12 nạn nhân vụ sập hầm thủy điện đã an toàn – Cuộc giải cứu ngoạn mục sau 81 giờ

19/12/2014 23:02 GMT+7 | Thế giới

16 giờ 30 phút ngày 19/12, thời khắc sẽ đi vào tâm trí của tất cả những ai có mặt tại hiện trường vụ sập hầm tại công trình thủy điện Đa Dâng – Đa Chomo xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng và những người dân đã luôn quan tâm theo dõi, hướng về các nạn nhân trong suốt những ngày qua.

Tất cả 12 công nhân, trong đó có 1 nữ bị mắc kẹt trong đường hầm gần 4 ngày đêm qua đã được giải cứu ra ngoài an toàn. Lực lượng cứu hộ cũng hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các nạn nhân và cho những người tham gia cứu hộ.

Niềm vui vỡ òa và những dòng nước mắt hạnh phúc rơi trên gương mặt của tất cả mọi người có mặt tại hiện trường. Lần lượt từng công nhân bị nạn được đưa ra trên băng ca, qua đoạn đường hầm dài hơn 600m, tiến ra cửa hầm trong niềm vui sướng tột cùng. ... Một số nạn nhân còn khá khỏe, đi bộ tiến ra ngoài. Nạn nhân nữ duy nhất nhanh chóng được đưa ra trên băng ca và tới ngay lều cấp cứu dã chiến. Sau gần 81 tiếng đồng hồ bị mắc kẹt trong đường hầm tối, ngập, các công nhân đã được giải cứu.

Lực lượng y tế đang tiến hành sơ, cấp cứu nạn nhân đầu tiên Hoàng Văn Sơn (24 tuổi, quê huyện Ý Yên, Nam Định). Ảnh: Đặng Tuấn– TTXVN

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh – Bộ Quốc phòng, người được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao trách nhiệm chỉ huy trưởng các lực lượng cứu hộ trong hầm, không giấu niềm vui sướng cho biết đã giải cứu thành công và đảm bảo an toàn cho 12 công nhân bị nạn. “Tất cả các nạn nhân đều khỏe, anh em công nhân vốn có sức khỏe tốt nên khi được giải cứu nhiều anh em vẫn đủ sức khỏe để tiến ra ngoài. Đa số nạn nhân phải sơ cứu do choáng ngợp, quá vui sướng, xúc động nên ngất đi. Lực lượng y tế sẽ sơ cứu và tiến hành cấp cứu để ổn định sức khỏe ngay sau đây”.

Đại tá Hùng cũng cho biết cùng với nỗ lực không ngừng của lực lượng công binh – chủ lực của công tác khoan, đào hầm cứu hộ và sự hỗ trợ của nhiều lực lượng khác, công tác cứu hộ cũng gặp thuận lợi khi đường hầm phụ bên vách trái hầm chính chỉ mới khoan, đào trong tối 18/12, qua hơn 14m đã tìm đến được với vị trí thuận lợi để tiếp cận, giải cứu các nạn nhân. Trước đó, Ban chỉ huy cứu nạn dự trù phải đào hai hầm phụ cả bên vách phải và vách trái hầm chính để vượt qua đoạn hầm sập dài 35m mới có thể tiếp cận, giải cứu nạn nhân. Sớm hơn dự kiến đến đêm 19/12 mới có thể đưa các nạn nhân ra ngoài. Cuộc giải cứu đã thành công ngoài mong đợi vào chiều 19/12.

Trung úy Nguyễn Văn Tiền, Tiểu đoàn 32, Lữ đoàn 293 – Binh chủng Công binh, người đầu tiên tiếp xúc với các nạn nhân qua đường hầm cứu hộ cho biết: Sau khi tổ cứu hộ đào được hơn 12m đường hầm phụ bên vách trái hầm chính, theo hướng đào cao lên trên, đi vòng qua đoạn hầm bị sập thì gặp vùng đất mềm. Tổ cứu hộ đào thêm hơn 2m thì tiếp cận được đoạn hầm thông. Trong bóng tối, anh em cứu hộ đã lội vào tiếp hơn 20m trong đường hầm nước vẫn còn ngập ngang bụng và gọi nhiều tiếng. Khi phát hiện có tiếng người vọng lại “Cứu em với các anh ơi”, anh em cứu hộ đã nhìn thấy nạn nhân đầu tiên vượt nước ngập tiến về phía mình. Lực lượng cứu hộ tiến vào đoạn hầm cuối và đưa lần lượt từng nạn nhân ra ngoài.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, nhiều công nhân khi được đưa ra ngoài đã không thể nói nên lời, gương mặt đẫm nước mắt vui sướng trong vòng tay của người thân và đồng nghiệp. Các tổ cứu hộ cũng lần lượt tiến ra ngoài đường hầm trong tiếng vỗ tay, chúc mừng.

Nạn nhân cao Nguyễn Văn Quang, 18 tuổi, quê Hà Tĩnh bị rách da đầu cũng đã ổn định sức khỏe. Ảnh: Ly Kha – Đặng Tuấn- TTXVN.

Báo cáo chính thức của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sự cố sập hầm tại công trình thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo xảy ra vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 16/12, khi các công nhân của Công ty cổ phần Sông Đà 505 đang vào ca làm việc tại đường hầm thì hầm bất ngờ bị sập. Khi sự cố xảy ra, trong hầm có 32 công nhân, nhưng 20 người phía ngoài đã kịp thời thoát ra còn 12 công nhân đã tiến sâu vào trong bị kẹt lại.

Vị trí đoạn hầm bị sập cách cửa nhận nước đầu miệng hầm khoảng 500m (đường hầm dài 720m, thi công từ thượng lưu xuống được khoảng 600m, đoạn bị sập dài khoảng 35m). Vị trí này trước đây khi Công ty cổ phần đầu tư xây dựng ngầm Vinaconex thi công cũng đã nhiều lần bị sụt đất. Trước khi sự cố xảy ra, Công ty cổ phần Sông Đà 505 đã chống đỡ trần hầm bằng khung và vỉ thép nhưng khi sự cố xảy ra lượng đất và đá lớn đã phá sập trần hầm và đè bẹp một xe đào đất tại vị trí này .

Tổng cộng đã có hơn 500 người được huy động tham gia công tác cứu hộ cho cuộc giải cứu ngoạn mục và đầy nước mắt này.

Nhóm phóng viên TTXVN tại Lâm Đồng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm