có lẽ, Wenger nên nhớ một điều rằng Arsenal không phải dạng CLB mà ngôi sao gắn bó lâu. Arsenal tạo ra siêu sao để rồi cũng phải bán đi, như Henry, Vieira, Fabregas, Van Persie… Điểm dừng chân Arsenal là điểm dừng chân tạo bom tấn. Và Lacazette hoàn toàn có thể trở thành bom tấn ở thì tương lai.

Nếu Arsenal quyết đoán vụ Lacazette nhanh chóng, họ sẽ nhận được nhiều hơn là mất. Mua Lacazette không chỉ được thêm sức mạnh, mà còn được cả doanh thu, với một bom tấn đang chờ ở 2 hay 3 mùa Hè sau.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm