Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Một biểu tượng của lắng nghe và hòa giải

03/05/2015 06:45 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng kể rằng sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường hay nhắc lại một câu như tâm niệm của lòng ông: “Nghe xuôi, nghe ngược, nghe xốn tai, nhưng vẫn phải nghe để nhận ra những điều tâm huyết”. Chính tâm niệm như vậy mà từ rất sớm (năm 1976), ông Võ Văn Kiệt đã chủ động tìm gặp giới văn nghệ sĩ, trí thức và giới tài chính, kinh tế của chế độ cũ để nghe ý kiến, mời hợp tác, làm việc.

Trong một bài phát biểu còn được trích dẫn nhiều lần, Võ Văn Kiệt từng nói: “Đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam... Phải phát huy dân chủ cao độ, thực hành dân chủ thật sự, hòa hợp dân tộc rộng rãi. Mọi người Việt Nam không chỉ là chủ đất nước mà phải làm chủ thật sự, được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng thành quả dân chủ”.

Từ luôn luôn lắng nghe

Một trong những trí thức “siêu nhạy cảm” mà ông Võ Văn Kiệt gặp từ sau ngày thống nhất đất nước là Giáo sư Nguyễn Xuân Oánh (1921-2003), một nhà kinh tế chuyên nghiệp, lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Harvard năm 1954.

Trước 1975 tại Sài Gòn, ông Oánh từng là Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, Phó thủ tướng VNCH, hai lần là Quyền thủ tướng. Chính những cuộc gặp gỡ từ sớm của ông Kiệt và một vài người khác, mà ông Oánh nhanh chóng được tham gia vào việc cải cách, đổi mới chính sách ngân hàng, tài chính, đầu tư nước ngoài, kiến tạo nguồn vốn… tại Việt Nam. Ông trở thành cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt…, trở thành đại biểu Quốc hội.


Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Minh Đạo

Theo vài người kể lại thì câu nói “nghe xuôi, nghe ngược, nghe xốn tai, nhưng vẫn phải nghe để nhận ra những điều tâm huyết” của ông Kiệt có từ thời gian này, vì ông Oánh nổi tiếng là người thẳng tính, không ngại chỉ trích. Những phát biểu thẳng thắn của ông Oánh tại Quốc hội vẫn còn được nhiều người ghi nhận.

Ông Kiệt cũng ứng xử tương tự với nhà kinh tế Nguyễn Văn Hảo (sinh năm 1942), người từng là Thống đốc Ngân hàng Quốc gia và Phó thủ tướng của VNCH. Những năm 1980, khi ông Hảo đến Pháp định cư, trở thành cố vấn kinh tế cao cấp cho Chính phủ Haiti, ông Kiệt vẫn muốn giữ liên lạc thường xuyên.

Thử hình dung, đầu Thu năm 1982, khi ông Kiệt chuẩn bị ra Hà Nội làm Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, thì đến chơi với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tại đó nhà thơ Nguyễn Duy đã đọc bài Đánh thức tiềm lực, trong đó có những câu như: “… Cần lưu ý/có lắm nghề lạ lắm/nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau/nghề chửi đổng, nghề ngồi lê, nghề vu cáo/ nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào/có cả nghề siêu nghề gọi là nghề không làm gì cả/thọc gậy bánh xe cũng một thứ nghề... Bộ sưu tập những điều ngang trái ấy/phù chú ma tà ru tiềm lực ngủ mê”. Sau khi biết việc ông Kiệt nghe bài này với vẻ thích thú thì nhiều nơi mới dám công khai in bài thơ này.

Nhà văn Sơn Nam kể rằng những cuộc gặp với ông Kiệt thường “cãi cọ nhiều hơn vui vẻ, vì ông ấy thích nghe sự thật, thích nghe những ý kiến trái chiều, phản biện. Ông ấy là người hỷ xả, không tư thù, giận hờn hay chấp nê với các ý kiến trái chiều, nghịch nhĩ. Làm một người luôn lắng nghe như ông cũng chẳng sướng ích gì, đôi khi buồn nhiều hơn vui”.

Đến nhóm Thứ Sáu

Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi (thành viên nhóm Thứ Sáu) có nhiều dịp gần gũi, phân tích, cố vấn cho ông Võ Văn Kiệt kể rằng: “Nhiều lúc ông phải “gồng” mình lắng nghe những điều góp ý hoặc phê bình rất khó chịu của giới trí thức. Ông tiếp nhận hết, nhưng ông cũng rất thẳng thắn về những quan điểm của ông và trong vai trò của ông”.

Điều mà ông Nhi nói có thể được nhìn thấy trong một đoạn của lá thư mà ông Kiệt gửi cho nhóm Thứ Sáu: “… Tôi luôn quý trọng tình cảm chân thành, thẳng thắn của anh em. Tôi cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực trong suốt hơn 15 năm qua, không phải vì tất cả những ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi. Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta. Có ý kiến cùng gặp nhau với kết quả nghiên cứu, đề xuất của những cơ quan, cá nhân khác. Nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của cả một quá trình lao động trí tuệ, công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của mỗi anh em còn không ít khó khăn. Chúc anh em mạnh khỏe, hạnh phúc. Tôi xin thi đua cùng anh em, tiếp tục làm công quả và khuyến khích được nhiều người cùng làm, với tất cả trách nhiệm vì sự nghiệp chung”.

Nhóm Thứ Sáu hình thành từ nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế, thời cuộc, văn hóa sau 1975, với khoảng 25 thành viên thường xuyên, hầu hết là chuyên gia, trí thức và công chức từ thời VNCH. Họ hoạt động trên tinh thần “5 không”: Không điều lệ, không biên chế, không vụ lợi, không chủ quản, không lương.

“Theo thiển ý riêng, ông Võ Văn Kiệt đã làm được nhiều điều vượt trên cả vai trò và trách nhiệm của ông. Ông Kiệt là một nhà lãnh đạo thực dụng với đòi hỏi bức bách của đời sống hàng ngày, nhưng cũng không thiếu cái tố chất lãng mạn và mơ mộng về một Việt Nam hòa hợp và hòa giải mà ông đã nhiều lần tâm tình sâu đậm. Câu nói “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” của ông Kiệt là chìa khóa về hòa hợp và hòa giải mà chúng ta còn phải cố gắng để mở ra”, Lê Trọng Nhi nói.


Biểu tượng thống nhất mà Phạm Văn Hạng, Vũ Đại Hải, Nguyễn Văn Tất, Hoài Hương, Trịnh Công Sơn cùng với ông Võ Văn Kiệt lên ý tưởng

Và biểu tượng thống nhất

Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng kể rằng sau năm 1975, TP.HCM mở đợt sáng tác mẫu tượng đài chiến thắng (1976 - 1977) với gần 30 đơn vị, tập thể dự thi, không có cá nhân đứng tên. “Thật may, tượng đài chiến thắng thời đó đến nay vẫn chưa thi công, để còn có thời gian suy ngẫm về hình tượng, chất liệu, nội dung... Bởi nếu đã làm thì cũng sẽ hao hao giống nhau, nào đưa tay lên, súng đạn, cờ xí…, để phục vụ tuyên truyền nhiều hơn. Trong khi TP.HCM đang cần biểu trưng văn hóa mang tính nhân văn nhiều hơn, nên phải tiếp tục nghĩ suy” - Phạm Văn Hạng nói.

Sau 18 năm (1977 - 1995), ông Võ Văn Kiệt mới gặp lại Phạm Văn Hạng để cùng suy ngẫm về tượng đài chiến thắng cho TP.HCM, dự kiến đặt trong sân của Dinh Thống Nhất. Phạm Văn Hạng cùng các kiến trúc sư Vũ Đại Hải, Nguyễn Văn Tất, họa sĩ Hoài Hương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng góp sức suy tư về công trình với ý tưởng “triệu trái tim trong một trái tim”.

Phát biểu của Phạm Văn Hạng lúc ấy được ông Kiệt đồng tình: “Tôi rung động với chủ đề thống nhất, thống nhất là ước vọng của cả dân tộc, cao hơn chiến thắng. Bởi xây dựng giữa Sài Gòn - TP.HCM cho cả người chiến thắng và người chiến bại xem. Chúng ta xây dựng công trình phải lạ, đẹp, hàm chứa nhiều ý tưởng nhân văn để mọi người cùng thụ hưởng, cùng nghĩ suy”.

Ông Kiệt từng đến nhà Phạm Văn Hạng (quận Gò Vấp TP.HCM) đề nghị hoàn thành hồ sơ công trình một cách trang trọng, chi tiết. Trước khi qua đời khoảng 60 ngày, ông Kiệt đã đề nghị Phạm Văn Hạng, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất tìm chuyên gia thủy tinh để giải trình kỹ/mỹ thuật, và vị trí hướng đến là giữa ngã tư Pasteur - Lê Duẩn, TP.HCM. Tuy nhiên đến nay thì biểu tượng đó vẫn là ý tưởng được ôm ấp của những người còn lại.

Hiền Hòa
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm