Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 43): Một nhân vật sáng danh trong công cuộc xây dựng chế độ mới

05/09/2022 19:15 GMT+7 | Văn hoá

Trong khung cảnh sôi động của Cách mạng tháng Tám và những ngày đầu xây dựng “Nền dân quốc” đầy gian khổ, có ba nhân vật yêu nước tiêu biểu, dễ nhận biết, luôn trong bộ quốc phục truyền thống (khăn đóng áo dài) màu đen...

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 42): Đám tang cụ cử Can 1927

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 42): Đám tang cụ cử Can 1927

Đám tang của cụ Phan Châu Trinh diễn ra tại Sài Gòn ngày 4/4/1926 đúng là “một sự thức tỉnh quốc dân”. Chỉ một năm sau, đến lượt Hà Nội chứng kiến một đám tang cũng gây tiếng vang trên toàn quốc, cho dù chính quyền thực dân đã đề phòng, tìm mọi cách đối phó.

Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY

Người cao niên nhất là Huỳnh Thúc Kháng (1878 - 1947), một chính khách ái quốc nổi tiếng, từng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi quyền Chủ tịch nước. Người thứ nhì là Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), một học giả danh tiếng, từng làm Bộ trưởng Cứu tế xã hội, rồi Trưởng ban thường trực Quốc hội. Cả hai cụ đều qua đời khi cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập mới bắt đầu.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngô Tử Hạ và tướng Gallagher (Mỹ) trong lễ đài ngày tiễu trừ nạn đói ở trước Nhà hát Lớn

Còn người thứ ba là cụ Ngô Tử Hạ (1882 - 1973), một chủ doanh nghiệp theo đạo Thiên Chúa. Trước cách mạng, ngoài kinh doanh trên lĩnh vực in ấn, báo chí, Ngô Tử Hạ cũng được biết đến như một nhà từ thiện trong nhiều hoạt động xã hội như cứu tế, truyền bá quốc ngữ… Cụ được tờ Nam phong xếp vào danh sách 300 nhân vật tinh hoa của xã hội đương thời.

Chú thích ảnh
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai giảng tại Đại học Việt Nam (13/11/1945)

Nhưng với chế độ mới, Ngô Tử Hạ không có một chức sắc nào. Điều danh giá nhất đối với cụ là sau khi trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa đầu (1946), vì là đại biểu cao tuổi nhất, nên theo thông lệ quốc tế mà Quốc hội ta ứng dụng, Ngô Tử Hạ đóng vai trò người điều hành phiên họp đầu tiên và đọc lời tuyên ngôn của cơ quan dân cử tối cao. Sau đó quyền điều hành sẽ được trao lại cho vị Trưởng ban thường trực do Quốc hội bầu ra (tương tự như Chủ tịch ngày nay), thì lại chính là cụ Nguyễn Văn Tố đảm trách.

Chú thích ảnh
Tham gia buổi bán đấu giá tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh để lấy tiền cứu đói

Kể từ đó, mặc dầu có tài liệu cho rằng Ngô Tử Hạ có lúc đã đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ Thương binh, nhưng nét nổi bật hơn của cụ là luôn có mặt tại những nơi nào mà đồng bào đang gặp khó khăn, mà cái khó triền miên nhất của dân ta khi xưa là… đói.

Chú thích ảnh
Ngô Tử Hạ (trái) đi tàu hỏa đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hải Phòng về Hà Nội

Ngô Tử Hạ cũng sinh ra trong một làng quê nghèo theo đạo Thiên Chúa ở Quy Hậu, Kim Sơn, Ninh Bình. Lên Hà Nội kiếm sống, theo nghề in chỉ một thời gian sau thì đã trở thành một chủ nhà in lớn bậc nhất ở Hà Nội và cả Bắc kỳ. Nhà in này mang tên Ngô Tử Hạ, nổi tiếng vì biết hỗ trợ các cây bút gặp khó khăn trong việc in ấn tác phẩm của mình, đồng thời cũng giành nhiều tài chính tham giá cứu trợ cho dân chúng gặp thiên tai hoặc hoạn nạn.

Chú thích ảnh
Chân dung Ngô Tử Hạ (chụp năm 1940)

Cách mạng thành công, Ngô Tử Hạ đi đầu trong công cuộc cứu đói. Cụ không chỉ đàng hoàng trong những nghi lễ quốc gia, luôn đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc các quan chức, biểu thị khối đại đoàn kết dân tộc, mà còn sẵn sàng dấn thân vào những công việc cứu trợ thiết thực, không nề hà mọi khó khăn. Hình ảnh Ngô Tử Hạ kéo cái xe bò dẫn đầu đoàn các nhà công thương đi vòng quanh phố phường Thủ đô để thu góp từng cân thóc cứu trợ của dân chúng hoặc các doanh nghiệp giúp đồng bào bị đói vẫn còn trong ký ức và văn tự. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy thành quả của sự quyên góp này, đã nhận xét rằng đây chính là những hạt gạo ngon nhất, quý giá nhất của nước nhà, vì nó chứa đựng tình nghĩa đồng bào và tinh thần đại đoàn kết của toàn dân.

Chú thích ảnh
Ngày 11/10/1945, Ngô Tử Hạ đọc diễn văn trong ngày tiễu trừ nạn đói

Là một nhà hoạt động tôn giáo chân chính, Ngô Tử Hạ còn tăng cường khối đoàn kết tôn giáo, giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thuyết phục những nhân vật như cựu hoàng Bảo Đại hoặc Giám mục Lê Hữu Từ tham gia ủng hộ chế độ mới và kháng chiến, tuy không thành, nhưng cũng thể hiện tinh thần vì nghĩa lớn của một giáo dân yêu nước.

Sau này, do gia cảnh, Ngô Tử Hạ phải sang châu Âu để sinh sống, nhưng vẫn gắn bó với công cuộc kháng chiến kiến quốc ở quê hương. Thời gian phái đoàn Chính phủ ta sang họp và ký kết Hiệp định Genève (ở Thụy Sĩ), Ngô Tử Hạ cũng tìm đến hỗ trợ, rồi khi hòa bình lập lại tạm thời, cụ cũng về nước cống hiến phần lớn tài sản của mình cho đất nước đang hàn gắn vết thương chiến tranh…

Trong album ảnh của gia đình, có bức ảnh Ngô Tử Hạ chụp bên mộ một nhà triết học cổ đại Socrates ở Hy Lạp mà cụ rất hâm mộ. Hẳn Ngô Tử Hạ đã dành toàn bộ cuộc đời của mình hành xử theo tư tưởng mà nhà hiền triết ấy luôn cổ xúy: “Việc gọi là tốt khi nó có ích”. Có ích nhất là cho đồng loại và đồng bào của mình. Hiện tại, Đà Nẵng đã có đường phố đặt tên Ngô Tử Hạ.

Chú thích ảnh
Tự tay kéo xe bò đi khắp thành phố quyên gạo
Chú thích ảnh
Năm 1943, cụ tham gia cứu trợ cho đồng bào bị cháy
Chú thích ảnh
Đi xe điện đưa gạo ra cứu đói vùng ngoại thành
Chú thích ảnh
Cùng Huỳnh Thúc Kháng đi thăm chùa Quán Sứ, thắt chặt đoàn kết tôn giáo
Chú thích ảnh
Cùng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên mặc niệm trước đài tử sĩ dựng bên đền Bà Kiệu (19/8/1946)
Chú thích ảnh
Ký họa của Bùi Xuân Phái về Đại biểu Quốc hội Ngô Tử Hạ
Chú thích ảnh
Ngô Tử Hạ gặp gỡ phái đoàn Việt Nam tại Genève năm 1954
Chú thích ảnh
Bên mộ Socrates ở Hy Lạp
Chú thích ảnh
Chứng kiến tướng Mỹ Gallagher góp gạo cứu đói

  QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm