Èo uột văn học thời sự (Bài 2)

28/07/2011 07:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Văn học thời sự hiện nay ư? Chúng ta vẫn có đấy chứ. Chỉ có điều, nó èo uột nên tưởng như không có thôi - TS Phạm Xuân Thạch, giảng viên khoa Văn học ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, khẳng định.

TS Phạm Xuân Thạch

* Nếu định nghĩa văn học thời sự là văn học viết về những đề tài thời sự nóng bỏng, chúng ta hiện có văn học thời sự không, thưa ông?

- Như vậy, có thể gọi văn học thời sự là văn chương về đề tài đương đại thì chính xác hơn. Với cách nhìn như vậy, tôi cho rằng chúng ta có văn học thời sự. Lối sống của thanh niên cũng là vấn đề nóng bỏng, đúng không? Những sáng tác của Nguyễn Quỳnh Trang, hay Dương Thụy đều về đời sống người trẻ đấy chứ. Phan Việt không phải đang viết về những đề tài mang tính thời sự hay sao. Hay mới đây Trương Anh Quốc viết Biển, cũng là thời sự chứ. Chưa kể, nếu quan niệm văn học theo nghĩa rộng, thì Bóng của Đoan Trang, hay loạt sách về đề tài đồng tính cũng gọi là thời sự.

Nhưng rõ ràng phạm vi đề tài của cái gọi là thời sự ấy hạn chế. Do đó, văn học thời sự chỉ chạm đến một vài vùng, và bỏ qua những vùng khác.

* Theo ông, văn học thời sự của chúng ta hay bỏ qua những vùng nào?

- Một vùng là đời sống chính trị đang bị văn học thời sự bỏ qua. Chẳng hạn, chúng ta không có tác phẩm chống tham nhũng. Tất nhiên, đấy không phải chỉ chuyện riêng của văn học. Khi điện ảnh Việt Nam bắt đầu với đợt hồi phục thứ hai, chúng ta có Lưới trời, một tác phẩm tử tế về đề tài chống tham nhũng. Cho đến bây giờ rõ ràng đề tài này gần như biến mất, nếu không kể đến một số bộ phim truyền hình của loạt phim Cảnh sát hình sự hoặc một vài bộ phim truyền hình mang tính chính luận, Chủ tịch tỉnh chẳng hạn.

Đề tài nông thôn cũng biến mất trong văn học. Tôi nói đề tài nông thôn thực sự chứ không phải nông thôn với chủ nghĩa cảm thương và hoài cổ theo kiểu nhớ về những cái bến nước hay hát ví dặm.

Không nên quá câu nệ cho rằng đã là văn học đương đại là phải có đề tài này, đề tài nọ nhưng rõ ràng một nền văn học muốn phát triển mạnh mẽ phải có sự đa dạng về đề tài. Nhưng cũng không nên an ủi văn học viết về cái gì cũng được, bởi thiếu đi đề tài đương đại thì văn học sẽ trở nên rỗng như là chân không.

Bây giờ, đừng hỏi tại sao công nhân khu công nghiệp không có đời sống văn hóa. Thử hỏi, đã có bao nhiêu truyện ngắn, tác phẩm tiểu thuyết viết về họ, trong khi họ đúng là lớp người “anh hùng thời đại” trong xã hội thị trường bây giờ. Họ làm nên nền kinh tế, là những viên gạch xây bức tường thực tế.

Như thế, rõ ràng tuy chúng ta có văn học thời sự nhưng phạm vi đề tài hạn hẹp đến mức người đọc cảm thấy như là không có. Nếu chỉ viết về đề tài người “trẻ” ở đô thị mới lập nghiệp thì biết bao bạn đọc sẽ thấy không có cuộc sống của mình trong văn học. Đề tài di dân thú vị nhưng số lượng tác phẩm quá ít. Mình chỉ biết một người kiên trì, có thành tựu với đề tài đó là Nguyễn Văn Thọ. Quyên của anh ấy đã thoát khỏi chủ nghĩa cảm thương, không phải quanh quẩn chuyện người Việt hải ngoại nhớ hoa đào với bánh chưng, hoặc đời sống vất vả của họ. Nhờ thế, dù không đánh giá quá cao Quyên về mặt nghệ thuật, tôi vẫn cho đó là cuốn tiểu thuyết không thể bỏ qua từ góc độ phát triển văn học di dân.

Chúng ta có văn học thời sự nhưng sức sống của nó quá èo uột. Cách đây vài năm, tôi có đọc một cuốn về du học sinh của một người đang học tại Trung Quốc. Mở ra một mảng như vậy, lóe lên rồi không có sức sống tiếp tục, và đề tài chìm đi thôi.

Thân phận của tình yêu, hay Nỗi buồn chiến tranh, một tác phẩm
hiện thực xuất sắc của văn học thời hậu chiến

* Khi nói đến việc văn học nghệ thuật kém sức sống, nhiều người vẫn nói là do lỗi hệ thống. Còn ông, ông nghĩ sao về sự èo uột của văn học thời sự?

- Tôi nghĩ hiện tượng này thực ra là tại cơ chế. Đừng vì từ “cơ chế” mà bảo tôi nói một điều nhàm. Cơ chế cản văn học thời sự không phải chỉ ở công tác xuất bản mà còn là cơ chế hành nghề văn học.

Lỗi tại cơ chế ở chỗ, nhà văn không thể sống được bằng nghề. Đời sống văn học giờ, chỉ có người kinh doanh sách kiếm lợi. Và càng kinh doanh trái phép càng kiếm được lợi.

Thứ hai, ở ta hiện giờ, quan hệ nhà văn - nhà báo không phát huy được tính tích cực của nó. Trên thế giới nhiều nhà văn đồng thời là nhà báo. Ngay cả trong quá khứ nhà văn Việt Nam cũng phát triển theo con đường như vậy. Cuộc sống làm báo cung cấp vốn sống, chất liệu, tính định hướng đề tài, sau đó anh tích lũy lại thành tác phẩm cận văn học, rồi đi đến tầm khái quát cao hơn là văn học. Với chúng ta, nhà văn đa phần làm báo, nhưng rồi phần báo giết phần văn.

Hình như chúng ta không có nhà báo theo hướng chuyên môn hóa ở những lĩnh vực nhất định để đủ năng lực “đánh cắp” câu chuyện từ thực tế. Tôi có cảm tưởng báo chí mang nặng tính phê phán nhiều hơn kể chuyện. Vì thế, đọc bài báo, ấn tượng đầu tiên là bài báo sẽ khen ngợi, hay phê phán hiện tượng nào. Trong khi đó, một bài báo trước hết nên là một câu chuyện - chính tính câu chuyện là cầu nối giữa văn với báo. Ở nước ngoài, từ một bức ảnh, đến bộ phim, bài báo, điều đầu tiên phải đặt ra phải là anh có câu chuyện gì để kể với công chúng, chứ không phải anh phê phán hay bênh vực.

Phải có những nhà văn họ “đánh cắp” câu chuyện từ thực tế như vậy. Văn học bắt đầu từ điều đơn giản là câu chuyện, lưu giữ người đọc qua cuốn sách rồi từ đó mọi điều nó sinh ra.

* Ông đánh giá Biển là một tác phẩm văn học thời sự. Rồi sau đó thì sao, vì đó chỉ là tự truyện, nói cách khác là văn học thời sự nhưng lại dựa quá nhiều vào kinh nghiệm cá nhân. Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân, văn học thời sự sẽ ra sao?

- Đúng là kiểu nhà văn như Trương Anh Quốc “dễ chết” lắm. Có điều gì đó tương đồng giữa hiện tượng này và tiểu thuyết 8X bây giờ. Vấn đề nằm ở chỗ những sáng tác kiểu này khi khai thác hết vốn sống thì sẽ… hết chuyện. Thế nên, cuối cùng, ở ta, cái có tính thời sự cuối cùng lại là mảng sáng tác về đề tài lịch sử.

* Nếu so sánh với mảng sáng tác về đề tài lịch sử thì phải chăng đang có sự khủng hoảng giá trị trong văn học về đề tài đương đại, thưa ông?

- Nhìn vào tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, ta thấy cái thiếu của đề tài thời sự bây giờ - tầm tư tưởng - điều nhà văn không thể thiếu. Tầm tư tưởng không thể chỉ là thái độ, phản kháng, sự phê phán, mà là ý niệm về hiện thực, là tính dự báo.

Còn chuyện giá trị, có thể nói về Bi, đừng sợ của Di. Tác phẩm lớn vì nó chạm được vào sự hoang mang giá trị. Trong phim, một ông bố suốt ngày uống bia thực ra là sự sụp đổ gia đình. Bây giờ nhiều người đàn ông tuyên bố hôm nào về sớm cũng 9 giờ tối. Nghe thường thôi, nhưng đằng sau đó là chuyện đáng lo về giá trị. Có thể nhân cấp số nhân để thấy, bao nhiêu trẻ con sẽ không được ăn cơm với bố. Tuổi thơ đó sẽ là kiểu gì nếu biết bao đứa trẻ chỉ gặp bố 30 phút trước khi đi ngủ. Trong thời gian đó, cũng chẳng chắc gì bố nó đã kể chuyện cho nó nghe. Trách gì trẻ mê trò chơi điện tử... Việc kể câu chuyện như Di đã kể chính là việc của văn học thời sự.

* Nhưng nếu văn học thời sự có cách kể của Di trong phim thì sẽ vô cùng kén khách.

- Đúng là ngôn ngữ nghệ thuật của Di hơi xa lạ với nhiều người. Nếu ai không có kinh nghiệm điện ảnh thì đố xem được phim của Di. Nếu tìm ra một ngôn ngữ nghệ thuật dung dị hơn thì phim còn đến được với nhiều công chúng hơn nữa. Trong khủng hoảng về văn học thời sự, có khủng hoảng nghệ thuật là vì thế - là bởi tác phẩm văn học phải có tiếng nói thích hợp, để viết về người công nhân phải giống công nhân.

Chính vì thế, tôi nghĩ, văn học thời sự và cả rộng ra cả nghệ thuật Việt Nam nữa nên đi con đường của điện ảnh Iran. Đó là nói những gì rất lớn lao bằng câu chuyện, ngôn ngữ thật trong sáng, giản dị.

* Xin cảm ơn ông!

Còn tiếp

Kiều Trinh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm