Milan: Bên bờ vực thẳm

24/10/2012 13:09 GMT+7 | AC Milan

(TT&VH) - Hai trận, Allegri chỉ còn đúng hai trận, và không hơn thế nữa. Chỉ còn lại 6 ngày cho vị HLV người xứ Toscana cứu vãn chiếc ghế ngày càng trở nên nóng bỏng, dù Galliani đã lần thứ ba trong một tháng tuyên bố BLĐ Milan vẫn "tin tưởng" nơi ông. 

Allegri chỉ còn đúng hai trận- Ảnh Getty

Milanello trở thành trại lính. Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở mùa 1997/98, Milan phải áp dụng chính sách cực khủng khiếp: trừng phạt cả đội bóng, không cho ai về nhà trong một tuần để chuẩn bị cho hai trận đấu được cho là quyết định số phận của Allegri, trận đêm nay gặp Malaga và trận đấu với Genoa đêm thứ Bảy tới. Allegri giờ đã gần như bị cô lập.

Những sai lầm trên TTCN mùa Hè vừa qua cùng với sự bảo thủ cố hữu của ông (Boateng luôn chơi tồi, nhưng ông luôn dùng anh) đã khiến Milan phải trả một cái giá quá đắt: đội bóng kiêu hùng của Berlusconi đã thua 5/10 trận đấu của mùa này, và nếu Siena không bị trừ 6 điểm ở mùa bóng này, thì giờ Milan phải đứng thứ 3 từ dưới lên, vị trí của một đội xuống hạng B!

Một cơn rùng mình làm ớn lạnh tất cả: Milan đã khởi đầu giải cũng tệ như mùa 1981-82, với chỉ 6 điểm/8 trận. Trong đội bóng ngày ấy vẫn còn những ngôi sao, như Jordan, Baresi và cả Tassotti, hiện là trợ lí của Allegri. Nhưng nếu có "mệnh hệ" gì cho Allegri, chính Tassotti sẽ phải giơ vai gánh vác Milan trong giai đoạn tới của một mùa bóng có lẽ là vứt đi.

Bây giờ, Milan như một quả bom hẹn giờ chỉ chực nổ, và Allegri, bất lực thấy rõ từ trận thua Lazio 2-0 (phát biểu sau trận, ông nói: "Số phận của tôi trong tay BLĐ"), đã hầu như đầu hàng số phận. Trong 10 trận đấu ở Serie A và Champions League kể từ đầu giải, Allegri bố trí 10 đội hình ra sân khác nhau, sử dụng 4 sơ đồ chiến thuật và 26 cầu thủ (người mới nhất là Pato). Điều ấy thể hiện rằng ông HLV 45 tuổi đã loay hoay với mọi phương án có thể kể từ đầu mùa để tìm kiếm một giải pháp tối ưu cho đội. Đến nay, ông vẫn chưa tìm thấy.

Từ nhiều năm nay, Milan đã tồn tại dựa chủ yếu trên khả năng vận hành đội của các HLV cũng như việc "tái chế" các ngôi sao hàng thải từ các đội bóng khác. Khả năng tuyệt vời của Galliani trong việc kiếm tìm những ngôi sao dạng đó, chính sách mượn hoặc mua cầu thủ với giá siêu rẻ của ông, đã tạo điều kiện cho Milan có thể sống sót mà không phải tiêu pha quá nhiều cho mua sắm. Chiến lược đó phù hợp với tư duy thắt lưng buộc bụng của Berlusconi. Nhưng việc bán đi Ibrahimovic và Thiago Silva đã tước đi của Milan xương sống chiến thắng, cảm hứng thi đấu và cả sự chắc chắn. Những sai lầm ấy sẽ còn khiến người thay thế Allegri phải trả giá nữa. Và giờ, để kéo dài thêm những hy vọng mong manh tại vị ở Milan, Allegri phải đánh thức các cầu thủ ngái ngủ của mình dậy, dẹp đi trong lòng họ nỗi sợ hãi thất bại, và ngẩng cao đầu bước vào trận đấu đêm nay trên sân Malaga, một trong hai cơ hội cuối cùng của ông.

Những cái đầu ấy, liệu còn ngẩng lên được nữa không?

Anh Ngọc

30 năm mới kinh khủng thế này

Để tìm được một Milan kiệt quệ và khủng hoảng thế này, phải lùi thời gian lại 30 năm. Mùa giải 1981-82, Milan đang đứng ở vị trí gần cuối bảng, với 6 điểm sau 8 trận đầu giải (khi đó, Serie A đang áp dụng trận thắng được 2 điểm) và cuối giải, họ tụt xuống hạng Serie B.

Trong 26 năm của triều đại Berlusconi, họ chưa từng nếm trải cảm giác xuống hạng. Bây giờ, năm mà người Milan gọi là "annus horribilis" (năm khủng khiếp, tiếng Latin) đang trở lạ. 1981-82 là mùa bóng mà đội quân của HLV Gigi Radice đã khởi đầu tệ hại và sau đó kết thúc còn tệ hơn nữa. Radice sau đó bị sa thải. Người thay thế ông là Italo Galbiati cũng bất lực, khi không tìm ra một giải pháp nào để cứu đội bóng khỏi cái chết.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm