Trên 'trận địa thông tin', bị động thì xử lý đã mệt, nói gì chiến thắng

26/01/2015 12:55 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - “Đưa thông tin Chính phủ lên mạng xã hội”, “Không thể cấm đưa thông tin lên mạng”, “Phải đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội” - đó là những tiêu đề nổi bật trên báo chí khi thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và Triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ. Nhưng thực tế, thời gian qua, hàng loạt cơ quan báo chí bị xử phạt vì đưa thông tin sai sự thật, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, có dụng ý xấu với mục đích chống phá nhà nước, xuyên tạc và bôi nhọ các tổ chức, cá nhân gây tâm lý hoang mang cho nhiều người.

Khách mời mục Đối thoại tuần này là ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều thông tin sai lệch, bôi nhọ danh dự của các tổ chức, cá nhân, gây hoang mang với không ít người. Ông đánh giá thế nào về tình trạng nhiễu loạn thông tin như vậy?

- Phải nói một cách khách quan và đầy đủ, mạng Internet, mạng xã hội thực chất là phương tiện chuyển tải, trao đổi, kết nối về mặt thông tin. Bản thân mạng xã hội không tạo ra thông tin mà chủ thể là con người. Vấn đề này phụ thuộc vào người đưa và tiếp nhận thông tin. Trong hội nghị mới đây của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã có phát biểu thể hiện quan điểm, thái độ của người đứng đầu Chính phủ với luồng thông tin trên mạng này.

Mạng xã hội là một thế giới phẳng, có nhiều người tham gia trên đó, thông tin đưa ra ở đó muôn màu muôn vẻ, cả tích cực và tiêu cực. Vấn đề để nhận thức được, phải hiểu bản chất thông tin trên mạng xã hội để có thái độ và cách ứng xử phù hợp nhất.

* Như ông vừa nhắc tới, tại hội nghị của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin”. Theo ông, làm thế nào để có thông tin chính thống, để người dân tin?

- Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước. Đây là biện pháp tăng cường cung cấp thông tin chính thống từ phía cơ quan chức năng. Tôi hay nói: Mạng xã hội không bao giờ ngủ, có nghĩa là nó liên tục hoạt động. Không có thông tin, không đề cập thì thông tin sai lệch trên mạng sẽ lấn át. Trận địa thông tin mà ta không làm chủ, không chiếm lĩnh thì thông tin trên Intertnet sẽ chiếm. Vì thế phải chủ động, khẩn trương, tích cực đưa thông tin chính thống, định hướng dư luận; tạo ra lòng tin và sự đồng tâm tránh nhiễu loạn, phân tâm trong xã hội. Đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội là thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”...

* Giữa năm 2014, khi xảy ra một số hành vi gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, để truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, thông tin được nhắn hàng ngày qua tổng đài tới các thuê bao di động. Điều đó phần nào thể hiện thế mạnh của công nghệ và mạng xã hội. Theo ông, có nên thường xuyên áp dụng phương thức kết nối này?

- Đấy cũng là một trong những biện pháp. Nhưng tôi nghĩ nên thiết lập tài khoản mạng xã hội của chính khách, lãnh đạo bộ, ban ngành công khai. Nhiều nước trên thế giới, nguyên thủ quốc gia có tài khoản chính thống nhằm liên kết, trao đổi, trả lời thắc mắc của công dân. Trên “trận địa thông tin”, bị động thì xử lý đã mệt rồi, chứ nói gì tới chiến thắng và giành lại được.

* Không chỉ có mạng xã hội, thông tin lệch chuẩn còn xuất hiện trên hàng loạt tờ báo được cho là chính thống. Ông nghĩ sao trước thực tế này?

- Thứ nhất phải thừa nhận, nguyên nhân của thông tin thiếu chính xác trước hết là bởi năng lực chuyên môn, quy trình làm báo bị bỏ qua, buông lỏng. Nhưng mặt khác, việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí nhiều cơ quan đơn vị làm nhưng chưa tốt, chưa thường xuyên, kịp thời. Nếu bộ, ngành nào ý thức tốt việc này, thì vấn đề cung cấp, giải quyết khủng hoảng truyền thông tốt. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận có bộ, ngành làm chưa tốt, có nơi né tránh, đùn đẩy, thậm chí đôi khi còn bưng bít thông tin. Cái này phải nghiêm khắc nhìn nhận.

Trong tình hình hiện nay, ngoài việc thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí, cũng cần nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ năng tiếp nhận và đưa thông tin trên mạng xã hội. Đất nước có khoảng gần 30 triệu người sử dụng mạng xã hội, tức là hơn 1/3 dân số. Nếu người dùng mạng xã hội không có kỹ năng, không có đạo đức thì có thể tạo ra sự nhiễu loạn thông tin.

* Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT khá “mạnh tay” khi xử phạt các báo đưa thông tin sai sự thật, phản cảm. Có ý kiến cho rằng động thái này là để siết chặt thông tin của báo chí?

- Đúng là có nhiều ý kiến đề cập tới việc xử lý nặng hay xử phạt để siết chặt thông tin. Nhưng theo tôi, chúng ta phải trở lại nguyên tắc rất cơ bản là phát triển báo chí đi đôi quản lý tốt. Vấn đề xử phạt báo chí là một trong nhiều nội dung quản lý. Tuy nhiên cần tìm cơ chế tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho báo chí phát triển, trong đó có vấn đề cung cấp thông tin. Trong thời kỳ đương nhiệm, gần như kỳ họp nào tôi cũng nghe Thủ tướng nhắc vấn đề: Đề nghị bộ, ngành chủ động hơn, kịp thời hơn... cung cấp thông tin cho báo chí. Khi chủ động chúng ta chiến thắng, khi bị động thì đối phó khó. Có thông tin chính thống, chắc chắn sẽ hạn chế thông tin sai sự thật.

* Có bài học nào về việc chậm cung cấp thông tin gây khó khăn trong quá trình xử lý không, thưa ông?

- Nhiều bài học. Việc chậm cung cấp thông tin sẽ tạo điều kiện cho thông tin của nước ngoài, người ta nói rồi, mình nói sau không lại được. Ví dụ như vụ bạo loạn ở Tây Nguyên những năm 2002, năm 2004, báo chí ta thông tin sau một tuần, trong khi báo chí nước ngoài một tuần đó đã thông tin và tạo ra dư luận xã hội rồi. Như thế không còn có thể tạo ra sự cân bằng về thông tin. Hay vụ nổ pháo hoa ở Mỹ Đình (Hà Nội) lúc 11h45 ngày 8/10/2010 là một tai nạn lao động. Nhiều nhân chứng ở hiện trường chụp bằng điện thoại đưa lên; báo chí đưa lên, hạ xuống tạo nên sự nghi ngờ. Phải 4 tiếng đồng hồ sau mới có phát ngôn, cung cấp thông tin chính thức để định hướng dư luận xã hội...

* Xin cảm ơn ông!

“Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt trong năm nay” - phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Nguồn: Website Thủ tướng Chính phủ)

Theo một báo cáo về tình hình sử dụng mạng xã hội của We Are Social có trụ sở tại Anh thì tính đến đầu năm 2014 Việt Nam có tới 30 triệu người dùng Internet; 20 triệu người dùng điện thoại thông minh; hơn 134 triệu thuê bao di động, trên dân số hơn 92 triệu người gồm 31% sinh sống ở thành thị và 69% ở nông thôn.

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm