Chuyện đỡ đẻ cho hà mã

09/07/2012 14:22 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Canh thú sinh cũng toát mồ hôi không kém như chờ “bà bầu” chuyển dạ trong bệnh viện. Cuối cùng sau hơn 30 giờ chờ đợi, các “bác sĩ” vườn thú Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) sung sướng được chứng kiến hà mã vượt cạn thành công, hà mã con nặng 25kg chào đời an toàn” – ông Dương Thanh Phi, Giám đốc vườn thú vui mừng kể về “đứa con tinh thần” của mình.

Cặp hà mã  bố mẹ có tên (Lu – Bi) được mua từ Israel chuyển về Bình Dương vào thàng 7/2008, với giá 34 ngàn Euro đã sinh sản thành công trong môi trường bán hoang dã vào hôm ngày 3/7.

Khi mới về Vệt Nam, mỗi con được 1 năm tuổi và nặng chỉ vài trăm kg. Hiện nay, Bi nặng 1,5 tấn và Lu nặng 2 tấn. Mỗi ngày, cặp "vợ chồng" hà mã ăn cả trăm kg rau quả, cỏ các loại.  Ông Phi cho biết việc hà mã nhập khẩu từ Israel đã sinh ra một ra một hà mã con ngay trong môi trường bán hoang dã là chuyện hiếm xảy ra ở các vườn thú VN.



Hà mã Lu và con

30 giờ hồi hộp...

Biết tin hà mã mẹ tên Lu bỏ ăn, ông Phi “ người bạn” của muôn loài thú ở Đại Nam biết ngay là hà mã sắp chuyển dạ sinh con sau hơn 8 tháng mang bầu. Quan sát, hà mã Lu bắt đầu rỉ nước ối và có biểu hiện bất thường như chạy lên chạy xuống hồ nước liên tục. Ông Phi ra lệnh lùa hà mã bố tên Bi vào chuồng riêng để nhường khu vực sân và hồ nước làm ổ đẻ cho “bạn tình” của nó vượt cạn.

Ông Phi cho biết sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu khoa học về môi trường sinh sản của hà mã, ông đinh ninh hà mã sẽ sinh dưới nước nên liên tục cảnh chỉnh nguồn nước vào hồ nuôi. Suốt đêm 3/7, ông và cử nhân sinh học Mai Xuân Tình, Phó giám đốc Vườn thú, gần như thức trắng để điều chỉnh nước cho phù hợp. Canh chừng người bạn (hà mã Lu) đẻ, ông Phi không rời khỏi vị trí một giây. Đêm xuống, muỗi ở vườn thú như ong, bu cắn đầy mình nhưng ông vẫn cố bám vị trí, mượn lều chõng khu dã ngoại làm chỗ trú canh hà mã vượt cạn.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, quản lý chương trình giáo dục bảo tồn của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) cho biết hà mã là động vật nằm trong Sách đỏ thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong khi đó, hổ Đông Dương hiện trong môi trường hoang dã ở Việt Nam cũng còn rất ít, có thể không quá 30 con. Theo bà Huyền, nhiều chuyên gia cảnh báo hổ trong môi trường hoang dã ở Việt Nam có thể tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Vì thế, các phương án bảo tồn những loài quý hiếm này cần được thực hiện cấp bách.

Suốt 30 giờ canh hà mã đẻ, có thời điểm ông và cử nhân Tình sốt ruột toát mồ hôi chờ đợi mãi chẳng hiểu sao chẳng thấy hà mã sinh con. Ông lo xảy ra tình huống xấu là hà mã Lu đẻ con ngược thì phải sử dụng đến biện pháp can thiệp của con người. Vì thế, các phương án giải quyết tình huống đã được chuẩn bị sẵn như: lùa Lu vào chuồng ép, tiêm thuốc kích đẻ, can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật khác để nới rộng bộ phận sinh dục nhằm đưa con ra ngoài cũng đã sẵn sàng.

Canh suốt đêm mệt lả, ông vừa chợp mắt.  Đột nhiên một âm thanh lạ “phụt” ra vào 1 giờ sáng ngày 3/7. Ngay lập tức ông dùng đèn phin rọi vào, quá bất ngờ hà mã con dính máu me, nhau thai cự quậy trên vũng máu bầy nhầy. Mừng rỡ, ông dùng máy quay phim ghi lại hình ảnh loài thú hoang dã này đã sinh sản tại vườn thú nuôi nhốt. Điều ông không ngờ tới, trong khi các tài liệu trên thế giới nói, hà mã sinh nở hay chọn khu vực nước nông và hay sinh ở dưới nước. Nhưng hà mã Lu ở Đại Nam đẻ con ở trên bờ.Ngay sau khi sinh con, Lu cắn dây rốn cho con, liếm sạch con, đưa con xuống nước tắm và 3 giờ sau  hà mã con bắt đầu bú sữa mẹ. “Thành công rồi, thành công rồi” – ông Phi và các nhân viên vườn thú Đạm Nam hét lên vui sướng.

Sau khi sinh, hà mã mẹ dẫn con xuống hồ, chuyện canh chỉnh nguồn nước cũng gay go không kém. Ông Phi cho biết, cứ nghĩ bơm nước vào hồ sâu hơn hà mã mẹ bơi nổi lên thì hà mã con dễ bú sữa mẹ hơn. Nhưng sau khi cho nước vào, chú hà mã con bơi còn yếu nên có biểu hiện ngộp thở. Các nhân viên vườn thú cho rút bớt nước ra, nhưng khi nước cạn quá, hà mã mẹ nằm bệp xuống đáy hồ đè lên các đầu vú sữa cũng khiến hà mã con không thể bú. Sau nhiều giờ canh chỉnh nước cho phù hợp, hà mạ mẹ Lu mới thuận lợi cho con bú. “Cứ vài phút nó dùng miệng nâng đỡ đứa con “bé bỏng” của mình nổi lên mặt hồ để thở thấy rất dễ thương” - ông Phi cười mãn nguyện.

Chưa tròn 3 ngày tuổi nhưng hà mã con đã tăng trọng lượng khoảng 30kg, bơi lội rất khỏe mạnh trong hồ. Tuy nhiên, vì sau khi sinh hà mã Lu rất hung dữ để bảo vệ con nhỏ nên các nhân viên vườn thú chưa tiếp cận để xác định giới tính. "Hiện vườn thú chưa thể đặt tên vì chưa thể xác định giới tính cho hà mã con. Cũng như những loài khác, hiện tính khí của Lu rất khác thường ngay sau khi sinh con. Kể cả hà mã “bố” tên Bi cũng được tách nhốt sang khu vực khác để bảo đảm an toàn", anh Mai Xuân Tình, Phó giám đốc Vườn thú cho biết.

Cũng theo anh Tình, hiện vườn thú tạm dừng cho du khách đến tham quan tại khu nuôi hà mã. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa thì vườn thú mới mở cửa trở lại.

Bạn muôn loài thú...

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, quản lý chương trình giáo dục bảo tồn của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) cho biết hà mã là động vật nằm trong Sách đỏ thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong khi đó, hổ Đông Dương hiện trong môi trường hoang dã ở Việt Nam cũng còn rất ít, có thể không quá 30 con. Theo bà Huyền, nhiều chuyên gia cảnh báo hổ trong môi trường hoang dã ở Việt Nam có thể tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Vì thế, các phương án bảo tồn những loài quý hiếm này cần được thực hiện cấp bách.

Khu du lịch Đại Nam còn nổi tiếng mát tay nuôi hổ đẻ. “Trong Vườn thú Khu Du lịch Đại Nam nhiều hổ Đông Dương đã lên chức “ông bà”. Ban đầu, Vườn thú chỉ có 9 con hổ (5 đực, 4 cái). Sau đó, chúng giao phối với nhau cho ra 15 con thế hệ F1. Nhiều “cuộc tình” giữa các cá thể không cùng huyết thống trong thế hệ F1 nảy nở và cho ra 4 cá thể F2 mà ít nơi nào nhân giống thành công. Ở đây hổ Đông Dương hiện thuộc loại mắn đẻ, Đại Nam đang hãm chúng lại nếu không hàng năm có đến vài lứa hổ con ra đời” – ông Phi cho biết.

Khoảng thời gian gắn bó, ông chứng kiến biết bao con thú quý hiếm sỉnh sản, có những con phải nhờ can thiệp “ đỡ đẻ” từ bàn tay kinh nghiệm của ông. Sau khi sinh con, nhiều hổ cái không đủ sữa nên nhân viên vườn thú phải mua sữa bột (loại cho trẻ sơ sinh), đem pha rồi cho vào bình để hổ con bú giặm. Có những lần ông trở “bà vú” cho những chú hổ con bú sữa dặm thêm nên có nhiều con hổ sau khi trưởng thành chỉ cần thấy ông đi ngang qua đã chồm lên quấn quýt, vui đùa xem như là người bạn vậy – ông Phi tỏ vẻ thích thú kể.



Cặp hổ trắng nhập khẩu đang mang thai chuẩn bị sinh lứa đầu tiên

Ông Phi cho biết thêm, đến nay vườn thú nuôi bán hoang dã tại Khu du lịch Đại Nam có 14 loài động vật quý hiếm đã  thuần dưỡng và nhân giống rất thành công gồm: Hổ Đông Dương đã nhân giống lên thế hệ F2, khỉ sóc Nam Phi, Vọc bạc, linh dương đầu bò, linh dương sừng xoắn....đã sinh sản được nhiều lứa. Đặc biệt, hiện nay có hai loài động vật hoang dã rất quý hiếm như: sư tử trắng, hổ trắng đang nuôi tại Đại Nam đều đã  mang thai và dự kiến trong tháng bảy này sẽ cho sinh sản lứa đầu tiên.

Ông Phi cho biết: Chúng tôi dự kiến triển khai những chương trình giáo dục liên quan đến động vật nuôi ở vườn thú Đại Nam, nhằm giúp cho những đối tuợng quan tâm cũng như đang nghiên cứu về động vật có thể tìm hiểu và gần gũi hơn khi tiếp cận các động vật hoang dã ngay chính tại vườn thú Đại Nam. Ngoài các chương trình giáo dục khám phá đang triển khai, chúng tôi nghiên cứu các hình thức bảo tồn và nhân giống các loài thú quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng như hổ Đông Dương, các loài Báo, các loài Voọc Ngũ Sắc, Voọc Bạc, Vượn Má Vàng...

Hiện nay ước tính có khoảng 125 nghìn tới 150 nghìn cá thể hà mã ở khắp khu vực châu Phi cận Sahara; Zambia và là hai quốc gia có quần thể hà mã lớn nhất. Hà mã vẫn bị đe dọa bởi việc mất đi môi trường sống và sự săn trộm để lấy thịt và những răng nanh bằng ngà. Mặc dù có thân thể thấp đậm và bốn cái chân ngắn nhưng hà mã có thể đạt tới tốc độ đáng kinh ngạc: 48km/h và dễ dàng vượt mặt con người. Chúng cũng là loài thú có vú nặng thứ 3 trên mặt đất. Con đực có thể nặng tới 3 tấn và dài khoảng 5m.

Dương Chí Tưởng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm