Nặng lòng với câu hát ví phường vải

25/01/2015 07:27 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Trần Văn Tư là một nghệ nhân hát ví phường vải tại xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An- nơi được xem là cái nôi của ví phường vải. Dù năm nay đã ở vào tuổi gần 90 song trông nghệ nhân Trần Văn Tư vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn; đặc biệt, giọng hát của ông vẫn rất sâu lắng, ngọt ngào.

Lớn lên ở làng quê Hoàng Trù, xã Kim Liên- nơi mà xa xưa có phường hát nổi tiếng của bà Hoàng Thị An, dì ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thường xuyên theo các cụ đi nghe hát nên câu hát phường vải thấm dần vào tâm hồn nghệ nhân Trần Văn Tư từ thuở ấu thơ. Năm 15 tuổi, ông Tư bắt đầu làm khách đi hát trong làng. Cứ tối đến, ông lại háo hức kết bạn đến các phường dệt vải để đối đáp cho thỏa lòng. Các nhà nho khăn đóng áo dài chỉnh tề, còn trai làng như ông chỉ cần chiếc khăn che mặt để các cô trong phường không nhận ra là được.

Hát phường vải là một loại hình văn nghệ dân gian, một loại hát ví đặc biệt nhất trong gia tài dân ca xứ Nghệ. Câu hát phường vải có từ xa xưa, bắt nguồn từ phường vải của các cô gái, khi nghề trồng bông, dệt vải thịnh hành trên đất Nam Đàn. Buổi tối, khi các bà, các cô tập trung ở nhà chủ phường vừa quay xa, kéo sợi vừa cất lên những câu hát có vần là lúc các chàng trai bắt đầu kéo đến, cùng cất lên những câu hát . Cứ thế suốt đêm những câu ví ngân nga khắp thôn xóm, khi thì tỉ tê, ngọt ngào sâu lắng, lúc lại hóm hỉnh, vui tươi. Hát ví từ đó mà trở thành những câu hát của đôi lứa, cứ thế diễn ra trong cả mùa kéo sợi hàng năm.


Ông Trần Văn Tư nói về điệu ví phường vải. Ảnh internet

Ví phường vải là hát ví của người dệt vải, cạnh đó còn có hát ví của những người đi cấy gọi là ví phường cấy, hát ví của người đi củi gọi là ví phường củi… bởi hát ví gắn liền với lao động, nên mỗi loại hát ví lại gắn với một loại hình lao động riêng.

Theo nghệ nhân Trần Văn Tư, nội dung hát phường vải mang đậm tính trữ tình, song lại khác các loại dân ca khác ở chỗ có sự tham gia của những nhà nho. Vì vậy, tính chất một số câu hát, quy cách trong khi hát, hình thức câu hát, quá trình của một cuộc hát... có phức tạp hơn. Một cuộc hát phường vải phải hát có lớp lang như hát lơ lửng (hát dạo), hát chào, hát mời, hát hỏi, hát đố, hát tình (hát xe duyên), hát tiễn hẹn trong một không gian, môi trường diễn xướng như ở sân vườn, sân đình và người phụ nữ đang ngồi quay xa, dệt vải.

Là một trong 2 nghệ nhân phường vải hiện còn sống ở xã Kim Liên, ông Trần Văn Tư không khỏi trăn trở khi thấy giờ đây những đêm hát phường vải không còn nữa, những câu hát ví phường vải sẽ theo đó mà mai một. Làm thế nào để không gian hát phường vải ngày xưa được sống lại, câu hỏi ấy cứ đau đáu trong ông. Vì vậy, khi câu lạc bộ hát phường vải Kim Liên được thành lập, ông Tư đã xung phong làm Chủ nhiệm câu lạc bộ, đứng ra tập hợp những người bạn đi hát ngày xưa, tìm đến các thư viện để sưu tầm tư liệu, các giai điệu ví cổ, sáng tác lời mới dựa trên nền nhịp điệu cũ để khôi phục, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu. Câu lạc bộ ban đầu chỉ có người lớn tuổi tham gia nhưng sau đó đã thu hút được thêm nhiều thành viên trẻ. Mỗi buổi sinh hoạt, người già lại bày cho lớp trẻ, luyện từng câu hát, hướng dẫn cách ngắt nhịp, lấy hơi. Tất cả các thành viên trong câu lạc bộ đều chung một tình yêu với câu ví phường vải và rồi câu hát phường vải lại vang lên trong xóm thôn.

Câu hát phường vải ẩn chứa vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ con người xứ Nghệ đã trở thành máu thịt, là niềm đam mê theo suốt cuộc đời nghệ nhân Trần Văn Tư nên còn hát được là ông còn truyền dạy. Ông Tư tin rằng, còn người yêu và hát ví phường vải, nghệ thuật hát ví sẽ mãi trường tồn. Việc dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại chính là sự kiện đáng mừng để ví phường vải nói riêng và dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh nói chung tiếp tục được quảng bá rộng rãi, đáp ứng lòng mong mỏi của những người tâm huyết và nặng lòng với câu hát ví phường vải như nghệ nhân Trần Văn Tư.

Thanh Tùng - TTXVN


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm