Người dân có thể kiện Vedan nhưng... khó đạt hiệu quả

19/09/2008 10:42 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Trao đổi với www.thethaovanhoa.vn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết: "Những thiệt hại của người dân là không thể tính hết được. Việc thống kê mức độ thiệt hại là khó có thể có ngay vào thời điểm này. Nhưng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp sẽ phải vào cuộc để cùng xác định thiệt hại của người dân sau đó có những biện pháp hỗ trợ, định hướng công việc cho người dân ở đây".

Dù biết nước sông ô nhiễm nhưng ông Rí vẫn phải hàng ngày ngâm mình trong nước để kiếm sống

Thiệt hại nặng nề

Về vấn đề người nông dân có thể kiện Công ty TNHH Vedan hay không, ông Nguyên khẳng định ngay là có. Theo ông Nguyên, với những gì Vedan đã gây ra cho môi trường, ảnh hưởng nặng nề đến nguồn lợi thủy sản, sức khỏe người dân, với quyền của công dân và cơ sở luật pháp hiện nay, người dân hoàn toàn có thể kiện Vedan. Khá bất bình về vụ việc này, Bộ trưởng Nguyên chua chát nói, Vedan đã ăn không tiền môi trường, kiếm lời trên sức khỏe người dân. Thủ tướng đã chỉ đạo cho Bộ phải làm rõ vụ việc và chúng tôi sẽ làm đúng theo luật.

Thực tế khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm và lượng nước chưa qua xử lý của Vedan thải ra sông Thị Vải, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết mỗi ngày Vedan thải ra khoảng 44.800 m khối dịch thải sau lên men. Xét trên cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, Vedan đã trốn hàng chục tỉ đồng phí bảo vệ môi trường vì hành động này.Thế nhưng theo lời ông Ao Văn Thinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nói với báo chí trong ngày hôm qua 18/9, để tẩy sạch sông Thị Vải phải tốn khoảng 1.000 tỉ đồng. Số tiền này phải kêu gọi nhà đầu tư hoặc kinh doanh theo hình thức B.O.T để thu phí các phương tiện tàu bè đi ngang qua đó hoặc thu phí các doanh nghiệp đóng trên khu vực. Rất nhiều nhà báo đã cảm thấy khổng ổn trong câu trả lời này. Vì sao người gây ô nhiễm nặng nề cho sông Thị Vải là Vedan và một số công ty khác trong khu công nghiệp mà khi làm sạch lại lấy người khác ra để thu tiền xử lý nước? Đó có phải là một câu trả lời thỏa đáng?

Những dòng sông chết này khiến người dân Long Thành điêu đứng vì không thể nuôi bất cứ loài thủy sản nào

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đánh giá mức độ thiệt hại trong vụ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng này, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: "Đây là một bài toán kinh tế rất khó. Tuy nhiên, có thể tính toán dựa trên cơ sở tổng lượng thải, hàm lượng thải và quy định trách nhiệm phải đóng phí môi trường của công ty. Hiện nay, theo giá thị trường trong nước, xử lý nước thải ô nhiễm đạt chất lượng loại B đang ở mức 5 triệu đồng/m3. Nếu nói đến các ảnh hưởng khác do ô nhiễm gây ra thì VN chưa tính toán đầy đủ được".

Có lẽ bất cứ ai cũng phải kinh ngạc khi chính người của Vedan đã thừa nhận việc xả nước thải này ra sông Thị Vải đã diễn ra 14 năm nay. Cụ thể hơn, mỗi ngày hệ thống này bơm chất thải ra sông Thị Vải khoảng hai giờ. Vậy trong nước thải đó có những chất độc hại gì? Theo các nhà khoa học thì với sản phẩm là bột ngọt, tinh bột, nước đường, xút (NaOH), axit (HCl), phân bón… thì chất thải độc hại nhất, đáng sợ nhất mà Vedan thải ra chính là CYANURE. Theo khoa học chứng minh Cyanure là một trong các chất độc có tác dụng nhanh nhất và dễ gây chết người nhất. Hít cyanure có thể gây tử vong trong vòng vài phút.

Năm 2006, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường từng kiểm tra đột xuất Vedan và có kết luận: Hàm lượng cyanure ở mức vượt tiêu chuẩn cho phép thấp nhất là bảy lần và cao nhất 34 lần, trong khi tiêu chuẩn VN giới hạn hàm lượng loại chất độc hại này có trong nước thải sau xử lý phải nhỏ hơn 0,1 mg/lít.. Chưa hết, tiếp tục kiểm tra nước thải sau xử lý của hệ thống hồ sinh học ở Công ty Vedan, đoàn kiểm tra phát hiện có mẫu nước thải mà hàm lượng chất cyanure trong đó vượt tiêu chuẩn VN đến 5.600 lần (Theo Tuổi trẻ). Vậy nếu thải ra sông Thị Vải, không chỉ nói đến tôm cá, thủy sản, động vật mà con người sống quanh khu vực sông này sẽ thế nào? Kết luận về ảnh hưởng đối với người dân có lẽ chúng ta phải đợi Bộ Y tế đưa ra.


Chuyện bỏ hoang đâm tôm là không hiếm gặp ở Long Thành

Bằng chứng ở đâu

Ngô Thanh Phong, người nuôi tôm ở Phước An, Long Thành cho biết: "Ở đây chả ai lưu bất cứ giấy tờ gì liên quan đến mua bán tôm cả. Giờ có được đền bù cũng chả chứng minh được mình đã mua vào bao nhiêu, lúc chết thiệt hại thế nào". Những gì Phong nói minh chứng cho thực trạng phổ biến hiện nay của người dân nuôi chồng thủy sản ở khu vực Long Thành. Họ hoàn toàn không lưu giữ bất cứ thông tin, giấy tờ nào liên quan đến việc làm ăn của mình và chỉ đến khi gặp chuyện mới chẳng biết đường nào mà đền bù.

 Khi được hỏi, liệu có quan chức nào sẽ mất chức vì vụ này, Đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó Cục Cảnh sát Môi trường, cho biết: Chưa có dấu hiệu cho thấy đã có hành vi bao che, hợp tác, cố tình giấu giếm thông tin từ phía quan chức, cơ quan quản lý địa phương nên tôi chưa thể nói một vị nào đó sẽ bị xử lý
Trên thực tế, Phong cùng 2 anh em họ đã đầu tư 4 đầm  tôm. Trong năm 2007, chỉ vì một sơ xuất trong việc cho nước vào đầm đã  khiến 3 đầm tôm chết trắng. Toàn bộ số vốn dồn cho vụ Tết đã đi theo  con nước. Nhưng cả 3 anh em vẫn chỉ coi đó là "số đen" nên chẳng có bất  cứ biện pháp gì tìm hiểu đòi đền bù. Ngay cả khi xã gọi lên làm thống  kê đền bù, những người nuôi tôm này cũng chẳng có đủ giấy tờ chứng minh  thiệt hại. Mặc dù đã được xã hứa xem xét nhưng cho đến nay đã gần 1 năm  vẫn chẳng 1 đồng nào đến tay người bị thiệt hại. Đầm tôm cũng theo đó  bỏ không mất gần nửa năm.

Nhưng thế vẫn chưa hết, Tí, một chủ  đầm tôm gần đó không chịu bó tay. Anh tiếp tục làm sạch đầm, đợi gần  nửa năm rồi tiếp tục thả tôm giống. Tôm sống được hai tháng thì tiếp  tục nổi trắng đầm. Lần này thì toàn bộ vốn liếng của Tí ra đi, tính sơ  sơ tiền giống đã lên đến gần 100 triệu. Quá nản, Tí bỏ không đầm tôm đã  thuê lại của xã rồi về thành phố kiếm việc làm sống qua ngày. Theo Tí,  không thể đếm hết số đầm tôm hiện đang bỏ hoang ở Phước An hiện nay vì  có quá nhiều. Thiệt hại chung thì cứ cưa đầu người ra mỗi đầm 30 triệu  thì cũng đã ra con số hàng gần tỉ. Đó là chưa tính công sức, tiền thức  ăn, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng. Nhưng Tí cũng phải thừa nhận, khu  Phước An cách Vedan khá xa mà nước còn bị ảnh hưởng như vậy thì quanh  khu công nghiệp làm gì có loại cá gì sống cho nổi.

Mặc dù đã được mời lên xã khai báo để nhận đền bù nhưng đã gần 1 năm trôi qua, Phong vẫn chưa nhận được đồng nào cho những thiệt hại của mình

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Rí, người dân thuộc ấp 2, xã Long Thọ, Nhơn Trạch thì chán chả buồn quan tâm. Ông Rí cho biết: "Tôi bỏ nghề lâu lắm rồi nên giờ nghe chuyện Vedan bị bắt quả tang cũng chả buồn ngó. Còn vòng quanh đây như chú thấy rồi đó, đầm tôm bỏ hoang hàng năm trời có ai thèm đụng vào đâu". Quả thực, nhìn khung cảnh ở khu vực này, ai cũng ngao ngán bởi đến con người còn thấy khó chịu vì mùi nước, khung cảnh hoang tàn, huống chi con cá, con tôm sống trong dòngnước ô nhiễm.

Cô Ngọc, một phụ nữ nội trợ từng buôn bán tôm ở chợ cho biết: "Cả cái khu vực bao la đầm tôm này giờ chỉ còn rô phi. Chả ai đếm, mà đúng ra là chả ai quan tâm xem có bao nhiều người đã phải bỏ nghề nuôi tôm để đi kiếm sống chỗ khác". Cũng theo cô Ngọc, người có tuổi như cô và ông Rí thì chỉ còn biết đi bắt còng, bắt cút trong rừng bán kiếm sống qua ngày. Thanh niên đành vào các khu công nghiệp xin việc với lương tháng chỉ trên dưới 1 triệu. Cô thở dài: "Chẳng biết bao giờ mới có những ngày ăn mừng trúng vụ tôm như hồi xưa nữa".

Về vấn đề này, luật sư Trần Hồng Phong, cũng khẳng định việc kiện tụng đối với người dân thường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu giấy tờ. Người dân thường không lưu giữ hoặc không biết cần có những giấy tờ, thủ tục gì nhằm đạt ưu thế trong các vụ kiện tụng. Hơn nữa, trong nghề nuôi trồng thủy sản, người dân vẫn quan niệm được mất là do trời nên không bao giờ lo phòng cho bản thân trong nhưng vụ tai nạn tương tự.

Cũng theo luật sư này, nếu có kiện, người dân nên kiện theo "gói" có tổ chức hoặc nhờ cơ quan công quyền đại diện. Việc xé lẻ vụ việc để kiện có thể không mang lại hiệu quả.

Luật sư Trần Hồng Phong, Công ty luật hợp danh Ecolaw, TPHCM: Thực tế là trước tới nay đã có nhiều kiến nghị, kiện cáo của người dân đối với Vedan nhưng do không có bằng chứng nên chưa đi đến đâu. Nay đã có bằng chứng, người dân hoàn toàn có thể dựa trên luật dân sự để đưa Vedan ra toà. Vấn đề vẫn là bằng chứng chứng minh thiệt hại mà Vedan đã gây ra trong suốt thời gian qua khiến người dân gặp khó khăn trong kiện tụng.

Riêng vụ việc này nên xem xét trách nhiệm của quan chức địa phương. Không thể nói là người dân phát hiện ra mà cơ quan chức năng lại chẳng biết gì. Nếu gặp khó khăn, họ hoàn toàn có thể đề nghị các cơ quan chức năng cao hơn, cơ quan công an vào điều tra vụ việc. Những thiệt hại rõ ràng của người dân không thể coi là bình thường và đó là bằng chứng quá rõ để cơ quan chức năng vào cuộc


Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm