Nguyễn Trọng Cảnh - Ông đại tá khắc chế “thần chết”

27/12/2010 11:34 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trước khi về Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước, ông được thông báo có một quả bom Mỹ cỡ lớn còn sót lại ở vùng núi Bình Định. Ông cùng anh em công binh đã có mặt ngay để khảo sát. Khi bắt tay vào công việc, ông thấy kinh ngạc vì quả bom quá lớn, đường kính bom hơn 1m, dài tới hơn 3m, chưa kể chiều dài phần đuôi và chứa hơn 4 tấn thuốc nổ. “Nếu nổ, bom sẽ san phẳng một quả đồi…”.

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng) mở đầu câu chuyện về “công việc thường ngày” của đơn vị mình. Trong Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII, ông là 1 trong 25 người thay mặt 1.500 đại biểu báo cáo trước đại hội.

Nỗi ám ảnh của người lính

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh

Cả đời ông ám ảnh về những quả bom, ăn nghĩ đến bom, ngủ nghĩ đến bom. Nỗi ám ảnh đi cả vào giấc mơ, nhiều đêm ông giật mình bật dậy, toát mồ hôi hột. Hàng vạn quả bom mìn, những “tử thần” rình rập sau chiến tranh đã bị đôi bàn tay ông và đồng đội vô hiệu hóa.

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh tâm sự, nỗi ám ảnh lớn nhất của ông là cảnh tượng trong một đoạn phim tài liệu về một vụ nổ bom mìn. Bom nổ, 3 cháu bé văng ra, chết tại chỗ, thân hình bị rách nát. Sẽ không có gì đáng nói nếu đó không phải là cảnh quay trực tiếp tại một buổi tiêm chủng mở rộng ở Cam Lộ, Quảng Trị. Một cháu bé đã vô tình đạp phải vật nổ sót lại, vụ nổ xảy ra ngay trước ống kính máy quay.

Ông đau đớn với một chi tiết người xem không được biết, một cháu còn cố gọi “mẹ ơi” trước khi lịm hẳn đi: “Tiếng kêu đau đớn tột cùng của cháu bé làm tôi day dứt mãi không thôi, mỗi lần nghĩ đến nước mắt lại ứa ra”.

Đối diện với thần chết

Trong cuộc đời, không biết bao nhiêu tình huống ông đối mặt trực diện với thần chết. Trở lại với tình huống xử lý quả bom Mỹ cỡ lớn ở vùng núi Bình Định kể trên. Với đường kính bom hơn 1m, dài tới hơn 3m, chưa kể chiều dài phần đuôi và chứa hơn 4 tấn thuốc nổ, ông đánh giá: “Nếu nổ, bom sẽ san phẳng một quả đồi, khoét một hố có đường kính 300m với diện tích hố hơn 7 héc-ta. Sức công phá của loại bom này khi nổ trên mặt đất có thể làm sạch một diện tích khoảng vài chục héc-ta”.

Các chiến sĩ “gánh” một quả bom lớn trong quá trình xử lý
Quả bom lại có cách lắp ngòi nổ khác thường, chỉ cần một sơ xuất nhỏ, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp. Mấy đêm, ông thức trắng để tìm cách khóa ngòi nổ tử thần kia rồi trực tiếp bắt tay vào cuộc cùng anh em. Vật lộn suốt 3 tuần trời trong hoàn cảnh cận kề cái chết. Có những lúc, thời gian như ngưng lại, tưởng chừng chỉ còn nghe thấy nhịp tim người lính và dòng máu chảy dần dần trong những thớ thịt. Sự ngột ngạt đến nghẹt thở. Chỉ đến khi ngòi nổ và 4 tấn thuốc nổ đã tách ra khỏi vỏ bom thì anh em mới biết chắc là mình “thoát chết”.

Bà con trong vùng, sau những ngày lo lắng cho các anh, ai cũng xuýt xoa, hết lời ca ngợi những người lính công binh. Trong đời ông, không thiếu những phút giây như thế.

Giải quyết hậu quả bom mìn: Từ 300 năm xuống còn 50 năm

Giữa thời bình, những chiến sĩ công binh, đồng đội ông vẫn âm thầm làm nhiệm vụ và lặng lẽ hy sinh trên mặt trận này. Ông luôn ghi nhớ các con số thương vong của các đồng chí. Giọng trầm xuống, ông nhắc lại, riêng trong gần 2 năm đầu sau chiến tranh (từ giữa năm 1975 đến đầu năm 1977), đã có 997 đồng chí hy sinh và 1.095 đồng chí mất đi một phần thân thể của mình khi dò gỡ bom mìn. Rồi tiếp những năm sau đó...

Hôm nay, 27/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội với 1.500 đại biểu. Đại hội sẽ diễn ra trong 2 ngày 27-28/12.

Đại biểu cao tuổi nhất là Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, 95 tuổi; đại biểu trẻ tuổi nhất là em Trần Ngọc Diễm Huyền 10 tuổi, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội.

Một trong những loại bom ám ảnh ông là loại bom chùm phốtpho của Mỹ. Đây là loại bom dễ bị kích hoạt, vỏ bom rất mỏng, dễ bị thủng làm phốt-pho thoát ra. Phốtpho tiếp xúc không khí là nổ cháy gây bỏng toàn thân dẫn đến cái chết không thể cứu được. Nhiều ngày đêm trăn trở, ông đã cùng anh em sáng chế ra hệ thống giá phóng, phóng bom xuống hố để bom tự nổ cháy. Nhờ giải pháp này, những người lính công binh đã hủy an toàn hết số bom chùm phốt-pho nguy hiểm còn lại.

Từ tiền đề đó, ông cùng đồng đội thực hiện thành công đề tài khoa học: “Nghiên cứu xác định công nghệ và mô hình tổ chức trạm xử lý bom mìn, đạn dược, vật nổ ở Việt Nam”, bảo đảm vô hiệu hóa nhiều loại bom trong chiến tranh, đảm bảo an toàn cho tính mạng người lính và nhân dân.

Đất nước còn nghèo, ông nhận thấy, việc mua máy dò hiện đại của nước ngoài quá đắt tiền, riêng một phần mềm cho một máy dò cũng hơn 200 triệu đồng. Ông đề xuất tổ chức nghiên cứu và thiết kế thành công phần mềm gắn cho máy dò bom đạn. Phần mềm do ông và đồng đội chế tạo đã cho kết quả bất ngờ, nó dễ dàng nhận dạng, xác định được ngay chủng loại, hình dạng, kích thước, trọng lượng và độ sâu của bom đạn đang nằm trong lòng đất.

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh nói rằng, lúc này ông chỉ có một tâm niệm: “Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở VN giai đoạn 2010-2025” đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 4/2010. Tôi chỉ mong làm vượt tiến độ, để thời gian khắc phục hậu quả bom mìn trên đất nước ta sẽ được rút ngắn từ hơn 300 năm xuống còn 50 năm”.

Tử Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm