21/8/2007: Thể thao & Văn hóa - chững chạc tuổi 25

08/07/2008 00:00 GMT+7 | Giới thiệu

Ông Đỗ Phượng

LTS: Cách đây gần 1 năm, nhân kỷ niệm 25 năm ngày TT&VH ra số báo đầu tiên, đồng chí Đỗ Phượng - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN và nguyên là Tổng biên tập đầu tiên của báo TT&VH - đã có bài viết về sự kiện này. (Trong bài viết, ông không xưng "tôi", mà dùng ngôi thứ 3 số ít để giữ cho bài báo có một giọng điệu riêng và khách quan)

Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo đã gia nhập thế hệ U80. Ngày nào cũng đọc nhanh 20 trang A3 Thể thao và Văn hoá (TT&VH) bộ mới của thế kỷ 21. Một bữa nọ, ông mời Tổng biên tập đương nhiệm của tờ báo uống trà và chỉ hỏi một câu: “Anh chị em chạy 20 trang ngày và 64 trang tuần có quá sức không!” Rồi chính ông tự trả lời: “Chắc phải mất ăn, mất ngủ, nhưng sẽ phải vượt lên, vượt cao hơn nữa bằng sức mạnh tinh thần và sự hưởng ứng của bạn đọc cả nước đối với tờ báo bộ mới”.

Ông vỗ vai người đồng nghiệp: Ước gì mình trẻ lại vài chục tuổi để có thể chung sức, chung vui với anh chị em ở tuổi 25 của tờ báo.

Dẫu biết vị khách bất đắc dĩ phải bỏ việc ngồi uống trà với ông trong lúc đang giờ nước sôi nửa bỏng phải hoàn thiện số báo, ông già vẫn tỉnh bơ: Nghề báo đáng say mê ở chỗ “nước đến ngang bụng mà vẫn bình tĩnh, tỉnh táo, nhìn rõ vấn đề rồi mới bung mình vọt lên và đã lên là lên cao vượt đỉnh nước”.

Tổng biên tập đương nhiệm tự biết là đã vướng vào mạng lưới nhện già không rứt ra được cũng đành đưa đẩy: “25 năm trước, các cụ cũng phải bỏ nhiều công sức lắm”.

Tin nhanh Espana 82
Vẫn điệu tỉnh bơ, ông già tiếp tục tưởng như đáp lại câu hỏi lại như tự nói với mình: Mới đó mà đã một phần tư thế kỷ. Ngồi với nhau ở thủ đô một nước láng giềng, nhận rõ yêu cầu tha thiết của các cán bộ và nhân dân về bóng đá quốc tế, quyết định ra Tin nhanh Espana 82. Chỉ còn vài tuần, nếu xin giấy phép thì không kịp. Quyết tâm đáp ứng yêu cầu của nhân dân, huy động nguồn lực tài chính từ xưởng ảnh 3, mua giấy giá cao, bán báo có lãi. Hầu như cả guồng máy của TTX từ Hà Nội, TP HCM và cả các phân xã nước ngoài vào cuộc. Toàn ngành TTX như vào chiến dịch.
Thành công của Tin nhanh Espana 82 dẫn tới quyết định ra tuần tin Văn hoá và thể thao quốc tế (sau đổi thànhThể thao & Văn hóa), Khoa học kỹ thuật và kinh tế thế giới, Tuần tin tức do 3 người lãnh đạo TTX làm tổng biên tập. Lấy chức danh Tổng biên tập là Đào Tùng, Trần Thanh Xuân và Đỗ Phượng để chống đỡ lại việc không có giấy phép xuất bản. Không chỉ có Tinh nhanh Espagna 82 không có giấy phép mà cả Văn hoá và thể thao quốc tế và 2 tờ tuần tin cũng không có giấy phép.
Đại tướng Võ Nguyễn Giáp (phải) và đồng chí Đỗ Phượng
hồi kỷ niệm 15 năm báo TT&VH (1997)

Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mong muốn cung cấp nhiều thông tin và sự kiện cho đông đảo nhân dân và cũng chủ trương đa dạng hoá thông tin nhằm động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ba tờ tuần báo đó chính là đáp ứng yều cầu của nhân dân, phù hợp tinh thần chỉ đạo của cấp cao.

Chính Thường trực
Ban Bí thư đã chỉ
thị cho TTXVN phải
xuất bản Tin nhanh
Mehico 86 chỉ hai
ngày trước khi giải
đấu bắt đầu

Nhưng giấy phép thì quá rắc rối. Một trong nguyên nhân không cấp giấy phép chính là từ các cơ quan cấp trung gian quan niệm TTX không trực tiếp ra báo mà chỉ cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Ba năm sau, chính Ban Bí thư đã trực tiếp ra chỉ thị cho các cơ quan này cấp giấy phép cho cả ba tờ báo tuần tin của TTX.
 
Nhớ lại Mexico 86, lãnh đạo TTX quyết định không ra tin nhanh bóng đá quốc tế vì ngại chuyện xin giấy phép. Nhưng rồi chính Thường trực Ban Bí thư đã chỉ thị cho TTX phải xuất bản Tin nhanh Mehico 86 chỉ 2 ngày trước khi giải đấu bắt đầu. Vậy mà TTX vẫn kịp cử đặc phái viên đến Mexico trước giờ khai mạc giải. Các phân xã Paris, Moskva, Berlin, Praha, La Havana tập trung phục vụ bản tin Mexico 86. Cả guồng máy của TTX lại như trong thời chiến. Chỉ có 48 giờ chuẩn bị mà vẫn đâu vào đó.

Thế mạnh rõ ràng là: quần chúng yêu cầu, cấp cao ủng hộ, đội ngũ cộng tác viên có tên tuổi hưởng ứng và TTX một mình xông trận, chẳng phải cạnh tranh với ai. Cái yếu lại chính là trình độ chuyên sâu của thế hệ làm văn hoá thể thao thời đó còn kém cỏi và tầm nhìn còn hạn hẹp của số chuyên viên cấp trung gian. Chuyện nực cười là cả khi Ban Bí thư đã ra quyết định thành lập, bên cạnh TTXVN, một hãng thông tấn báo chí đối ngoại (phi chính phủ) gồm các tờ báo, nhà xuất bản và trung tâm nghe nhìn, mà các chuyên viên vẫn còn “soi” ảnh mấy cô VĐV bơi lội mặc đồ tắm in trên báo TT&VH có độ nét cao như một cái gì “phản văn hoá”!

Tình hình hơn 20 năm trước là như vậy đó. Chịu trận mà vui mà phấn chấn. Chỉ có ít đồng liên hoan, bồi dưỡng lúc làm việc căng thẳng, đâu có trợ cấp và tiền thưởng như hôm nay.

Tổng biên tập già nói không biết mệt chuyện xưa rồi bỗng bật cười hể hả, nói với Tổng biên tập đương nhiệm: Nghe những phát biểu của ông nhân ra mắt TT&VH hàng ngày mà thấy tâm phục, khẩu phục. Tầm nhìn của mấy ông bây giờ vượt xa lớp già chúng tôi. Nào tốc độ, nhịp độ, nào quan hệ giữa tốc độ và giá trị. Nào ranh giới thể thao và văn hoá, nào văn hoá của thể thao v.v... và v.v...

Nhưng trên tất cả, phải biểu dương sự hiểu biết khá sâu, khá chắc của phóng viên, biên tập viên và đội ngũ cộng tác viên. Nếu đặt sự hiểu biết chuyên sâu đó trên một nền tảng kiến thức tổng hợp cao hơn, chắc chắn ta sẽ có những nhà báo thể thao và văn hoá thực thụ. Chính từ những số báo đã xuất bản, có thể nhìn ra độ sung sức và chững chạc của tuổi 25 báo TT&VH. Chúc mừng thân thiết thế hệ làm báo TT&VH trong ngày sinh nhật ngàn lần đáng ghi nhớ này.

Đỗ Phượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm