Nhà thơ Trần Đăng Khoa: 'Nhà tôi chôn cất chó chứ không ăn thịt'

18/04/2015 07:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tên gọi chiến dịch kêu gọi không ăn thịt chó Về đi Vàng ơi! của Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA) lấy cảm hứng từ bài thơ “Sao không về Vàng ơi?” khóc chú chó đi lạc của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Chiến dịch của Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA) dùng hình ảnh những chú chó thân thiết với con người và ý thơ “Sao không về Vàng ơi?” đầy xúc động để đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng.

Sáng 17/4, khi được PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN) hỏi về chiến dịch này, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định quan điểm: “Tôi ủng hộ chiến dịch. Chúng ta nên kiên quyết không ăn thịt chó. Thay vào đó, có thể ăn giả cầy, ăn các món ăn ngon khác”.

Nhà thơ kể: “Mẹ tôi không ăn thịt chó nên mấy anh em chúng tôi không ai biết ăn thịt chó. Đến bây giờ cũng thế, chó nuôi trong nhà khi qua đời chúng tôi cũng lấy chăn quấn lại chôn ở góc vườn. Việc chôn chó ở góc vườn với gia đình tôi thiêng liêng lắm”.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu ở Ngày sách Việt Nam hôm 17/4. Ảnh: Mi Ly.

“Khi tôi chết, tôi cũng chỉ muốn được chôn ở gốc khế như con Vàng thôi. Và trước đó, đọc một câu thơ như sau: “Bao năm ròng mệt mỏi/ Xuống xứ này rong chơi/ Giờ ta làm ngọn khói/ Õng ẹo bay về trời” - Trần Đăng Khoa bộc bạch.

Bài thơ Sao không về Vàng ơi? được sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt, truyền tải cảm xúc chân thực của nhà thơ. Ông rất vui khi đến nửa thế kỷ sau, công chúng vẫn còn nhớ đến và dùng hình ảnh trong bài thơ làm cảm hứng cho chiến dịch chống ăn thịt chó.

Trần Đăng Khoa nhớ lại: “Chuyện bài thơ về con Vàng là như thế này: Lúc đó, nhà tôi nuôi một con chó mực đen tuyền, chẳng vàng chút nào hết. Sau một trận bom, con chó nhà tôi bỗng dưng bỏ đi mất. Cả nhà tìm không thấy, đau buồn như có tang”.

“Đúng lúc đó, bác Lê Hào trưởng ty giáo dục về thăm, bảo tôi làm bài thơ đó viết vào cuốn sổ tay. Bài thơ đầu tiên còn có tên là Mất chó. Tôi viết như thế này: “Nghe bom thằng Mỹ nổ. Mày bỏ chạy đi đâu? Tao chờ mày đã lâu. Cơm phần mày để cửa” y nguyên như bài thơ sau này. Chỉ có phần sau là khác: “Sao không về hả chó? Tao nhớ mày lắm đó. Chó ơi là chó ơi”. Dưới còn đề là “Kỷ niệm ngày mất chó 3//4/1967”.

Viết xong bài thơ, nhà thơ gửi cho báo Văn Nghệ. Một tuần sau bài thơ được in ở góc thơ nhi đồng, nhưng ban biên tập đã sửa một vài câu rất hay. “Sao không về hả chó?” thành “Sao không về Vàng ơi?”. Và câu cuối từ “Chó ơi là chó ơi” thành “Vàng ơi là Vàng ơi”, từ một tiếng gọi bình thường, câu thơ sau khi sửa đã trở thành một tiếng khóc.

Chữ “Vàng” còn có thêm một ý nghĩa nữa, là con chó nuôi trong nhà với con người quý giá như vàng. “Chó cũng như bè bạn, ai khóc bạn mà lại “Chó ơi là chó ơi” bao giờ không?” – Trần Đăng Khoa nói.

Thăm dò ý kiến

Bạn đồng ý hay phản đối việc ăn thịt chó?


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm