Phim lãi nhất mọi thời đại!

08/09/2010 06:06 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Kinh phí sản xuất “bèo” không thể tưởng tượng, diễn viên từ đầu đến cuối hầu như chỉ có hai người trong một ngôi nhà, máy quay đặt cứng một chỗ, đạo diễn kiêm tác giả kịch bản thì… nghiệp dư có thừa! Vậy mà bộ phim kinh dị độc lập Paranormal Activity (Hành động huyền bí) đã trở thành một hiện tượng doanh thu độc nhất vô nhị trong lịch sử điện ảnh.

>>Để đọc những bài viết đặc sắc về điện ảnh trên TT&VH hãy bấm vào đây

Đạo diễn sợ ma… làm phim ma

Chàng trai người Israel, Oren Peli (sinh năm 1971) đến Mỹ lập nghiệp từ năm 19 tuổi. Khởi đầu là một lập trình viên máy tính, sau đó sống bằng nghề lập trình videogame tại Sony Computer Entertainment. Oren Peli đặc biệt sợ ma trong suốt cuộc đời mình, thậm chí anh còn sợ luôn cả bộ phim kinh dị hài rất nổi tiếng được nhiều người yêu thích năm 1984, Ghostbusters (Biệt đội bắt ma)!


Cảnh trong phim
Dần dà, anh nảy ra ý định chuyển nỗi sợ đó thành thứ gì đó tích cực và hữu ích hơn. Anh muốn khai thác nỗi sợ cơ bản nhất của con người bằng một bộ phim, mà ý tưởng xuất phát từ một trải nghiệm cá nhân của chính mình… Vào một đêm rất khuya, Peli đang ngủ, bỗng hộp bột giặt rơi từ kệ xuống làm anh thức giấc. Anh sợ tái người lẫn ngạc nhiên khi thấy hộp bột giặt bị đẩy đi khá xa, nó nghiêng qua một bên rồi đổ xuống!

Peli cho rằng khi đang ngủ say vào ban đêm, ta không thể biết có vô vàn những hiện tượng kỳ lạ xảy ra tương tự như hộp bột giặt, hoặc thậm chí còn ghê gớm hơn, đó là lúc ta dễ bị tổn thương nhất. Peli lập luận rằng, “Nếu cái gì đó đang ẩn nấp trong nhà bạn, thì bạn sẽ không thể làm được gì nhiều để giải quyết nó đâu!”. Anh quyết định sẽ tự làm một bộ phim ma theo kiểu của mình, và câu chuyện Paranormal Activity ra đời.

Trong phim, hai nhân vật chính Micah và Katie, chuyển đến một ngôi nhà ở ngoại ô San Diego. Đêm nào họ cũng nghe những tiếng động lạ. Nghi ngờ căn nhà bị ma ám, họ quyết định đặt máy quay để thu lại những gì xảy ra lúc đêm khuya khi họ đang ngủ. Không may, sự nghi ngờ đó lại có thật khi chiếc máy quay gia đình tình cờ thu lại được những bất thường xảy ra trong ngôi nhà. 21 ngày trôi qua là 21 điều kỳ quái xảy ra với mức độ kinh hoàng mỗi lúc tăng dần!

Một phong cách sản xuất phim không giống ai

Oren Peli bỏ ra một năm để sửa sang lại ngôi nhà của chính mình để làm bối cảnh quay phim. Anh sơn lại các bức tường màu trắng để tạo không khí lạnh lẽo, bày thêm đồ đạc, lót thảm, và xây một cầu thang không có tay vịn. Trong thời gian này, anh cũng nghiên cứu bao quát các hiện tượng siêu linh và ngành ma quỷ học, “Chúng tôi muốn sự chân thật trong khả năng của mình”.

Vì không có tiền, nên Oren Peli cố gắng tập trung câu chuyện vào cảm giác của người xem hơn là những hành vi bạo lực máu me. Peli quyết định tự quay phim bằng camera cầm tay rẻ tiền, loại dùng cho gia đình. Anh dùng cách thức đơn giản và tĩnh nhất: để máy quay một chỗ với một góc máy! Peli lập luận rằng điều này sẽ giúp khán giả tập trung cho câu chuyện và nhân vật hơn. Nhưng thực chất quay kiểu đó để khỏi cần thuê một ê-kíp camera cho đỡ tốn tiền, chỉ một mình anh là đủ!

Paranormal Activity chỉ có câu chuyện chứ không có kịch bản thật sự. Thay vào đó, diễn viên được cho biết vài nét chính của câu chuyện, và các tình huống để ứng biến, lời thoại trong phim cũng hoàn toàn ngẫu nhiên - một kỹ thuật rất phổ biến hiện nay cho các bộ phim rẻ tiền, tạm gọi là Kịch bản ứng tác (Retroscripting). Trước đây bộ phim “huyền thoại” The Blair Witch Project (Dự án phù thủy Blair) đã từng dùng kỹ thuật này.

Peli cũng kiêm luôn cả việc casting. Mùa Xuân 2006, anh cho đăng quảng cáo miễn phí trên Craigslist với nội dung rất ngộ nghĩnh: “Một bộ phim cần tìm các nam nữ diễn viên chưa có tên tuổi. Có khả năng ứng biến để có thể diễn xuất trong đêm tối, mà không cần quan tâm đến thứ tự những cảnh kế tiếp là gì!”. Hàng trăm người đến thử vai, Peli đã chọn được hai diễn viên vô danh Katie Featherston và Micah Sloat.

Lúc đầu anh xem họ diễn thử riêng lẻ rồi sau đó cho họ diễn chung với nhau, kể cả những cảnh âu yếm trên giường. Peli bị ấn tượng bởi sự ăn ý của các diễn viên, “Nếu các bạn xem đoạn phim diễn thử, bạn sẽ nghĩ họ từng biết nhau nhiều năm rồi”. Mỗi người được trả thù lao là 500 USD cho vai diễn. Tên Katie và Micah của họ cũng là tên ở trên phim. Tổng cộng có 8 diễn viên được mời đóng phim, nhưng sau này bản phát hành ở rạp đã được cắt bớt chỉ còn có 5 nhân vật (2 chính, 3 phụ)!

Do quá ít tiền, một lịch quay ngặt nghèo đã được đặt ra trong 7 ngày, làm việc căng thẳng suốt từ sáng đến tối mịt. Peli cắt dựng và áp dụng các hiệu ứng hình ảnh vào bộ phim ngay trong lúc quay. Cuối cùng bộ phim đã hoàn tất trong thời gian 10 ngày, tốn kém của các nhà sản xuất từ 11.000 đến 15.000 USD (tính luôn cả tiền sửa nhà!), trong khi dự toán ban đầu của Oren Peli chỉ là… 10.000 USD!


Hai diễn viên Micah Sloat và Katie Featherston
cùng dạo diễn Oren Peli (bìa phải)

Chuyện cổ tích của thế kỷ 21!

Sau khi phim hoàn tất, Oren Peli ký hợp đồng với Creative Artist Agency. Bộ phim ra mắt lần đầu tiên tại LHP kinh dị Screamfest (Mỹ) vào ngày 14/10/2007, và phát DVD cho bất kỳ ai sẵn sàng phát hành. Chẳng ai thèm đoái hoài bộ phim cho tới năm 2007 khi lãnh đạo cấp cao Jason Blum của Miramax Films và đối tác sản xuất, Steven Schneider, xem riêng bộ phim.

Theo yêu cầu của Blum, Peli dựng lại bộ phim để nó chặt chẽ và trôi chảy hơn. Nhưng sau đó lại nảy sinh nhiều vấn đề hơn: LHP Sundance không chấp nhận bộ phim, mặc dù nó vừa được trình chiếu ngày 18/01/2008 tại LHP Slamdance. Không một nhà phát hành nào để mắt tới Paranormal Activity. Hành trình “lang bạt” của DVD chào hàng dừng chân tại hãng DreamWorks và được giám đốc sản xuất Ashley Brooks xem thử.

Brooks bị bộ phim gây ấn tượng đến mức cô kiên quyết yêu cầu sếp của mình là Adam Goodman phải xem cho bằng được dù bận tới đâu. Đến lượt Goodman mang bộ phim tới đề nghị Stacey Snider, lãnh đạo hãng DreamWorks, phải xem. Cả hai đều bị bộ phim thuyết phục và đi đến quyết định, đưa DVD cho “ông trùm” lừng danh Steven Spielberg xem thử!

Spielberg rất thích, nhưng lại bật đèn xanh cho một bộ phim làm lại với kinh phí lớn hơn, giao cho Jason Blum sản xuất và để Oren Peli đạo diễn. Hãng Paramount giành được quyền phân phối bộ phim trong nước, và quyền phân phối khắp thế giới cho các phần tiếp theo (nếu có) với giá 300.000 USD.

Tuy nhiên bước ngoặt quan trọng đã xảy đến trong khi Blum và Peli thương lượng hợp đồng với DreamWorks. Họ đưa ra đề nghị như là một phần của thỏa thuận: Trước khi quay phiên bản mới, phải đưa bản gốc ra chiếu thử vài buổi để xem khán giả thật sự phản ứng ra sao. Adam Goodman đồng ý và mời một vài nhà biên kịch tới buổi chiếu bản gốc, để họ có ý tưởng viết thêm hay bỏ bớt cái gì trong kịch bản của bộ phim làm lại.

Tại buổi chiếu, khi mọi người bắt đầu bước ra, Goodman sợ rằng mình đã phạm sai lầm khi cho chiếu bản gốc… Nhưng ngay lập tức ông phát hiện ra rằng, tất cả bỏ ra ngoài là vì bộ phim làm cho họ quá sợ hãi và khiếp đảm! Chính vào lúc này, Goodman đưa ra một quyết định cực kỳ táo bạo và liều lĩnh: Không làm lại phiên bản mới với kinh phí lớn nữa, mà sẽ phát hành bản gốc 15.000 USD của Oren Peli ra rạp!

Bước vào lịch sử điện ảnh khó ai sánh kịp

Oren Peli và Jason Blum chiếu bộ phim cho những khách hàng phát hành quốc tế tại một nhà hát ở Santa Monica, xem cùng với một đám đông hầu hết là thanh thiếu niên đã mua hết vé. Phản ứng tích cực xảy ra ngay sau buổi chiếu: Quyền phát hành quốc tế đã được bán cho 52 nước chỉ trong 48 giờ - điều chưa từng bao giờ xảy ra! Sự truyền miệng tích cực lan nhanh đã làm tăng danh tiếng của bộ phim.

Ngày 25/9/2009, Paramount Picturesquyết định phát hành bộ phim tại 13 thị trấn đại học khác nhau khắp nước Mỹ. Trên website của mình, đạo diễn Oren Peli mời những người sử dụng internet - đưa ra “yêu cầu” bộ phim sẽ diễn biến tiếp theo như thế nào, bằng cách bình chọn trên Eventful.com. Việc phát hành Paranormal Activity, đánh dấu lần đầu tiên một hãng phim lớn sử dụng dịch vụ này để tiếp thị rộng rãi cho một bộ phim.

Với chi phí cho chiến dịch quảng cáo chỉ khoảng 10 triệu USD, quyết định chiếu nhỏ giọt tại từng thị trường của Paramount thật độc chiêu, vì nó hoàn toàn dựa vào sự truyền miệng nhanh như chớp của các mạng xã hội ảo như Facebook, Twitter… Số rạp được tăng lên dần dần theo chủ đích: Ban đầu từ 12 lên 33, rồi 160 lên 760, tới cuối tuần thứ hai vọt lên 1.945 rạp!

Ngày 6/10, Paramount và Eventful.com loan báo rằng bộ phim sẽ được phát hành trên toàn quốc nếu bộ phim nhận được 1.000.000 “lời yêu cầu”. Con số này nhanh chóng có được chỉ sau 4 ngày! Sau đó, Paramount đã làm đúng như lời cam kết, với tổng cộng 2.400 rạp trên toàn nước Mỹ trình chiếu Paranormal Activity! Tới tháng 11/2009, phim được phát hành rộng rãi trên khắp thế giới.

Tổng cộng doanh thu toàn cầu của bộ phim đã lên tới 193,8 triệu USD. Như vậy Paranormal Activity đã thu được lợi nhuận gấp 645,8 lần, so với kinh phí sản xuất ban đầu là 15.000 USD! Chưa kể doanh thu từ home video (DVD, Blu-ray…) là 13,9 triệu USD nữa. Một con số lợi nhuận vô tiền khoáng hậu, một kỳ tích có lẽ sẽ tồn tại mãi với thời gian!

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm