Bảo mẫu nhà trẻ Phương Anh: Người sám hối, kẻ tỉnh bơ

19/12/2013 11:44 GMT+7 | Thế giới

Lê Thị Đông Phương: Giờ tôi hối hận cũng đã muộn rồi. Tôi chỉ đơn giản nghĩ là các cháu khó ăn, hay khóc quấy nên lúc bực tức có hành động như thế.

Liên quan đến vụ bắt giam chủ nhà trẻ và bảo mẫu hành hạ trẻ em, chiều 18/12 phóng viên đã tiếp xúc với hai bị can Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, thường trú quận 8), chủ cơ sở giữ trẻ Phương Anh (số 18 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) và Nguyễn Lê Thiên Lý tại trại tạm giam của Công an quận Thủ Đức.

Tôi hối hận muộn màng, mang tiếng cả đời

Bị can Phương khai nhận nhà số 18 đường Hiệp Bình là nơi vợ chồng Phương thuê để ở cùng hai con nhỏ. Sau khi tốt nghiệp loại khá chuyên ngành giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn, vì đang nuôi con nhỏ nên Phương chưa thể xin việc mà ở nhà dạy thanh nhạc, vốn tự học từ chồng là thạc sĩ âm nhạc. Tháng 8/2013 đến nay Phương mở điểm giữ trẻ mà không có giấy phép của cơ quan chức năng tại nhà thuê nói trên.

Nhà trẻ Phương Anh nơi các cháu bị Phương, Lý hành hạ, đánh đập. Ảnh: H.TUYẾT - Pháp luật TP HCM

Nói về những hành vi hành hạ trẻ, Phương trần tình: “Giờ tôi hối hận cũng đã muộn rồi. Tôi chỉ đơn giản nghĩ là các cháu khó ăn, hay khóc quấy nên lúc bực tức có hành động như thế. Trong thâm tâm tôi chỉ mong muốn các cháu ngoan, ăn uống tốt, khỏe mạnh, mau lớn”. Rơm rớm nước mắt, chủ điểm giữ trẻ Phương Anh tâm sự: “Việc xảy ra như thế này là tôi mất tất cả, mang tiếng cả đời. Tôi cũng làm cho uy tín, danh dự của gia đình, người thân mất hết”.

Ngược với thái độ của bị can Phương, bị can Lý vẫn giữ nét mặt thản nhiên. Lý trình bày từ quê Kiên Giang lên Sài Gòn được khoảng nửa năm nay. Hiện Lý đang theo học lớp cấp dưỡng của Trường ĐH Sài Gòn, được nhận vào làm nhân viên cấp dưỡng dạng thử việc cho nhà trẻ Phương Anh từ ngày 29/8/2013.

Lý giãi bày: “Bản tính em rất nóng, từ trước đến giờ nó vậy. Nên khi cho các bé ăn mà bé nào khóc, không chịu ăn hoặc lỳ là em đánh, chỉ dùng tay đánh như thế làm cho các bé sợ mà ăn”. Theo Lý thì từ trước đến nay Lý đã nhiều lần cho các bé ăn theo kiểu bạo lực như thế và đã phát huy được hiệu quả. “Khi em đánh như thế thì các bé sợ em, không dám khóc nữa mà ngoan ngoãn ăn uống”.

Hỏi về việc Lý có hành động nhấn đầu một bé gái vào thùng nước như đoạn clip mô tả, Lý khẳng định: “Trong thâm tâm em biết rõ là mình đang làm gì. Em chỉ hù bé thôi chứ không có làm thật đâu. Sau những lần em hù như thế thì các bé rất sợ em”. Với cách trò chuyện bình tĩnh của Lý, phóng viên hỏi Lý suy nghĩ gì về những việc làm, hành động của mình đối với những đứa trẻ thì Lý nói rõ: “Từ những việc xảy ra, sau này em ra tù em sẽ suy nghĩ trước khi làm bất cứ việc gì”.

Sẽ đóng cửa 150 điểm giữ trẻ không phép

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết quận sẽ kiên quyết đóng cửa các cơ sở giữ trẻ không phép nhằm chấn chỉnh hoạt động nhận giữ trẻ trên địa bàn.

Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý tại trại tạm giam của Công an quận Thủ Đức

Theo ông Truyền, qua rà soát trên địa bàn hiện có khoảng 150 cơ sở không có giấy phép. Trong khi đó hệ thống trường lớp tại quận đã quá tải. Cụ thể theo quy chuẩn 34 trẻ/lớp còn tại Thủ Đức là 40 trẻ/lớp.

“Chúng tôi cũng rất băn khoăn vì số lượng con em công nhân, lao động nhập cư trên địa bàn rất lớn, khi đóng cửa các cơ sở này con em họ sẽ không biết phải gửi ở đâu. Trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là những công nhân, lao động có con 6-12 tháng tuổi phải đi làm sớm không biết phải gửi con ở chỗ nào. Trước mắt chúng tôi vận động các ông bố bà mẹ nên gửi con cho người thân, người đủ tin tưởng thay vì phải gửi tại các nhóm trẻ gia đình không quen biết” - ông Truyền đặt vấn đề.

Về giải pháp nhằm hạn chế các vụ hành hạ trẻ em tại nơi nhận giữ trẻ, ông Truyền nói: Thực tế các cơ sở nhận giữ trẻ đều tường kín, cổng cao nên rất khó phát hiện tình trạng bạo hành. Theo đó, quận tăng cường việc kiểm tra tại các cơ sở này, đồng thời vận động các chủ nhà trọ cùng tham gia giám sát, phát hiện và thông báo kịp thời về các hiện tượng bất thường như thường xuyên la hét, quát mắng… cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Ngoài ra, quận cũng kêu gọi người dân cùng tham gia phát hiện những hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ em tại các cơ sở giữ trẻ.

Đối với vụ hành hạ trẻ tại cơ sở Phương Anh, ông Truyền thông tin thêm: UBND quận chỉ đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh tổ chức kiểm điểm cán bộ phụ trách lĩnh vực. Hiện công an quận đang khẩn trương lấy lời khai, hoàn tất hồ sơ và đưa ra xét xử lưu động, công khai nhằm mục đích răn đe.

Từng có ý định bỏ nghề giáo

Bị can Lê Thị Đông Phương từng có ý định từ bỏ nghề giáo vì hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc. Một người bạn của Phương cho rằng: “Có thể chị ấy gặp vấn đề tâm lý với gia đình và chồng trong thời gian dài nên mới có những hành động bột phát với những đứa trẻ như vậy”.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, bà Phương luôn viết những entry thổ lộ những u buồn, uẩn ức về cuộc sống, gia đình. Phương cũng thú nhận là trái tim mình đã chết.

Trong entry ngày 29/11, Phương viết: “Có ai hỏi tôi nếu cho bạn chọn lại một nghề khác thì bạn sẽ chọn nghề gì tôi sẽ không suy nghĩ và đắn đo trước câu hỏi đó vì tôi đã có sẵn lời giải đáp. Nếu có kiếp sau nữa tôi vẫn chọn làm một người bạn, người cô và là người mẹ thứ hai của những đứa trẻ!!! Nhưng tôi chưa bao giờ cảm nhận được niềm hạnh phúc nhất với nghề khi có những ngày tháng bên những đứa con của tôi. Vậy mà đôi khi tôi đau và rơi nhiều nước mắt vì cái lý tưởng mà tôi đã chọn và cả những đêm trăn trở vì nó. Một cảm giác bị tổn thương, mệt mỏi và chán nản… Tôi muốn buông xuôi hết cả và mãi mãi từ bỏ!!!”.

H.VI


Theo H. Tuyết
Pháp luật TP HCM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm