Sự thật kinh hoàng về cái chết của pharaon Ramses III

22/12/2012 13:27 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học vừa vén màn bí mật hơn 3.000 năm về một thảm kịch cổ đại, một vụ án xảy ra trong vương quốc của các pharaon từ năm 1115 trước Công nguyên, với tiêu điểm là cái chết của pharaon Ramses III.

Pharaon Ramses III chứng kiến cuộc chiến giành ngôi báu giữa những người con của mình. Khi hoàng tử Ramses, người con trai của ông với bà vợ cả được chỉ định làm người kế vị, khiến nhiều thành viên hoàng gia không hài lòng, đặc biệt là người vợ kế, hoàng hậu Tiyi đã tức giận bởi con trai của bà ta là Pentaouret không được kế vị.

Cuộc chiến tương tàn vì ngôi báu

Trong số khoảng 40 người mưu phản có các quan lại và tướng quân đội, tất cả đều là những người thân cận của Ramses III. Điều đó chứng tỏ hoàng tộc không phải là điểm tựa an toàn cho các pharaon. Theo như sử gia Nicolas Grimal trong cuốn Lịch sử Ai Cập cổ đại viết, kế hoạch mưu phản rất đơn giản nhưng vô cùng độc ác.

Những kẻ mưu phản quyết định hành động trong lễ hội thung lũng diễn ra ở Medinet Habu bên bờ tây sông Nil, nơi Ramses III cho xây dựng ngôi đền đồng thời là nơi yên nghỉ của mình. Âm mưu tạo phản thất bại và Ramses III trao toàn quyền quyết định cho 12 quan toà trong 4 phiên toà được mở để kết tội những kẻ phản nghịch.

Phiên toà thứ nhất kết án hoàng hậu Tiyi và 28 người khác tội chết. Một số bị cáo là phụ nữ đã tìm cách quyến rũ các quan toà nhưng bất thành và bị quy thêm tội. Phiên toà thứ hai kết án 6 người phải tự sát công khai. Phiên toà thứ ba kết tội 4 người, trong đó có hoàng tử Penteouaret bị biệt giam nhưng nhiều sử gia cho rằng hoàng tử đã uống thuốc độc tự tử để không chịu chung số phận bị thiêu và tro cốt bị đem rải đi khắp các phố như những kẻ mưu phản khác.

Hình vẽ mô tả pharaon Ramses III

Ramses III chết khi phiên toà thứ 4 hoàn tất, kết tội một số kẻ mưu phản phải chịu hình phạt bị cắt mũi và tai.

Một phần của câu chuyện được biết đến nhờ những hình vẽ mô tả phiên toà trong những cuốn sách giấy cói cổ Papyrus Harris còn lại đến ngày nay. Các nhà nghiên cứu thực sự quan tâm đến số phận của nhân vật chính có liên quan, đó là Ramses III.

Các tài liệu không đề cập điều gì đã xảy ra với vị pharaon này bởi vụ án chỉ khép lại sau khi ông qua đời. Người con trai được chỉ định kế vị lên ngôi lấy tên Ramses IV. Các nhà Ai Cập học đưa ra 3 giả thuyết. Một là âm mưu ám sát Ramses III thành công nhưng việc lật đổ người kế vị bất thành. Hai là âm mưu đã bị phát hiện, Ramses III chết vì những nguyên do tự nhiên bởi cuối đời, vị pharaon rất ốm yếu, bị chứng xơ vữa động mạch. Thứ ba, Ramses III bị thương nặng và qua đời do những vết thương trúng phải khi chống lại những kẻ mưu phản.

Bí mật dần sáng tỏ

Bí mật về cái chết của Ramses III tiếp tục là bài toán đố chưa có lời giải. Một nhóm các nhà nghiên cứu bằng các phương pháp của cảnh sát điều tra đã giải mã được bí mật về cái chết của vị pharaon này và công bố ngày 17/12 trên tạp chí Y khoa Anh (British Medical Journal).

Nhóm do Tổng Thư ký Hội đồng tối cao về cổ vật Ai Cập, ông Zahi Hawass và Albert Zink- chuyên gia về xác ướp, nổi tiếng với các nghiên cứu về người tuyết Ötzi đứng đầu đã tiến hành chụp quét xác ướp của Ramses III. Họ đã phát hiện thấy vị pharaon bị một vết thương rất nặng ở cổ họng ngay dưới thanh quản.

Nghiên cứu mô tả, dưới lớp vải liệm bằng lanh là một vết cắt dài 7cm, nhiều khả năng được tiến hành bằng một lưỡi dao lam cực sắc.

Vết cắt rất sâu kéo dài tới tận các đốt sống cổ. Vết cắt có trên phần da phía trước cổ, khí quản, thực quản và các động mạch chủ. Những người ướp xác không bao giờ có các thao tác trên các phần của cơ thể, nên có thể đó là một vết thương gây tử vong.

Các dấu vết cho thấy pharaon bị cắt vào cổ và chết ngay tức thì. Dựa trên các hình ảnh thu được từ máy quét, các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi phát hiện một vật thể nhỏ có đường kính chừng 15 mm ở trong vết thương. Sau khi phục chế vật thể trên, các nhà khoa học nhận thấy đây chính là một tấm bùa hay còn được gọi là “con mắt của Horus”, giống như những người ướp xác đã làm với hy vọng vết thương của người chết sẽ được chữa khỏi bên thế giới bên kia.

Không chỉ nghiên cứu xác ướp của pharaon Ramses III, các nhà khoa học còn tiến hành tương tự trên xác ướp vô danh khác được đặt tên là “người đàn ông E” được chôn cùng với pharaon và một số xác ướp hoàng tộc khác trong các chân cột của hầm mộ. Các xét nghiệm về xương cho thấy người đàn ông này có tuổi chừng 18-20. Cơ thể của người này phải trải qua một quá trình ướp xác không bình thường. Máy quét cho thấy não và nội tạng không được lấy ra khỏi cơ thể, không có quá trình ướp xác.

Hơn nữa, xác ướp được bọc trong da dê, chất liệu vốn không được sử dụng vì bị coi là có thể ây ô uế cho nghi lễ ướp xác. Dường như xác ướp này phải chịu một hình phạt ô uế khi ở thế giới bên kia.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các phân tích về gen khi so sánh các nhiễm sắc thể Y của hai xác ướp này nhằm xác định liệu họ có quan hệ huyết thống hay không. Kết quả là cả hai cùng dòng dõi, nhiều khả năng là cha và con dựa trên sự khác biệt về tuổi tác. Theo các tác giả, có thể “người đàn ông E” chính là Pentaouret. Người con phản nghịch đã được chôn chung với người cha, cũng chính là  người mà anh ta đã cướp đi sinh mạng vì tham vọng vương quyền.

Ngọc Nhàn (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm